Trước nhiều ý kiến trái chiều về con số giảm 420 giờ nộp thuế, Bộ Tài chính một lần nữa nhấn mạnh, kết quả này dựa trên các đo lường quốc tế, theo các tiêu chí đánh giá của WB.
Có nên gia tăng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối?
- Cập nhật : 29/02/2016
(Tin kinh te)
Với việc nhân dân tệ (Trung Quốc) sắp tham gia giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) như một đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam có nên gia tăng sử dụng đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối?
Cuối tháng 11/2015, IMF đã đi đến quyết định, từ ngày 1/10/2016, đồng nhân dân tệ được xác định là một đồng tiền được sử dụng tự do và sẽ tham gia giỏ SDR như một đồng tiền dự trữ thứ 5 của tổ chức này, cùng với USD, euro, yên Nhật và bảng Anh.
Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 10,3% kim ngạch xuất khẩu và 30,6% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 49,5 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 9 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lũy kế đạt 9,98 tỷ USD, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Với tình hình như vậy, Việt Nam có nên gia tăng sử dụng nhân dân tệ và các giấy tờ có giá bằng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối của mình hay không?
Một đồng tiền dự trữ quốc tế thực hiện 3 chức năng xuyên biên giới quan trọng: lưu trữ giá trị, phương tiện trao đổi và đơn vị tính toán. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có 3 yếu tố chính để một đồng tiền trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế: quy mô nền kinh tế; độ mở cửa và sự phát triển của các thị trường tài chính; trình độ phát triển của nền kinh tế và hệ thống pháp luật.
So sánh hiện trạng của Trung Quốc với các tiêu chí trên, có thể dự báo, trong những năm tới, vai trò quốc tế của đồng nhân dân tệ sẽ gia tăng, song trong ngắn hạn, ít khả năng nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.
Theo tiêu chí thứ nhất, với quy mô nền kinh tế và hoạt động thương mại to lớn, Trung Quốc có nhiều cơ hội sử dụng đồng tiền của mình trong các giao dịch quốc tế, qua đó tạo ra nhu cầu ngày càng tăng với nhân dân tệ như một đồng tiền thanh toán.
Tiêu chí thứ hai xác định khả năng người nước ngoài có thể dễ dàng mua, đầu tư, tất toán và dự phòng rủi ro đồng tiền bản tệ hay không. Trung Quốc hiện áp dụng kiểm soát tài khoản vốn và có trình độ phát triển các thị trường tài chính còn ở mức sơ khai. Điều này sẽ khiến nhân dân tệ xếp sau các đồng tiền khác trong vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế.
Tiêu chí thứ ba sẽ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định giá trị đồng tiền thông qua sự ổn định của nền tài chính, kinh tế và thậm chí chính trị của quốc gia phát hành. Không khó hiểu khi hiện nay các đồng tiền dự trữ thế giới đều do các nền kinh tế phát triển phát hành. Đây có lẽ là vấn đề khó khăn nhất đối với Trung Quốc để bắt kịp các quốc gia phát triển khác. Hiện nay, giữa các nước có đồng tiền dự trữ quốc tế và Trung Quốc có khoảng cách khá xa về các chỉ số tự do kinh tế, đặc biệt về hệ thống pháp lý, quyền tài sản, chính sách tiền tệ và thể chế.
Gần đây, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh quốc tế hóa nhân dân tệ nhằm tăng cường việc sử dụng đồng tiền này và tự do hóa tài khoản vốn. Hầu hết các hành động gần đây của Trung Quốc là nhằm vào mục tiêu thứ nhất, như tăng cường sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại và đầu tư, thiết lập các thị trường nhân dân tệ tại nước ngoài, phát hành trái phiếu nhân dân tệ tại nước ngoài, khuyến khích các ngân hàng trung ương nước khác giữ nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối, đưa nhân dân tệ vào rổ SDR của IMF. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để cải thiện uy tín của nhân dân tệ.
Đồng tiền dự trữ quốc tế phải được người dân sử dụng cả trong điều kiện bình thường, lẫn trong các thời điểm khủng hoảng. Do đó, có một nền kinh tế vững mạnh và thị trường thông thoáng là chưa đủ. USD là đồng tiền quốc tế trong hầu hết thế kỷ XX là do hệ thống pháp lý được thiết lập vững chắc tại Mỹ, trong đó có cả quy định về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như thị trường hiệu quả và nền kinh tế vững mạnh. Đây có lẽ là rào cản lớn nhất mà Trung Quốc cần vượt qua để đưa nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế.
Nếu Trung Quốc thành công, đây sẽ là bước ngoặt lịch sử vì là lần đầu tiên, đồng tiền của một nước đang phát triển trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Việc này không dễ, bởi các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, vốn được xem là thiếu ổn định, biến động mạnh (mặc dù thường có tăng trưởng cao hơn) và dễ bị tổn thương trước các cú sốc.
Với tình hình hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề có tính cơ cấu và có thể sẽ trải qua một thời kỳ suy giảm tăng trưởng trong những năm tới. Đồng thời, nhân dân tệ cũng đang đứng trước nguy cơ giảm giá mạnh trong những năm sắp tới. Do đó, trước mắt, Việt Nam chưa nên gia tăng sử dụng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối của mình.
Thùy Linh
Theo Báo Đầu Tư