tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Exxon, Shell đối phó ra sao với giá dầu giảm?

  • Cập nhật : 25/02/2016

(Tai chinh)

Có lẽ đây không phải là thời điểm tốt nhất để nói rằng doanh nghiệp dầu khí có quy mô càng lớn thì càng tốt.

Sau thương vụ M&A trị giá 64 tỷ USD giữa Royal Dutch Shell và BG Group cùng với sự tăng trưởng vững chắc của Exxon Mobil, trên thị trường dầu mỏ thế giới đã xuất hiện một nhóm mới chỉ gồm 2 thành viên: nhóm “những gã siêu khổng lồ”. Thậm chí các lãnh đạo của những công ty nhỏ hơn còn đùa rằng Chevron, Total, BP, ConocoPhillips và ENI chỉ là những công ty hạng trung.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt lao dốc mạnh như hiện nay, Exxon và Shell buộc phải thừa nhận rằng không phải cứ lớn là tốt. Với giá dầu chỉ nhỉnh hơn 30 USD một chút, họ cũng chính là những người đau đầu nhất khi phải nghĩ cách cắt giảm chi tiêu, trong đó có một số siêu dự án có chi phí lớn nhưng rủi ro cao. Năm ngoái Shell ngừng xây dựng dự án dầu cát có công suất 80.000 thùng/ngày ở Carmon Creek (Canada) khi vừa mới chỉ bắt đầu. Kể từ đầu năm đến nay, Exxon cũng đã cắt giảm 25% lượng vốn đầu tư.

Theo Michele Della Vigna, chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs, quy mô từng là yếu tố cực kỳ quan trọng vào cuối những năm 1990 và 2000. “Lúc đó các công ty thiếu vốn và to lớn chính là một lợi thế. Trong suốt 15 năm qua, câu chuyện chỉ tập trung vào việc làm thế nào để mở rộng quy mô. Còn ngày nay bạn chỉ bàn đến cắt giảm và cắt giảm”.

Vấn đề của Exxon và Shell là số dự án lớn phải tạm dừng ngày càng nhiều hơn. Quy mô của hai tập đoàn này đã đạt đến điểm mà ở đó họ cần đến những dự án lớn hơn nữa để tạo ra sự khác biệt và vươn tới tầm cao mới.

Khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng, họ phải tìm các mỏ ở những nơi sâu nhất, lạnh nhất, khó khai thác nhất của trái đất, đổ hàng tỷ USD vào Kazakhstan, những góc xa xôi hẻo lánh của Australia hay ngoài khơi Angola và cả vùng cực lạnh giá. Giờ đây, khi giá dầu giảm 70%, hầu hết các dự án này sẽ không thể đem lại mức lợi suất 15 – 20% như hai ông lớn từng mong đợi. Số vốn đầu tư bị cắt giảm khiến chi phí thuê giàn khoan, cảng khí đốt giảm xuống mức thấp nhất 10 năm.

Tuy nhiên, John Browne, cựu CEO của BP và là “kiến trúc sư” đứng sau các cuộc sáp nhập trong cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, vẫn cho rằng có bảng cân đối kế toán lớn là một vũ khí thực sự quan trọng. Nhìn vào dòng tiền mà các ông lớn dầu khí tạo ra khi sản xuất, lọc dầu và bán các sản phẩm từ dầu, cả Exxon và Shell vẫn có thể tạo ra dòng tiền hơn 30 tỷ USD trong năm ngoái. Chevron đứng thứ hai với ít hơn 20 tỷ USD, BP và Total kém hơn một chút. Exxon sản xuất hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi sản lượng của Shell là 3,7 triệu thùng.

dong tien cua cac tap doan dau khi lon tren the gioi

Dòng tiền của các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới

Thêm vào đó, các ông lớn có được lợi thế đối phó với giá dầu giảm khi họ có hoạt động lọc hóa dầu quy mô lớn. Dựa trên tỷ lệ sở hữu, Exxon và Shell hiện là những công ty lọc dầu lớn nhất thế giới. Năm ngoái, chính lợi nhuận từ mảng lọc hóa dầu đã giúp họ bù đắp thua lỗ trong hoạt động sản xuất.

Thách thức lớn nhất là làm thế nào để tăng trưởng nếu giá dầu vẫn thấp. Giới chuyên gia và nhà đầu tư đã kêu gọi các công ty tập trung vào những dự án nhỏ hơn và hoàn vốn nhanh hơn, nhưng các ông lớn đang đi theo hướng ngược lại. Shell lựa chọn mua lại BG. Nhiều người trong ngành cũng dự báo Exxon sẽ có phản ứng tương tự trong vài năm tới.

Dẫu vậy, đối với Daniel Yergin, nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử ngành dầu khí và là Phó Chủ tịch của Viện nghiên cứu IHS, sự mở rộng của Exxon và Shell có thể được coi là cột mốc đánh dấu chương tiếp theo của ngành dầu khí: “Thời kỳ hậu ông lớn”.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục