Từ những khởi đầu khiêm tốn, thị trường trái phiếu các nước ASEAN đã phát triển mạnh những năm gần đây.
Sau Brexit, “đầu tư an toàn” sẽ thống lĩnh thị trường
- Cập nhật : 02/07/2016
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo "Triển vọng thị trường ngoại hối khi Anh rời EU" với một số nhận định đáng chú ý.
Thứ nhất, việc Anh rời EU không chỉ khiến đồng Bảng Anh (GBP) giảm giá trong ngắn hạn như mấy ngày vừa qua mà sẽ tiếp tục “tụt dốc” trong thời gian tới.
“Chúng tôi cho rằng cặp tỷ giá GBP/USD sẽ giảm về mức 1,25 USD/1 GBP vào cuối quý III và xuống còn 1,2 vào cuối năm 2016 bởi tình trạng bất ổn sẽ vẫn kéo dài đến cuối năm nay” – báo cáo dự báo.
Đồng thời, đồng Euro (EUR) cũng sẽ chịu tác động tiêu cực. HSBC đã hạ dự báo tỷ giá EUR/USD vào cuối năm nay từ mức 1,2 USD/1 EUR xuống mức 1,1 và tỷ giá EUR/GBP sẽ ở mức 0,92 GBP/1EUR vào cuối năm 2016, thay đổi từ mức dự báo 0,75 đưa ra trước đó.
Trong khi đó, với đồng Yên (JPY) của Nhật Bản, do Chính phủ Nhật Bản vẫn đang lưỡng lự giữa việc can thiệp hay đẩy mạnh nới lỏng định lượng (QE) nên điều này đẩy tỷ giá JPY/USD vào ngưỡng 91 đến 97 JPY/1 USD. Cụ thể, HSBC dự báo tỷ giá JPY/ USD vào cuối năm nay sẽ giảm từ 115 JPY/1 USD xuống mức 95.
Thứ hai, tình hình bất ổn hiện nay sẽ khiến hành vi “đầu tư an toàn” (risk off) lan rộng khắp các thị trường. HSBC cho biết: “Chỉ số “Risk On – Risk Off” (RORO – đầu tư theo mức độ chấp nhận rủi ro) của chúng tôi đã tăng cao trong vài tháng gần đây nhưng chỉ số này thậm chí có thể trở thành động lực mạnh hơn cho các biến động ngoại hối trong những tháng sắp tới”.
Việc Anh rời EU sẽ tác động khá tiêu cực đối với thị trường ngoại hối của những nền kinh tế mới nổi. Trong đó, theo HSBC, tiền tệ ở các nước Trung và Đông Âu (Ba Lan, Hungary) sẽ chịu tác động lớn nhất vì các nước này có quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với Anh và các nước khác trong khối EU.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiền tệ có rủi ro danh mục đầu tư nước ngoài lớn và sự mất cân bằng trong hoạt động ngoại thương trên diện rộng cũng sẽ chịu nguy cơ sụt giá cao. Những đồng tiền này bao gồm: Rupiah của Indonesia; Ringgit (Malaysia); Lira (Thổ Nhĩ Kỳ); Rand (Nam Phi); Real (Brazil); Peso (Mexico).
Thứ ba, riêng với đồng Nhân dân Tệ (RMB hay CNY) của Trung Quốc thì tình trạng suy yếu của GBP và EUR sẽ khiến RMB mạnh hơn so các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ (đồng GBP chiếm 3,86% và đồng EUR chiếm 21,39% trong rổ CFETS RMB). Do đó, có thể đồng RMB sẽ hạ giá so với đồng USD nhằm cân bằng lại và duy trì trạng thái ổn định cho rổ tiền tệ.
Tuy nhiên, do bản chất của cơ chế điều chỉnh, biến động giá của những đồng tiền trên có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng RMB biến động cao hơn. Bởi vậy, nếu đồng GBP và EUR giảm 10% so với USD thì nhiều khả năng NHTW Trung Quốc (PBoC) sẽ điều chỉnh tỷ giá USD/CNY. Hơn nữa nếu đồng GBP và EUR mất giá mạnh, PBoC có thể sẽ bơm thêm nguồn USD vào thị trường như đã từng thực hiện hồi tháng 1 vừa qua.
Thứ bốn, vẫn có khả năng cao là vàng sẽ tiếp tục tăng giá. “Chúng tôi dự đoán một sự đầu tư an toàn khá lớn sẽ nhắm vào vàng. Tình trạng bất ổn do kết quả bỏ phiếu vừa qua ở Anh sẽ khiến lực mua vàng tăng để giúp cân bằng giá. Mối liên hệ ở đây là sợi dây liên kết toàn cầu giữa vàng và các thị trường tài chính rộng lớn. Trong giai đoạn bất ổn, vàng thường là một trong số ít tài sản được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn” – báo cáo này nhận định.
Các chuyên gia HSBC cũng cho biết: “Dù chúng tôi chỉ kỳ vọng giá vàng sẽ tăng 10% nhưng giá vàng thực tế có thể tăng cao hơn nếu thị trường ngày càng lo ngại về tương lai EU sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua”.
Đỗ Lê
(Thời báo Ngân hàng)