Ngành bảo hiểm đang trên đà tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm. Tổng mức tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành này cũng liên tục tăng tới 500% trong giai đoạn 2006-2015.
Bảo hiểm xe cộ: Cuộc chiến tranh giành kênh phân phối
- Cập nhật : 16/09/2015
(Kinh doanh)
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2015, tổng doanh thu bảo hiểm đạt con số 15.286 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt 4.658 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2014.
Đây là một con số tăng trưởng khá ấn tượng so với các nghiệp vụ bảo hiểm khác. Dẫn đầu thị trường vẫn là Bảo Việt với 961 tỷ đồng; PTI đứng thứ 2, đạt 676 tỷ đồng; PVI đạt 504 tỷ đồng; PJICO đạt 509 tỷ đồng và Bảo Minh đạt 403 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất đã chiếm khoảng 67% thị phần bảo hiểm xe cơ giới.
Giám đốc Ban xe cơ giới của 1 doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, có 2 nguyên nhân tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc này. Thứ nhất, thị trường xe cơ giới tăng trưởng vô cùng ấn tượng trong 1 năm qua, liên tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 8/2015 tăng 57% so với cùng kỳ. Thứ hai, tỷ lệ phí bảo hiểm tăng khoảng 20% so mới năm ngoái. Mức phí bảo hiểm vật chất xe trung bình của thị trường hiện nay là 1,5%.
Không những doanh thu tăng trưởng lớn mà tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới còn “đẹp hơn mong đợi”. Số liệu thị trường cho thấy, tỷ lệ bồi thường xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2015 chỉ là 38%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bồi thưởng 49% trong năm 2014.
Mọi điều kiện đều có vẻ như thuận lợi cho thị trường bảo hiểm xe cơ giới với doanh thu tăng cao, tỷ lệ bồi thường thấp. Tuy nhiên, theo đại diện 1 doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần bảo hiểm xe cơ giới lớn thì cuộc chiến cạnh tranh đang càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp không chỉ tìm cách đảm bảo lợi thế cạnh tranh trên các kênh bán hàng truyền thống mà còn đang tăng tốc chạy đua quyết liệt để chiếm hữu thị phần ở những kênh bán hàng mới hơn như bán hàng trực tuyến, bancas, mạng xã hội... Một số kênh bán hàng trước đây đã hình thành như showroom, đăng kiểm…, nay cũng được doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Theo các chuyên gia trong ngành, để ký được thỏa thuận bán bảo hiểm với các đại lý, showroom bán hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo cùng một lúc nhiều yếu tố như: cơ chế bán hàng tốt, doanh thu sửa chữa đem lại cho showroom cao, sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm phải có uy tín, nhiều chương trình chăm sóc cho người bán hàng, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo showroom….
Sau một thời gian khá im ắng, Bảo hiểm AAA mới đây thông báo chính thức ký kết với Ford Việt Nam triển khai chương trình “Bảo hiểm khuyến nghị bởi Ford Viet Nam”. Cụ thể, khách hàng của Ford sẽ nhận được nhiều tiện ích với mức giá ưu đãi, phụ tùng thay thế chính hãng, không áp dụng mức miễn trừ, dịch vụ cứu hộ 24/7, đường dây nóng dành riêng cho khách hàng của Ford Việt Nam... Chương trình dự kiến sẽ bắt đầu triển khai trên toàn quốc vào trung tuần tháng 9 này và sẽ tái ký kết hằng năm.
Ông Stephen Beatty, Trưởng đại diện của Tập đoàn IAG tại Việt Nam chia sẻ, trong thời gian tới, AAA sẽ tập trung chiến lược hợp tác với các hãng sản xuất ô tô, ngân hàng để mở rộng mạng lưới phân phối. Sự trở lại của AAA trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới cho thấy phân khúc này sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, PTI cũng đang có nhiều động thái tiến bước quyết liệt với “sân chơi” này. Bên cạnh việc đầu tư số tiền không nhỏ vào hệ thống công nghệ hiện đại nhằm quản lý thông tin khách hàng, thiết kế trang web bán hàng, đội ngũ nhân sự lớn…, PTI còn đầu tư rất nhiều vào các hoạt động truyền thông, marketing để quảng bá đến khách hàng, nhiều chương trình khuyến mại khủng cũng được tung ra để thu hút khách hàng đến kênh bán hàng mới.
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm xe cơ giới vào cuối năm mới là thời điểm có lượng doanh thu cao nhất. Do đó, nhiều khả năng, tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ này sẽ đạt con số cao hơn mức 25% của 6 tháng đầu năm nay. Sự cạnh tranh vì vậy cũng sẽ gay gắt hơn, đặc biệt trong việc chiếm lĩnh các kênh phân phối.