Một trong những niềm tin cố hữu là người tiêu dùng châu Á có tính cần kiệm hơn người dân ở những khu vực khác.
Đo quan điểm chính sách của tân Chủ tịch Fed Jerome Powell qua các phát biểu
- Cập nhật : 03/11/2017
Tổng thống Donald Trump đã đề cử Thống đốc Fed Jerome Powell thay thế Chủ tịch Fed Janet Yellen khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào tháng 2/2018. Nếu được Thượng viện chấp thuận, Powell sẽ lãnh đạo NHTW mạnh nhất thế giới trong tiến trình tăng dần lãi suất và bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản.
Mặc dù Powell chắc chắn sẽ thảo luận về quan điểm chính sách của ông và triển vọng kinh tế trong cuộc điều trần để nhận được cái gật đầu của Thượng viện, nhưng cũng đáng để xem lại một số ý kiến trước đây của ông để xem ông đang đứng ở đâu trong những vấn đề chính của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC).
Về việc tăng lãi suất
“Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đã và sẽ tiếp tục được thực hiện dần dần, chừng nào mà nền kinh tế Mỹ vẫn tiến triển như mong đợi”, ông Powell nói trong một bài phát biểu ngày 12/10. “Kỳ vọng việc bình thường hóa dần chính sách tiền tệ sẽ làm giảm khả năng gây ra các biến động lớn về lãi suất”.
Về việc giảm bảng cân đối kế toán
“Việc thu hẹp bảng cân đối tài sản của Fed cũng được kỳ vọng sẽ thực hiện từ từ, với việc tăng dần giới hạn giảm mức độ nắm giữ chứng khoán hàng tháng của Fed”, ông nói trong bài phát biểu tháng 10.
Trước đó, ông nói với CNBC vào tháng 6 rằng: “Tôi khó hình dung bảng cân đối tài sản ở mức thấp hơn 2,5 nghìn tỷ USD, nó nên trong khoảng từ 2,5 đến 3 nghìn tỷ USD”; và “Giả định đó cho thấy chúng ta sẽ bình thường hóa bảng cân đối tài sản trong 5 năm tới và quay trở lại một lượng dự trữ khá nhỏ”.
Về giá tiêu dùng
“Lạm phát hơi thấp hơn một chút so với mục tiêu, và đó là một điều bí ẩn”, ông nói với CNBC hồi tháng 8. “Bạn có thể kỳ vọng, bởi chúng ta đang có thị trường lao động chặt chẽ hơn, thì chúng ta sẽ có một mức lạm phát cao hơn một chút. Tôi nghĩ rằng những gì mang lại cho chúng tôi là khả năng kiên nhẫn”.
Về Đường cong Phillips và kỳ vọng lạm phát
“Mối liên hệ giữa sự đình đốn và lạm phát đã yếu đi đáng kể trong mấy năm qua”, Powell cho biết vào tháng 6/2016. “Thêm vào đó, lạm phát phụ thuộc rất lớn vào kỳ vọng lạm phát của người lao động và các công ty. Một quan điểm được chia sẻ rộng rãi giữa các nhà kinh tế hiện nay là, không giống như trong những năm của thấp niên 70, kỳ vọng không còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến động của lạm phát, mà là tương đối ổn định, hoặc có tính neo. Vì cả hai lý do này, lạm phát đã trở nên ít phản ứng với những thay đổi theo chu kỳ trong nền kinh tế”.
Ông cũng nói: “Trong khi kỳ vọng lạm phát với tôi dường như vẫn được giữ vững một cách hợp lý, điều quan trọng là chúng vẫn giữ nguyên như vậy”. “Cách duy nhất để đảm bảo rằng neo là để đạt được lạm phát thực tế là 2%, và tôi cam kết mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đó”.
Về tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và tiền lương
Ông nói trong bài phát biểu vào tháng 6/2017: “Kỳ vọng ban đầu của tôi là nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 2%, tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và thị trường lao động thắt chặt, và lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% của chúng tôi”.
“Tôi hy vọng rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm thêm một chút nữa và duy trì ở mức thấp trong một thời gian, điều đó có thể thu hút nhiều lao động hơn vào lực lượng lao động, gây áp lực lên tiền lương, hoặc khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn khi chi phí lao động tăng, tất cả những điều đó theo tôi là kết quả mong muốn”, ông nói.
Về việc sử dụng các quy tắc để thiết lập chính sách tiền tệ
“Có một sự đồng thuận chung rằng những quy tắc chính sách đơn giản này cung cấp cái nhìn sâu sắc và hữu ích về chính sách”, ông nói trong một bài phát biểu vào tháng 2. “Để đạt được lợi ích của những hiểu biết sâu sắc này, rất hữu ích khi xem xét một loạt các quy tắc. Nhưng không có sự nhất trí rằng quy tắc nào là tốt nhất, nó chỉ tốt khi đáp ứng được yêu cầu lựa chọn của FOMC và theo cơ chế nó tốt hơn những quy tắc khác”.
Hoàng Nguyên
Nguồn : Bloomberg
Theo Thoibaonganhang.vn