Trong bài phân tích độc quyền cho Thanh Niên, Giáo sư Jeffrey Frankel cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều có não trạng sai lầm trong cuộc đua ảnh hưởng ở châu Á.
Hậu sáp nhập: Nhà băng như “mọc thêm cánh”
- Cập nhật : 06/08/2015
Bước ngoặt chuyển mình
Từ đầu năm đến nay, những thương vụ sáp nhập ngành NH có lẽ là thông tin được dư luận và giới tài chính quan tâm nhiều nhất. Ngay đầu năm, thống đốc Nguyễn Văn Bình đã công bố sẽ có khoảng 6-8 thương vụ sáp nhập được tiến hành, khi lộ trình tái cơ cấu ngành NH theo đề án 254 (giai đoạn 2011-2015) của Chính phủ cận kề.
Đến nay, hàng loạt thương vụ sáp nhập đã được hoàn thành như: NH TMHCP Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank); MHB về một nhà với BIDV; Đại Á sáp nhập vào HDBank; hợp nhất 3 ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng Đệ Nhất và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) thành SCB…
Không quá ồn ào như những thương vụ khác, trong 2 năm qua, Maritime Bank đã ầm thầm tìm kiếm cho mình một đối tác sáp nhập và nhanh chóng tiến hành các thủ tục cần thiết để hoàn tất thương vụ. Tìm kiếm một đối tác phù hợp cả về năng lực tài chính, mô hình quản trị… không đơn giản, nhưng sáp nhập là con đường tất yếu và ngắn nhất để gia tăng mạng lưới phân phối, quy mô tài chính và nâng cao năng lực. Và đối tác được chọn là MDB, với những mối quan hệ gắn bó từ nhiều năm qua.
Sáp nhập để trở thành một định chế tài chính có quy mô, năng lực cạnh tranh lớn mạnh hơn rất cần thiết. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thì yêu cầu bản thân NH phải tự nâng mình lên, lớn mạnh hơn là tất yếu, và ban lãnh đạo của Maritime Bank hiểu rất rõ điều này. Và với việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank đã nâng quy mô vốn điều lệ, mạng lưới và trở thành một trong những NH thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể, sau sáp nhập, vốn điều lệ của Maritime Bank tăng từ 8.000 tỉ đồng lên 11.750 tỉ đồng, mạng lưới hoạt động tăng từ 221 lên 270 điểm. Vốn điều lệ là chỉ tiêu cơ bản để chứng minh sức mạnh tài chính của một NH thương mại, đồng thời, là căn cứ để tính toán các tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động NH. Vốn NH càng lớn, sẽ càng dễ tăng quy mô hoạt động cấp tín dụng, huy động và tổng tài sản… Trong trường hợp này, Maritime Bank từ vị trí 2 con số đã tăng hạng ngay sau sáp nhập, vươn lên vị trí thứ 4 về vốn điều lệ và mạng lưới đứng thứ 5 trong khối các NH thương mại cổ phần.
Ngoài ra, Maritime Bank đã có thêm khoảng 50 chi nhánh, phòng giao dịch chuyển đổi từ MDB qua, giúp gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu, uy tín đến khách hàng, mà nếu phát triển theo con đường thông thường phải mất… 10 năm (do NH Nhà nước quy định mỗi năm một NH thương mại chỉ được mở khoảng 5 chi nhánh, phòng giao dịch. Và NH nào vi phạm quy định về tăng trưởng tín dụng, nợ xấu sẽ không được mở thêm mạng lưới).
Tạo giá trị cộng hưởng
Không chỉ NH sau sáp nhập được hưởng lợi, giới phân tích đánh giá thương vụ cũng tạo “cú hích” cho thị trường tài chính NH khi Maritime Bank lớn mạnh hơn rất nhiều và đã nằm trong nhóm những NH cổ phần hàng đầu.
Khoảng hơn 1 năm trước, tại Đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo NH này đã đề cập đến kế hoạch sáp nhập với MDB khi “hiểu quá rõ đối tác” - nơi Maritime Bank đã tham gia đầu tư từ 3-4 năm qua. MDB tiền thân là NH Mỹ Xuyên, tập trung chủ yếu vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi mà Maritime Bank không mạnh về mạng lưới, nguồn khách hàng. Sau sáp nhập, NH sẽ có điều kiện tận dụng và phát huy được những lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thế mạnh vốn có của MDB về hệ thống khách hàng, mạng lưới.
Cũng phải nói thêm, với MDB dù có quy mô nhỏ nhưng không thuộc dạng yếu kém bị buộc sáp nhập nên càng tạo thuận lợi cho NH sau sáp nhập củng cố để phát triển toàn diện ở mọi phân khúc trên cả nước.
Còn nhớ, thời điểm năm 2010, hoạt động của MDB đã có một sự thay đổi lớn khi bộ máy lãnh đạo chính thức có sự gia nhập của cổ đông chiến lược là công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH) - công ty 100% vốn của Temasek Holdings - một tập đoàn tài chính hàng đầu của chính phủ Singapore.
Sự liên minh với một nhà đầu tư nước ngoài được xem là bước ngoặt quan trọng trong đường lối chiến lược của MDB, theo hướng quản trị hiện đại, táo bạo và lành mạnh. Từ đây, MDB đã chú trọng mảng bán lẻ, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo thông lệ quốc tế cho các khối, phòng ban để nâng cao chất lượng dịch vụ và cả yếu tố con người. Điều này càng tạo thêm lợi thế cho Maritime Bank bởi mô hình quản trị hiện đại cũng đang được áp dụng trong thời gian qua, giúp NH tạo sự khác biệt trên thị trường.