Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là thị trường có nhiều cơ hội trong tương lai.
Kinh doanh tiền tệ và bài học đại án
- Cập nhật : 15/06/2017
Giai đoạn 2011-2016, nhiều vụ án lớn xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2017, trong số 12 đại án có đến 9 vụ liên quan ngân hàng. Vì sao nghề “buôn tiền” có tần suất vi phạm pháp luật cao đến vậy? Liệu có giải pháp đủ mạnh để ngăn ngừa?
Hai mươi phút đăng đàn trả lời về nợ xấu của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại nghị trường Quốc hội, lần đầu tiên số liệu về vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong ngành ngân hàng được công bố. Theo đó, trong 5 năm qua, vài trăm cán bộ ngành ngân hàng vướng vòng lao lý.
9/12 đại án” liên quan ngân hàng
Theo Thống đốc, từ năm 2011 đến 2016, thống kê của Bộ Công an cho thấy, các cơ quan điều tra (Bộ Công an) phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng. Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều đối tượng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc các ngân hàng, giám đốc chi nhánh các tổ chức tín dụng với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm. “NHNN công bố thông tin để dư luận hiểu ngành đã và đang phải trả giá “đau” như thế nào; không có chuyện cán bộ ngân hàng vi phạm mà không bị xử lý”, Thống đốc nói với PV.
Đầu năm nay, thông tin từ Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đã công khai: Năm 2017 tiếp tục có 12 “đại án” được đem ra xét xử, trong số đó một tỷ lệ không nhỏ là án liên quan ngân hàng. Điểm danh sơ bộ có: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với sự tham gia có liên quan của một số ngân hàng khác; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan hành vi của Hứa Thị Phấn…
“12 đại án thì có tới 9 vụ rơi vào ngân hàng, khá buồn với ngành. Làm cái nghề này, cán bộ nhân viên hằng ngày cọ xát với tiền, rất dễ bị cám dỗ” - thành viên HĐQT một NHTM Nhà nước lớn trải lòng với người viết. Trước đó, ông từng than: 30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy làm ngân hàng lại rủi ro đến thế. Nhìn cảnh cán bộ ngân hàng bị xét xử trước tòa, mấy anh em trẻ nơi tôi phụ trách còn đòi nộp đơn xin thôi việc, hoặc chuyển bộ phận công tác khác vì ... sợ.
“Bóc” chiêu vi phạm
Theo tìm hiểu của PV, suốt 5 năm qua, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện gần chục ngàn lượt cuộc thanh kiểm tra với tổ chức tín dụng (TCTD), các doanh nghiệp và cá nhân. Qua công tác thanh tra, phát hiện rất nhiều những vi phạm của cá nhân và tổ chức.
Có thể liệt kê ra đây một số vi phạm điển hình như: Vi phạm các quy định về phân loại nợ, trong thẩm định hồ sơ vay vốn; Kiểm tra phương án kinh doanh, tài sản thế chấp; Đầu tư vào những doanh nghiệp có nguy cơ nợ quá hạn hay tài sản thế chấp không đủ điều kiện cho vay; Vi phạm về huy động vốn và tiền gửi (có tổ chức vi phạm rút tiền, mở tài khoản, thiếu kiểm soát các quy trình rút tiền tạo lỗ hổng trong quản lý tài sản ngân hàng; gây thiệt hại cho người gửi tiền).
Thống kê cụ thể cho thấy, năm 2012, toàn hệ thống đã thực hiện tổng số 744 cuộc thanh tra, trong đó có 22 cuộc thanh tra pháp nhân (tổ chức). Qua thanh tra phát hiện một số vi phạm, rủi ro, yếu kém như chất lượng hiệu quả điều hành còn hạn chế ở nhiều TCTD. “Nhiều TCTD hiệu quả kinh doanh thực tế thấp trong khi báo cáo đều có lãi. Khi thanh tra đều lỗ do nợ xấu được phân loại trích lập dự phòng không đúng quy định. Hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn”, cơ quan thanh tra của ngân hàng cho biết.
Năm 2014, cơ quan thanh tra giám sát đã thanh kiểm tra các tổ chức và 208 cá nhân; kiểm điểm rút kinh nghiệm 162 tập thể và 668 cá nhân. Cũng trong năm 2014, NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an xử lý nghiêm những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự trong đó chuyển cơ quan điều tra 16 vụ việc liên quan đến Công ty tài chính Cao Su; Công ty dịch vụ NHNN & PTNT; NHTM CP Xây Dựng, Đại Dương và một số vụ việc ở chi nhánh các tỉnh thành khác. Liên tục trong các năm 2015 và 2016, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được triển khai rộng rãi trong toàn ngành. Năm 2015, NHNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý 12 vụ có dấu hiệu phạm tội...
Theo ông Nguyễn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN), đặc thù hoạt động của lĩnh vực ngân hàng là kinh doanh tiền tệ nhưng không chỉ có các NHTM Nhà nước mà còn rất nhiều TCTD khác như ngân hàng cổ phần do các cổ đông lớn, ông chủ chi phối. “Quy trình, quy định ngành đã ban hành rất rõ nhưng vì lợi nhuận, lợi ích nhóm, vẫn có những TCTD và cá nhân cố tình vi phạm”, ông Hưng cho biết. Cũng vì thế, thời gian qua, lãnh đạo NHNN đặc biệt quan tâm và yêu cầu thanh tra phải làm mạnh, rốt ráo.
Theo một báo cáo của NHNN, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm; cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho các TCTD. Những sai phạm xảy ra ở một số TCTD trong thời gian gần đây còn xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của HĐQT, Hội đồng thành viên, Ban điều hành TCTD…
Khánh huyền
Theo Báo Tiền Phong