Đại diện các ngân hàng, quỹ đầu tư và chuyên gia tài chính kỳ vọng thông tin về cơ cấu tỷ giá sẽ góp phần giúp thị trường tài chính minh bạch hơn.
Tại sao NHNN chọn thời điểm này để vận hành cơ chế tỷ giá mới?
- Cập nhật : 04/01/2016
(Tai chinh)
Theo ý kiến của chuyên gia, ở thời điểm hiện nay, trong bối cảnh vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp, Việt Nam hội nhập sâu hơn, mở cửa tài chính cũng dần phải mạnh mẽ hơn, đây cũng là yếu tố thuận lợi để áp dụng cơ chế tỷ giá mới.
Ngay từ ngày làm việc chính thức đầu tiên của năm 2016, NHNN đã thực hiện điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế mới. Sau 4 tháng duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 đồng, đến ngày 04/01/2016, NHNN đã nâng lên 21.896 đồng, mở ra một giai đoạn mới, tỷ giá trung tâm sẽ biến động theo ngày.
Để đánh giá rõ hơn về cơ chế mới này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Thưa ông, khá nhanh khi NHNN đã áp dụng ngay cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm ngay từ ngày đầu của năm 2016. Vậy tại sao NHNN lại chọn thời điểm này để vận hành cơ chế mới mà không phải sớm hơn ví dụ từ năm ngoái chẳng hạn?
TS. Võ Trí Thành: Cơ chế này từng được xem xét, nghiên cứu và từng có ý định vận hành rồi, tuy nhiên trong thời gian vừa qua đặc biệt cách đây 5, 6 năm do tình hình vĩ mô bất ổn, lạm phát cao cho nên để ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đã chưa dùng cơ chế này mà “neo” tỷ giá, thắt chặt tiền tê, kéo lạm phát xuống, tao dựng lại lòng tin thị trường, ổn định giá trị tiền đồng.
Câu chuyện tại sao không áp dụng vào năm ngoái và năm nay hay hơn trước đó cũng từng được đưa ra bàn luận nhưng theo tôi không bàn đến nữa vì nhưng dù sao cũng qua rồi. Ở thời điểm hiện nay, trong bối cảnh vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp, Việt Nam hội nhập sâu hơn, mở cửa tài chính cũng dần phải mạnh mẽ hơn, đây cũng là yếu tố thuận lợi để áp dụng cơ chế mới này.
Tính ưu điểm của chính sách này mới này là như thế nào, thưa ông?
Sẽ không có một cơ chế điều hành tỷ giá nào là hoàn hảo mà không có hiệu ứng khác. Một cơ chế linh hoạt và cần thiết khi đáp ứng được những yếu tố sau: Khả năng cạnh tranh ví dụ của xuất khẩu tốt hơn; Hấp thụ tốt hơn các cú sốc tự bên ngoài; Góp phần nhất định trong việc hạn chế đầu cơ; Cuối cùng rất quan trọng là đảm bảo chính sách tiền tệ có sự tự chủ cao hơn, tức là NHNN có khả năng kiếm soát cung tiền tốt hơn qua đó, cơ chế lan truyền tốt hơn vào các mục tiêu của chính sách tiền tệ như lạm phát, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế…
Cơ chế tỷ giá mới là cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn bởi sau khi hội nhập chúng ta cần một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt để đảm bảo cạnh tranh. Nếu cứ cố định để giá trị tiền đồng quá cao dẫn đến mất khả năng cạnh tranh, khó có khả năng điều hành chính sách tiền tệ một cách tự chủ hơn, kiểm soát cung tiền tốt hơn bởi vì các luồng vốn ra vào, cần phải thay đổi một phần của cung tiền để đáp ứng thay đổi dịch chuyển vốn.
Khi có cú sốc bên ngoài và đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập, về lâu dài một cơ chế thực sự linh hoạt hơn lại càng quan trọng khi đó chúng ta cần mở cửa đầy đủ cán cân thanh toán.
Cách biến động tỷ giá trung tâm hằng ngày được NHNN tính toán dựa trên 3 nhóm chỉ số: sự biến động của một rổ các đồng tiền của các nước đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, chỉ số phản ánh cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô.
Đối với các doanh nghiệp, liệu họ có vấp phải những khó khăn nào khi thay đổi cơ chế tỷ giá?
Doanh nghiệp thích được xác định với các biến cố cố định để dễ dàng tính toán hơn. Với cơ chế này, mức độ bất định tăng lên có thể gây khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh điều hành để tránh các cú sốc lớn thì NHNN sẽ có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo về cơ bản không biến động quá lớn.
Để làm được điều này, NHNN sẽ phải gắn với thị trường ngoại tệ mà ở đó các NHTM tham gia và NHNN là 1 bên nhằm đưa ra tín hiệu cho thị trường ngoại hối và có một cơ chế giám sát, nếu cần một số công cụ kinh tế tham gia chuyển động tại thị trường mở đó để các NHTM có phản ứng không đi quá xa so với định hướng của NHNN.
Điểm thứ hai đặc biệt quan trọng, NHTM cần phát triển công cụ thị trường phái sinh, thị trường quyền chọn, bảo hiểm và hướng dẫn các doanh nghiệp qua đó có các giao dịch gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nói theo một nghĩa nôm na, thị trường phái sinh sẽ biến bất định thành xác định.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa phải quá quen với công cụ thị trường phái sinh do vậy cần một quá trình tương tác giữa NHTM, các đinh chế tài chính và doanh nghiệp. Đây cũng chính là lý do vì sao chúng ta cần bước đi linh hoạt dần dần với học hỏi của thị trường và hội nhập của Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, với cơ chế mới này, tỷ giá sẽ biến động nhanh hơn và càng có cửa cho các nhà đầu cơ găm giữ USD. Ý kiến của ông thế nào?
Cơ chế này ít nhiều hạn chế được tâm lý đầu cơ, vì thị trường nay mai sẽ không biết đâu mà lần. Trong 1 chừng mực nhất định thì cơ chế này hạn chế được trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một mình cơ chế này không thể triệt tiêu được tâm lý đầu cơ này mà cần phải phối hợp ngân sách, chính sách tài khóa.
Với cơ chế này, năm 2016, theo ông vấn đề lãi suất có thể giảm được không?
Với tất cả các biến số đặc biệt về tài chính của thế giới và Việt Nam có thể nói ngắn gọn việc hạ lãi suất cho vay trong năm 2016 là rất khó khăn.
Việc phối hợp các chính sách gắn với điều hành theo cơ chế mới này, làm thế nào để duy trì lãi suất giữ được như hiện nay hoặc tăng rất nhỏ đã là một thành công trong năm nay rồi.
Xin cảm ơn ông!