tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lại nín thở chờ FED

  • Cập nhật : 15/12/2015

(Tai chinh)

Lãi suất đồng USD tăng sẽ đẩy dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn

chu tich cuc du tru lien bang my janet yellen tai mot su kien o thu do washington dau thang 12 anh: reuters

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen tại một sự kiện ở thủ đô Washington đầu tháng 12 Ảnh: Reuters

 

Hầu hết thị trường chứng khoán châu Á hôm 14-12 sụt giảm, còn giá dầu tiếp tục lao dốc giữa lúc các nhà đầu tư tiếp tục chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự kiến diễn ra trong 2 ngày sau đó.

Trong cuộc họp gần đây nhất hồi tháng 9, FED quyết định giữ nguyên lãi suất trong khi các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng. Theo báo USA Today (Mỹ), phần lớn chuyên gia kinh tế tin rằng FED chắc chắn sẽ nâng lãi suất cơ bản - lần đầu tiên trong hơn 9 năm qua - tại cuộc họp tới.

Do đó, vấn đề được quan tâm hiện giờ là mức tăng bao nhiêu và động thái này có diễn ra dồn dập sau đó hay không. “Điều kiện để FED chấm dứt chính sách lãi suất 0% và tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 7-2006 có vẻ như đã được thỏa mãn” - nhà kinh tế trưởng Robert Dye thuộc Ngân hàng Comerica (Mỹ) nhận định.

Trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách FED nhấn mạnh mức độ hồi phục của kinh tế trong nước từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đủ để họ nâng dần lãi suất.

Báo cáo việc làm mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cũng bật đèn xanh cho bước đi trên khi cho biết tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 11 đạt mức thấp nhất trong hơn 7 năm qua (5%). Tuy nhiên, việc lạm phát chưa tăng lên mức 2% như mục tiêu có thể ảnh hưởng không nhỏ đến suy tính của FED. Theo báo The Wall Street Journal, lạm phát thấp có thể cản trở sự tăng trưởng của lương và lợi nhuận.

Trang MarketWatch dẫn lời giới quan sát cho rằng FED sẽ tiến hành 3 bước đi từ giờ đến hết tháng 3-2016: Tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12-2015 (từ 0-0,25% hiện nay lên 0,25%-0,5%), tạm dừng để xem tình hình rồi có thể nâng tiếp lãi suất, sớm nhất là tại cuộc họp vào ngày 16-3-2016.

Bước đi tiếp theo của FED phần nào phụ thuộc vào phản ứng của thị trường tài chính với lần tăng đầu tiên, nếu có. Nhiều nhà kinh tế học nhận định nếu đồng USD tăng giá trị thì FED sẽ ngừng tăng lãi suất bởi khi đó, các lĩnh vực sản xuất, trong đó có dầu, sẽ thêm suy yếu.

Ông Jim O’Sullivan, chuyên gia kinh tế trưởng Công ty High Frequency Economics (Mỹ), khuyên giới đầu tư nên chú ý đến những dự báo do chính FED đưa ra để biết FED có tăng lãi suất hay không. FED hiện dự báo tỉ lệ thất nghiệp trong nước sẽ giảm nhẹ xuống mức 4,8% vào cuối năm 2016, trong khi lạm phát nhích lên mức 1,7%. Theo ông O’Sullivan, FED sẽ đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất nếu tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn mức dự báo của mình hoặc ngược lại, sẽ đi chậm lại nếu lạm phát vẫn còn dưới 2%.

Tác động của việc FED tăng lãi suất không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ bởi USD là đồng tiền dự trữ của thế giới và nhiều quốc gia vay tiền bằng đồng USD. Một số nhà phân tích cho rằng những người nắm giữ đồng tiền của các nước mới nổi có thể đứng ngồi không yên khi các thị trường phản ứng với lần tăng lãi suất đầu tiên của FED.

Ngoài ra, ông Trevor Charsley, chuyên gia tại Công ty Dịch vụ ngoại hối AFEX (Anh), nhận định khi FED bắt đầu tăng lãi suất, tiền trả nợ sẽ tăng lên và các thị trường mới nổi sẽ thêm gánh nặng. Ngoài ra, lãi suất đồng USD tăng sẽ khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.

Theo tờ Guardian, nhiều nền kinh tế đang nổi, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Thái Lan, đã chứng kiến đồng tiền mình mất giá mạnh, chi phí vay mượn tăng và tình hình có thể xấu thêm nếu FED tăng lãi suất. Ngoài ra, các nhà kinh tế học tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo doanh nghiệp ở những nền kinh tế nói trên đang vay mượn nhiều, chủ yếu bằng đồng USD, nên có thể bị tổn thương bởi một đồng USD mạnh hơn.

USD ở Việt Nam đụng trần

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14-12, giá USD trong các ngân hàng (NH) thương mại của Việt Nam đồng loạt chốt ở mức kịch trần biên độ cho phép. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá USD mua vào 22.475 đồng/USD, bán ra 22.547 đồng/USD, tăng 17 đồng/USD so với phiên trước. Một số NH khác như NH TMCP Phương Đông (OCB) nâng giá mua vào USD lên tới 22.490 đồng/USD…

Giá USD trong NH bất ngờ tăng mạnh vào phiên đầu tuần do khi thị trường thế giới đang chờ phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để quyết định có tăng lãi suất cơ bản hay không. Đây là lần đầu tiên tỉ giá USD/VNĐ kịch trần biên độ cho phép kể từ thời điểm NH Nhà nước điều chỉnh tăng tỉ giá đợt tháng 8 vừa qua. Theo dự báo của một số NH thương mại, đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục tác động đến giá USD trong các NH thương mại Việt Nam.

T.Phương

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục