Cũng giống như mọi năm, bước vào dịp đầu năm mới 2016, câu hỏi "có tiền nên đầu tư vào đâu để an toàn cũng như sinh lời?" được rất nhiều người quan tâm.
Mặt bằng lãi suất: Được thiết lập mới?
- Cập nhật : 02/01/2016
(Tai chinh)
Trải qua thời gian ổn định trong cả năm 2015, mặt bằng lãi suất đã có dấu hiệu tạo đáy. Bước sang năm 2016, các yếu tố hỗ trợ cho chính sách điều hành tiền tệ hiện tại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang trở nên khó khăn hơn. Điều này khiến nhiều người hoài nghi lãi suất sẽ tăng trở lại.
Một điểm được nhắc đến đầu tiên trong việc tăng lãi suất là lạm phát. Trong quá khứ, lạm phát thường đi song hành và là yếu tố chính tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất.
Và năm 2015 đã trôi qua với mức lạm phát thấp kỷ lục, chỉ tăng dưới 1%, trong khi lạm phát lõi xoay quanh mức 2%. Tuy vậy, trong năm 2016, giới chuyên môn dự báo có khả năng lạm phát tăng trở lại.
Cụ thể, theo báo cáo triển vọng giá hàng hóa (quý 4/2015) của World Bank, diễn biến giá của phần lớn loại hàng hóa chính sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ trong năm 2016.
Đặc biệt là đối với giá dầu - yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam cũng có triển vọng tương tự. Một yếu tố được quan tâm là tác động của chi phí đẩy sẽ kéo lạm phát tăng vào năm 2016.
Theo World Bank, giá dầu thô năm sau dự báo duy trì ở mức bình quân 51 USD/thùng và xoay quanh vùng giá của năm 2015.
Do đó, biến động của nguyên liệu này trong năm tới sẽ không tác động trọng yếu đến mặt bằng giá khi tác động sụt giảm đã gần như phản ánh vào năm 2015.
Theo lộ trình, chi phí các mặt hàng cơ bản như điện, nước, học phí, viện phí đều dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng vào năm sau, từ đó, sẽ trở thành lực đẩy lên chỉ số giá tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, triển vọng tiêu dùng nội địa tiếp tục khả quan cũng là yếu tố thúc đẩy lên tổng cầu. Từ đây, theo dự báo của Goldman Sachs, mức lạm phát năm 2016 của các nền kinh tế khu vực châu Á kỳ vọng tăng từ 1 - 2% so với năm 2015.
Điều làm cho lãi suất sẽ tăng dễ nhận thấy hơn cả lạm phát là việc ngân hàng sẽ phải tính đến chuyện cân bằng lãi suất trong bài toán lợi nhuận ở năm sau. Khi mà hiện nay, có rất nhiều NHTM điều chỉnh lãi suất huy động tăng.
Đơn cử, biểu lãi suất mới nhất mà Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng cho các khách hàng, từ 25/12 được điều chỉnh tăng thêm 0,05% - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn.
Trước đó, Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND thêm từ 0,2% - 0,3%/năm, đưa kỳ hạn 1 - 2 tháng lên mức 4,8%/năm, các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức từ 5,2% - 5,3%/năm.
VPBank thì điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng khoảng 0,5%/năm tập trung vào kỳ hạn 1 - 2 tháng, riêng kỳ hạn 6 - 7 tháng tăng lên 6,4%/năm.
Ở khối NHTM nhà nước cũng tăng. Hiện tại, BIDV đã "nhập cuộc" tăng lãi suất huy động VND.
Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng này áp lãi suất huy động 4,8%/năm, trong khi nhiều thành viên khác ở khối cổ phần như Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hiện chỉ áp từ 4,4 - 4,6%/năm.
Tương tự, lãi suất tại các kỳ hạn ngắn khác của BIDV cũng cao hơn từ 0,2 - 0,4%/năm. Nếu so với Agribank và Vietcombank, lãi suất các kỳ hạn ngắn của BIDV vượt hơn tới 0,7 - 0,8%/năm.
Tương tự, VietinBank cũng áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1 - 3 tháng tăng tương đương với BIDV...
Nhìn chung, những "cơn sóng ngầm" điều chỉnh lãi suất huy động gần đây là dấu hiệu đầu tiên về sự gia tăng cạnh tranh thông qua công cụ lãi suất giữa các ngân hàng. Sau khi cạnh tranh, các NHTM phải tính đến bài toán cân đối mối quan hệ giữa lợi ích, chi phí và rủi ro.
Chưa kể, bước sang năm 2016, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, NHNN cho biết, tăng trưởng nhu cầu vốn cho nền kinh tế ước tính sẽ cao hơn năm 2015, xoay quanh mức 18 - 20%.
Như vậy, đặt trong bối cảnh tăng trưởng mạnh cho vay, nếu các ngân hàng không cân đối được chi phí đầu vào và đầu ra, sự điều chỉnh về lãi suất cho vay có thể diễn ra.
Cuối cùng, quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được xem là nhân tố bên ngoài tác động đến chính sách điều hành lãi suất.
Cụ thể, thị trường lao động Mỹ ghi nhận những chuyển biến theo chiều hướng tích cực khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 giảm nhẹ về 5% - thấp nhất kể từ quý I/2008 và là mức mục tiêu của FED.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tiền lương lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế cũng có sự chuyển dịch tích cực, đạt 20,05USD/giờ, tăng 0,34USD/giờ so với cuối năm 2014.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, hiện tại chính sách điều hành tiền tệ của các nước châu Á cho thấy đang có một sự phân hóa rõ rệt.
Vì vậy, việc FED nâng lãi suất hầu như không tác động đến chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn ở châu Á trong năm tới. Tuy nhiên, đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam đang bị chệch khỏi hướng suy luận này.
Cụ thể, đối với triển vọng lãi suất, giới phân tích cho rằng điều này sẽ tác động thuận chiều lên chính sách tiền tệ của Việt Nam hơn là nghịch chiều.
Tuy nhiên, độ trễ của tác động này lên nền kinh tế ít nhất cũng từ 6 tháng đến 1 năm, với kỳ vọng điều chỉnh có thể xảy ra trong nửa cuối năm 2016 và mức tăng khoảng 25 - 50 điểm cơ bản.
Để có thể đánh giá xu hướng lãi suất điều hành của Việt Nam trong năm tới, giới chuyên môn cho rằng, cần phải quay lại lần thay đổi lãi suất gần đây nhất của FED (6/2004 - 6/2006).
Trong giai đoạn 2004 tới trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, độ lan tỏa của việc FED tăng lãi suất đến chính sách điều hành các nước trong khu vực châu Á tuy không đồng nhất nhưng kết quả chung đều thúc đẩy quá trình thắt chặt tiền tệ ở khu vực này.
Tính tới trước thời điểm khủng hoảng tài chính, trừ Philippines, các nước khác đều đã nâng lãi suất điều hành với mức tăng từ 150 - 300 điểm phần trăm.
Rõ ràng, trong năm 2015, các yếu tố của nền kinh tế đều phát đi tín hiệu tích cực tạo thành một bước đệm khá chắc chắn cho chính sách điều hành tiền tệ của NHNN.
Thế nhưng đối với triển vọng năm sau, cân nhắc những yếu tố có khả năng tác động đến diễn biến lãi suất, có thể lãi suất sẽ đi theo chu kỳ mới, trong đó xu hướng tăng là khá chắc chắn.