Cuối tháng 10 vừa qua, một nhóm nghiên cứu chuyên ngành có mặt tại Ninh Bình, cùng nhìn lại diễn biến kinh tế vĩ mô 2017 và triển vọng 2018. Vốn đầu tư công và tín dụng là hai điểm được chú ý trong các tham luận.
Dịch vụ phi tín dụng: 'Miếng bánh ngon' của nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu 2017
- Cập nhật : 04/11/2017
9 tháng đầu năm lãi hoạt động dịch vụ tăng trưởng bình quân 40%, đóng góp 22~25% tổng thu nhập của nhiều ngân hàng như SHB, Sacombank, SCB….đang trở thành miếng bánh ngon của nhiều ngân hàng, đặc biệt trong xu hướng tiêu dùng cho cá nhân tăng.
Ngân hàng giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng
Thống kê kết quả kinh doanh của 15 ngân hàng thương mại cổ phần bao gồm cả TMCP nhà nước như: Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MBB, VP Bank, Sacombank, Techcombank, Eximbank, VIB, SHB, ACB, SCB, Lienviet Post Bank, OCB, Kien Long Bank cho thấy, 9 tháng đầu năm, 15 ngân hàng tạo ra 13.566 tỷ đồng lãi thuần hoạt động dịch vụ, tăng trưởng bình quân 40% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chung 9,4% tổng thu nhập của các ngân hàng (so với mức 8,5% của 9 tháng đầu 2016).
Lãi hoạt động dịch vụ tăng mạnh nhất ở các ngân hàng như: SHB (tăng 603,9%), OCB (tăng 125,7%, MBB (tăng 125,6%), VPbank (tăng 84,3%), SCB (tăng 66,5%) so với 9 tháng đầu năm 2016, nhờ đó, đóng góp của hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập cũng tăng lên như SHB tăng từ 4,9% lên 25,1%; SCB tăng từ 10,5% lên 22,3%; MBB tăng từ 6,9% lên 10,3%.
Theo ngân hàng SCB, hoạt động dịch vụ của SCB đạt kết quả khả quan do thu nhập từ hoạt động thanh toán quốc tế đạt 103 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016; hoạt động thẻ tín dụng quốc tế lãi 45 tỷ đồng, bằng 82% lợi nhuận từ mảng hoạt động này trong năm 2016. Trong kỳ, SCB đã triển khai dịch vụ thanh toán phí Logistic cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các chương trình kích thích người dùng thẻ SCB bao gồm thẻ tín dụng, thẻ quốc tế SCB.
Trong khi đó, theo ngân hàng SHB, lãi hoạt động dịch vụ của SHB tăng là do ngân hàng tăng trưởng mạnh về các hoạt động dịch vụ khác, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm Bancassurance.
Đối với MBB, thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, lãi hoạt động dịch vụ tăng cao nhờ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ thanh toán và tiền mặt, dịch vụ chứng khoán.
Ở thái cực ngược lại, nhiều ngân hàng có thế mạnh để phát triển các sản phẩm phi tín dụng nhưng vẫn phụ thuộc chặt vào hoạt động tín dụng như Lienviet Post Bank (lãi thuần dịch vụ chiếm 1,1% tổng thu nhập, 9 tháng đầu 2016 chỉ tiêu này đạt 1,6%), Vietinbank (lãi thuần dịch vụ chiếm 5,3% tổng thu nhập, 9 tháng đầu 2016 chỉ tiêu này đạt 6%).
Thu nhập ổn định nhưng không dễ “nuốt”
Thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng SCB trong 9 tháng đầu năm bằng 40% thu nhập lãi thuần; đồng thời lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ đã xấp xỉ 40% lợi nhuận thuần từ hoạt động tín dụng; tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 16,2% so của 9 tháng đầu năm 2016. Điều này cho thấy, nếu đầu tư bài bản, phát triển những sản phẩm được thị trường đón nhận, biên lợi nhuận của mảng hoạt động cải thiện rất nhanh, thu nhập ổn định.
Giới ngân hàng cho rằng, dịch vụ phi tín dụng mang đến sự phát triển ổn định cho các ngân hàng, tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ đang rất cao nhưng không dễ “nuốt”.
Hạ tầng công nghệ, mức thu nhập của người dùng và thói quen sử dụng của khách hàng mới là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng khai thác mảng hoạt động dịch vụ của các ngân hàng. Vì vậy, dù cho đầu tư công nghệ mạnh, không phải ngân hàng nào cũng thu lại được như kỳ vọng.
ACB, Vietcombank, Vietinbank, VPBank …là những ngân hàng đã đầu tư mạnh cho hạ tầng công nghệ, nhưng kết quả hiện thu từ dịch vụ chỉ đóng góp dưới 10% tổng thu nhập của ngân hàng, ngoại trừ ngân hàng ACB.
Một thách thức khác đang hiện rõ là các ngân hàng Việt Nam chưa kịp lớn để phát triển các sản phẩm phi tín dụng phù hợp thị hiếu, các Tập đoàn nước ngoài đã tiến sâu vào nội địa nhằm chia sẻ nguồn thu từ các sản phẩm phi tín dụng.
HỒNG QUÂN
Theo Bizlive.vn