Lên sàn vẫn là mục tiêu của các công ty công nghệ trẻ tham vọng bất chấp thị trường chứng khoán lên xuống thất thường. Tuy nhiên, Uber vẫn chưa đoái hoài đến lựa chọn này.
“Giải mã” nhu cầu tờ 10.000 Yên tăng mạnh ở Nhật
- Cập nhật : 25/02/2016
(Tai chinh)
Chính sách lãi suất âm được công bố hồi tháng trước của Nhật có thể khiến xu hướng này gia tăng...
Số lượng tiền mặt trong nền kinh tế Nhật Bản hiện lên tới khoảng 100.000 tỷ Yên, tương đương 890 tỷ USD - Ảnh: Bloomberg.
Nhu cầu đối với tờ tiền mệnh giá 10.000 Yên ở Nhật đang ngày càng tăng cao, cho dù dân số của nước này giảm xuống và thẻ tín dụng cũng như các dạng thanh toán điện tử khác được sử dụng ngày càng phổ biến.
Việc người dân ngày có nhiều tiền có thể là một điều tốt lành. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, một số chuyên gia kinh tế đang lo ngại rằng nhu cầu tờ 10.000 Yên tăng cao cho thấy các hộ gia đình ở Nhật đang tích trữ tiền mặt ở nhà ngày càng nhiều, thay vì đầu tư hay gửi tiết kiệm trong ngân hàng - nơi mà tiền có thể được đưa vào nền kinh tế cho những mục đích sử dụng hiệu quả hơn.
Đó là một vấn đề lớn đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) Haruhiko Kuroda. Kể từ khi lên cầm quyền, ông Abe đã đưa ra chương trình chấn hưng tăng trưởng thường được gọi là Abenomics nhằm kích thích tiêu dùng và đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ đã kéo dài suốt mấy thập niên.
Số lượng tiền mặt trong nền kinh tế Nhật Bản hiện lên tới khoảng 100.000 tỷ Yên, tương đương 890 tỷ USD, bằng khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm ngoái, số tờ 10.000 Yên - tờ tiền mệnh giá cao nhất ở Nhật - trong lưu thông ở nước này tăng 6,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2002.
Công ty sản xuất két sắt Eiko Co. cho biết doanh số sản phẩm đã tăng gấp đôi kể từ mùa thu năm ngoái. Giám đốc bán hàng của công ty có trụ sở ở Tokyo này nói một lý do dẫn tới nhu cầu két sắt của người Nhật gia tăng là sáng kiến “Con số của tôi” do Chính phủ nước này đưa ra.
Vào tháng 1, Chính phủ Nhật bắt đầu phát hành mã số nhân thân cho người dân, tương tự như mã số an sinh xã hội ở Mỹ. Mã số này nhằm mục đích kiểm tra chéo các dữ liệu tài chính của người dân liên quan đến các dịch vụ công cộng, y tế, thuế, và phúc lợi xã hội.
Mã số này chưa được áp dụng đối với tài khoản ngân hàng, nhưng nhiều người Nhật lo Chính phủ có thể phát hiện họ có bao nhiêu tiền trong ngân hàng. Bởi vậy, họ vội rút tiền khỏi các nhà băng và đem về cất ở trong nhà.
Chính sách lãi suất âm của BoJ, được công bố hồi tháng trước, có thể khiến xu hướng này gia tăng. Nhà chức trách nói việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của BoJ không đồng nghĩa với việc người dân gửi tiết kiệm sẽ phải trả phí. Tuy nhiên, lãi suất đối với một số khoản tiền gửi đã giảm xuống mức “bèo bọt” 0,001%.
“Chính sách lãi suất âm có thể đẩy mạnh xu hướng giữ tiền mặt tại nhà của người Nhật”, ông Hideo Kumano, một chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định. “Nhìn chung, xu hướng nắm giữ nhiều tiền mặt ở nhà phản ánh sự lo ngại của người dân về triển vọng của nền kinh tế. Việc này không hề tốt chút nào”.