tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đón 'sóng' thanh toán không tiền mặt, nhà đầu tư ngoại đã chi hàng trăm triệu USD thâu tóm các công ty fintech Việt Nam

  • Cập nhật : 07/11/2017

Đón "sóng" thanh toán không tiền mặt, nhà đầu tư ngoại đã chi hàng trăm triệu USD thâu tóm các công ty fintech Việt Nam

Đáng chú ý là khi lĩnh vực fintech Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai thì các quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đã nhanh chân rót hàng trăm triệu USD để đầu tư, thậm chí nắm quyền kiểm soát đối với những dịch vụ sáng giá.

Tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 được tổ chức vào ngày 6/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần khẳng định xu hướng thanh toán đi động là "tất yếu" và "không ai có thể cưỡng lại được". Theo đại diện Chính phủ, xu hướng này chắc chắn sẽ bùng nổ sắp tới bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể, từ người dân, doanh nghiệp đến Nhà nước. Việc phổ cập xu hướng này, theo ông là "để đi nhanh, để Việt Nam không tụt lại phía sau".

Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma cũng tin rằng với sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp, sự phát triển của công nghệ và Internet, thanh toán điện tử sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam.

Để phát triển một xã hội không tiền mặt thì các công ty fintech (financial technology/công nghệ tài chính) sẽ đóng vai trò then chốt. Các công ty fintech được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng "back-office" hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.

Theo thông tin tại hội thảo “Fintech – Xu hướng phát triển và khuyến nghị đối với NHNN” do NHNN tổ chức cách đây không lâu, hiện có trên 40 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam cùng với các dịch vụ tài chính đa dạng như thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, quản lý tài chính…

Đáng chú ý là khi lĩnh vực fintech Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai thì các quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đã nhanh chân rót hàng trăm triệu USD để đầu tư, thậm chí nắm quyền kiểm soát đối với những dịch vụ sáng giá.

Một thương vụ lớn mới hoàn tất cách đây không lâu là tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc đã chi ra 542 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần của CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) từ VMG Media và một số cổ đông cá nhân. Mức này tương ứng với việc định giá VNPT Epay ở mức 834 tỷ đồng, tương đương 36,7 triệu USD.

VNPT Epay được thành lập tháng 4/2008 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực trung gian thanh toán thẻ cào. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán, kinh doanh thẻ cào tương tự nhưng VNPT Epay là một trong những đơn vị có doanh số và lợi nhuận vào loại cao nhất. Theo ước tính của chúng tôi thì công ty này hiện có doanh thu vào khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng/năm.

Trong bản cáo bạch IPO nộp lên Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ, SEA (tên cũ là Garena) - một trong những startup giá trị nhất Đông Nam Á - cho biết công ty này đã nắm giữ 45,18% cổ phần của CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY).

Một thương vụ đình đám khác diễn ra trong năm 2016 là 2 quỹ đầu tư SCPE và Goldman Sachs rót 28 triệu USD (636 tỷ đồng) đầu tư vào ví điện tử Momo.

Cuối năm 2016, Credit China FinTech Holdings Limited – một nhà cung cấp dịch vụ tích hợp fintech có trụ sở Hongkong chi 12,73 triệu USD (gần 300 tỷ đồng) để sở hữu 51% cổ phần phát của CTCP Công nghệ Bằng Hữu - Amigo Technologies. Amigo Technologies chủ yếu cung cấp các dịch vụ CNTT và các giải pháp dịch vụ tài chính cá nhân tại Việt Nam.

Hàng loạt thương vụ lớn nhỏ khác đã được thực hiện trong thời gian qua như MOL Accessportal mua 50% cổ phần Ngân lượng, NTT Data mua 64% cổ phần Payoo, True Money mua 40% cổ phần của 1Pay, nhóm nhà đầu tư Credit Saison, Golden Gate Ventures và GMO Global Payment Fund mua 25% cổ phần của Bảo Kim… Các thương vụ này đều có giá trị lên đến hàng chục triệu USD.

 

 

Kiến Khang
Theo Trí thức trẻ/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục