Sáng nay (28/8), các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm giá USD. Hiện hầu như không còn ngân hàng nào để giá mua USD ở mức trần.
Vàng đã “quật ngã” những ngân hàng nào?
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tai chinh)
Đã có thời, kinh doanh vàng và ngoại hối là miếng bánh màu mỡ cho nhiều ngân hàng, lợi nhuận cũng vì thế mà tăng trưởng mạnh. Nhưng sau đó, cũng vì vàng mà nhiều ngân hàng đã phải trả giá.
Bên cạnh việc vi phạm về cấp tín dụng khiến nợ xấu tăng cao, vượt quá vốn điều lệ mà theo một nguồn tin, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đã sa cơ lỡ vận vì kinh doanh vàng và không loại trừ khả năng kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.
Hơn nữa, đằng sau DongABank còn có Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) – một cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ 7,7% cổ phần và giá vốn đầu tư là 395 tỷ đồng.
Trả lời báo chí, Tổng giám đốc PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết PNJ không có bình luận gì về chuyện Ngân hàng Đông Á bị “trượt chân” vì kinh doanh vàng, không loại trừ khả năng là kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.
Cách đây hơn 4 năm, vào đầu tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép DongABank, ACB, Techcombank, Eximbank và Sacombank cùng với Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng bình ổn giá. Đây là nhóm 5 ngân hàng tham gia “chiến dịch vàng” nhằm bình ổn thị trường nội địa và họ được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài.
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước siết chặt kinh doanh vàng, buộc ngân hàng thương mại phải đóng ngay tài khoản vàng ở nước ngoài, ngừng huy động - cho vay vàng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng buộc phải chấm dứt hoàn toàn trạng thái vàng trước 30/6/2013.
Khi ấy, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á từng chia sẻ rằng, dư nợ cho vay vàng của nhà băng ông còn khá nhiều. Nếu NHNN không có hướng dẫn thì DongABank sẽ phải tính đến phương án đàm phán với khách hàng để chuyển số dư nợ này sang tiền đồng.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng phương thức trên sẽ không dễ vì hợp đồng còn vài năm nữa mới đáo hạn, trong khi nếu chuyển sang tiền đồng thì khách hàng sẽ bị thiệt do lãi suất vay tiền đồng cao hơn, chưa kể giá vàng thời điểm này cao hơn rất nhiều so với lúc họ vay vàng của ngân hàng.
Đó là lời chia sẻ của ông Bình về số dư nợ vàng tại thời điểm đầu năm 2013. Còn cho đến thời điểm này, sau khi DongABank rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, kết quả thanh tra vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc DongABank đã thất thoát bao nhiêu vì vàng.
Trước DongABank, những đại gia vàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)... cũng từng thua lỗ nặng vì dính đến vàng.
Những năm trước 2011, kinh doanh vàng và ngoại hối là miếng bánh màu mỡ cho nhiều ngân hàng, lợi nhuận cũng vì thế mà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong 3 năm liên tiếp từ 2011 đến 2013 với việc giá vàng liên tục sụt giảm cùng với sự ổn định của tỷ giá, nhiều ngân hàng đã lỗ “khủng” từ hoạt động kinh doanh này.
Trong đó, “ngậm” quả đắng nhất là ACB bởi năm 2011 là thời điểm ACB đẩy mạnh kinh doanh vàng tài khoản, vàng vật chất với quy mô giao dịch lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Cũng vì kim loại quý này, đại gia từng một thời "thét ra lửa" như ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB đã bạc đầu vì vàng, cuối cùng cũng rơi vào cảnh lao lý.
"Bão vàng" khiến ACB lỗ tổng cộng 2.101 tỷ đồng trong 3 năm liên tiếp từ 2011 đến 2013, Techcombank lỗ 957 tỷ đồng, Eximbank thua lỗ gần 500 tỷ đồng, Navibank thua lỗ 111 tỷ đồng. VPBank lỗ 137 tỷ đồng từ vàng và ngoại hối trong năm 2012 và 2013. Chống chọi được với "cơn bão này" tốt nhất trong số các nhà băng kể trên, nhưng 2013 Sacombank cũng phải báo lỗ 203 tỷ đồng vì kinh doanh ngoại hối và vàng. Đến năm 2014, những ngân hàng trên mới vượt qua được sóng gió, cắt lỗ và bắt đầu chuyển lãi.
Tuy nhiên, sau nhiều năm các nhà băng vẫn loay hoay để thoát khỏi dư nợ vàng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 5/2015, dư nợ cho vay bằng vàng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố chỉ còn hơn 36.575 lượng (tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng), giảm khoảng 50% so với cuối năm 2014 và các ngân hàng vẫn đang nỗ lực để sớm tất toán dư nợ vàng. Song đến thời điểm này, vẫn chưa có ngân hàng nào lên tiếng công bố đã hoàn thành được việc đóng trạng thái dư nợ vàng.
Từ những bài học của những ngân hàng từng đau đớn vì vàng và thêm một cú ngã từ DongABank cho thấy đầu tư vào vàng quả thực như con dao hai lưỡi thậm chí đối với những tổ chức có truyền thống kinh doanh, có hậu thuẫn đằng sau, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp có kinh nghiệm lâu năm; có thể khấm khá rất nhanh từ vàng nhưng cũng sẽ phải trả cái giá rất đắt từ rủi ro tiềm ẩn của kim loại quý này.