Nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu công nghệ blockchain để tạo ra đồng tiền kỹ thuật số cho riêng mình.
Xu hướng đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng nhiều
- Cập nhật : 10/06/2017
TS. Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA) nhận định về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trước thềm chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
TS. Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc tế Việt Nam Nhật Bản
Ông đánh giá thế nào về quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua?
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại 30 tỷ USD, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với tổng vốn đầu tư lên đến 42 tỷ USD.
Có được điều này là bởi các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều lợi thế riêng khi đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh những chính sách mở cửa, khuyến khích đầu tư chung mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng, thì uy tín của các nhà đầu tư Nhật Bản được Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đánh giá cao.
Các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Những lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản hiện nay cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam chú trọng phát triển. Đặc biệt, hình thức M&A thông qua mua cổ phần, góp vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm trong thời gian gần đây.
Mặc dù hiện tại các doanh nghiệp Nhật Bản ít đầu tư dự án lớn, nhưng sự đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại tăng đột biến, thể hiện sự tích cực của các nhà đầu tư và đa dạng lĩnh vực đầu tư.
Tôi cho rằng, Việt Nam nên đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật phát triển kinh doanh, bởi điều này giúp ích rất nhiều cho việc phát triển nền công nghiệp phụ trợ còn yếu của Việt Nam.
Những kết quả trên có được là nhờ yếu tố nào?
Điều này xuất phát từ một số lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác như: sự gần gũi về văn hóa, sự ổn định chính trị và kinh tế cùng với nền tảng quan hệ tốt đẹp lâu dài giữa hai Chính phủ.
Nhật Bản luôn đánh giá cao tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao vị trí của Việt Nam trong khu vực ASEAN, trong bối cảnh Nhật Bản đang chuyển dịch xu hướng thương mại, đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Bên cạnh đó, chi phí nhân công thấp, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào cũng là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Về mặt vĩ mô, các chính sách thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế của hai nước cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt như chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản năng động tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã tăng cường ký kết các hiệp định, văn bản hợp tác thúc đẩy đầu tư, thương mại, nới lỏng các rào cản xuất nhập khẩu và đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.
Về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Nhật Bản thì sao?
Xu hướng đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản xuất hiện ngày càng nhiều. Thiếu hụt nguồn nhân lực do tình trạng dân số già, kinh tế khởi sắc, thủ tục đầu tư được cải thiện và quy mô thị trường lớn, Nhật Bản đang là một thị trường hấp dẫn cho những doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vào Nhật Bản rất lớn trong bối cảnh hội nhập và hợp tác ngày càng sâu và rộng giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam vào được thị trường Nhật Bản có nghĩa là vào được thị trường lớn và rất tiềm năng, bên cạnh đó là việc có thể tận dụng được nguồn vốn dồi dào và sự hỗ trợ từ các ngân hàng Nhật Bản với lãi suất rất thấp cũng như tận dụng được kỹ thuật công nghệ cao tại Nhật Bản.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Nhật Bản trong một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, nhân lực, du lịch và thương mại… Nhật Bản cũng là xã hội với lượng người cao tuổi đông, do đó rất thiếu nhân công lao động trong nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, điều dưỡng. Ngoài ra, lượng khách du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng lên trong thời gian qua cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch và hàng không.
Với cương vị là Chủ tịch VJBA, ông có thể cho biết doanh nghiệp hai nước kỳ vọng gì từ chuyến thăm chính thức Nhật Bản tới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?
Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự đánh giá cao đối tác Nhật Bản trên nhiều phương diện, trong đó quan hệ thương mại và thúc đẩy đầu tư giữa hai bên là một trong những nội dung quan trọng. Chuyến thăm của Thủ tướng là lời tái khẳng định sự quan tâm đặc biệt đến các doanh nghiệp, tập đoàn Nhật Bản và thể hiện quan điểm Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi, không ngừng cải cách thủ tục để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn.
Thông qua chuyến thăm này, các doanh nghiệp hai nước có thể thúc đẩy mạnh hơn các hoạt động đầu tư, thương mại. Với vai trò của mình, VJBA cũng như cá nhân tôi cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư hiệu quả giữa hai nước.
Kỳ Thành
Theo Baodautu.vn