Chỉ trong một ngày, giá Bitcoin biến động với biên độ hơn 2.000 USD khi tăng vọt lên 11.300 USD vào buổi sáng, rồi nhanh chóng giảm xuống đáy 9.300 USD chỉ sau 3 giờ.
Sơ suất trong quản lý tài khoản ngân hàng: Bỗng dưng mắc họa
- Cập nhật : 10/11/2015
(Phap luat)
Do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết, không ít người mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng song không ý thức được việc quản lý sử dụng, dẫn đến việc bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản, hoặc dùng tài khoản vào mục đích phạm tội
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Quý (SN 1970, ngụ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM) về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Được ủy quyền sử dụng tài khoản của bạn gái để kinh doanh nhưng khi phát hiện tài khoản của bạn gái có hơn 7 tỉ đồng tiền bán nhà, Quý đã nhanh chóng chuyển số tiền này sang tài khoản của mình để chi tiêu cá nhân.
Khi lập tài khoản ngân hàng rồi ủy quyền cho bạn trai là Trần Ngọc Quý được sử dụng để giao dịch với ngân hàng, chị Nguyễn Thị Huyền ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không thể ngờ được có một ngày bị gã bạn trai tráo trở chiếm đoạt hết tiền của mình trong tài khoản.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2012, khi quan hệ còn thân thiết, Quý nhờ chị Huyền mở tài khoản để Quý sử dụng kinh doanh chứng khoán vì theo quy định của Ủy ban Chứng khoán, một nhà đầu tư không được quyền mua và bán cùng một mã Chứng khoán trong cùng một tên người sử dụng và cùng một tài khoản. Vì vậy, để giúp Quý, chị Huyền đã mở tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank rồi làm giấy ủy quyền có giá trị trong 5 năm (từ 2012 đến 2017) để Quý có thể sử dụng tài khoản của mình giao dịch thường xuyên với ngân hàng.
Sau một thời gian, giữa chị Huyền và Quý xảy ra mâu thuẫn nên hai người cắt liên lạc. Mặt khác, do không giao dịch gì nên chị Huyền quên hẳn việc đã mở tài khoản trên. Cho đến cuối năm 2013, chị Huyền chuyển nhượng một căn nhà ở quận Hoàn Kiếm trị giá gần 7,3 tỉ đồng.
Để tiện cho việc giao dịch, chị Huyền đến Ngân hàng Vietcombank mở tài khoản cho người mua nhà chuyển tiền. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, phía ngân hàng thông báo chị Huyền đã mở tài khoản từ năm 2012. Không nghĩ gì đến việc đã ủy quyền cho Trần Ngọc Quý được sử dụng tài khoản trong thời gian 5 năm, chị Huyền đã đề nghị khách mua nhà trả tiền cho mình qua số tài khoản này.
Tuy nhiên, khi chị Huyền đến làm thủ tục rút tiền thì được ngân hàng thông báo Trần Ngọc Quý đã chuyển toàn bộ số tiền bán nhà của chị Huyền vào tài khoản của Quý mở tại Vietcombank chi nhánh TP HCM. Chị Huyền liên lạc với Quý nhưng anh ta tắt máy. Buộc lòng, chị Huyền phải đến Cơ quan điều tra tố cáo hành vi chiếm đoạt tiền của Quý.
Sau khi xác minh, thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Quý về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Do anh này bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã. Đến tháng 4/2015, Trần Ngọc Quý bị bắt giữ.
Tại Cơ quan Công an, Quý khai nhận do được chị Huyền ủy quyền sử dụng tài khoản ngân hàng để kinh doanh chứng khoán nên mỗi khi tài khoản có sự thay đổi đều gửi tin nhắn tới số điện thoại của Quý. Ngày 18/9/2013, sau khi khách mua nhà chuyển gần 7,3 tỉ đồng vào tài khoản của chị Huyền thì Quý cũng nhận được tin nhắn của ngân hàng thông báo về số tiền này trong tài khoản. Quý liền ra ngân hàng làm thủ tục chuyển số tiền trên sang tài khoản của mình cũng mở tại Ngân hàng Vietcombank.
Ngay trong ngày, anh ta chuyển 5,5 tỉ đồng vào tài khoản Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng thanh toán tiền mua căn hộ, chuyển khoản trên 500 triệu đồng vào tài khoản của một công ty chứng khoán, còn lại trên 1,3 tỉ đồng trong tài khoản.
Theo khai nhận của Quý, do trước đây chị Huyền có vay một khoản tiền nhưng không trả nên Quý đã lấy số tiền bán nhà trong tài khoản để buộc chị Huyền phải vào TP HCM gặp Quý giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, Quý không chứng minh được việc chị Huyền vay tiền.
Sau khi làm rõ việc sử dụng tiền trên của Trần Ngọc Quý, theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, phía ngân hàng đã thu hồi số tiền trên 1,3 tỉ đồng trong tài khoản của Quý và 5,5 tỉ đồng từ tài khoản của Công ty Phú Mỹ Hưng chuyển vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra, phục vụ việc giải quyết vụ án.
Hiện Cơ quan điều tra đang làm thủ tục hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố Trần Ngọc Quý về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo Cơ quan điều tra, trong vụ án trên, ngoài hành vi phạm tội của Trần Ngọc Quý cũng phải nói đến sơ suất trong quản lý tài khoản của chị Nguyễn Thị Huyền. Nếu chị Huyền có sự trao đổi kỹ với ngân hàng về việc đã ủy quyền cho Trần Ngọc Quý sử dụng tài khoản của mình thì sẽ không bị chiếm đoạt tài sản như vậy. Về phần Trần Ngọc Quý, chỉ một phút nổi lòng tham mà từ bạn bè, anh ta đã trở thành tội phạm.
Chuyện do sơ suất trong quản lý tài khoản cá nhân dẫn đến bỗng dưng bị kẻ xấu lấy mất tiền tỉ trong tài khoản như chị Nguyễn Thị Huyền không phải là trường hợp hy hữu. Chị Nguyễn Thị Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ hiệu ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng từng bị "siêu lừa" Nguyễn Phượng Ly (SN 1985) dùng chiêu lừa mở tài khoản ngân hàng rồi lợi dụng sơ hở của chị Minh rút sạch 5 tỉ đồng mà chủ tài khoản không hay biết.
Để thực hiện kế hoạch lừa đảo, cuối năm 2014, Nguyễn Phượng Ly thường xuyên qua cửa hàng của chị Minh mua đồ. Ly tự giới thiệu mình là trưởng phòng một ngân hàng. Thấy Ly đi ôtô Mercedes, mua rất nhiều đồ hiệu của cửa hàng nên chị Minh hoàn toàn tin tưởng ở vị khách VIP này. Một thời gian thấy chị Minh đã "cắn câu", đầu năm 2015, Ly rủ chị Minh sang Hồng Công "đánh hàng". Ly dụ chị Minh mở tài khoản thanh toán quốc tế cho tiện việc thanh toán.
Sau khi chị Minh đồng ý, Ly đưa chị Minh đến Ngân hàng Maritimebank để mở tài khoản. Do đã có chủ ý từ trước nên trước khi đến ngân hàng, Ly khuyên chị Minh không nên sử dụng số điện thoại đang dùng để nhận dịch vụ tin nhắn của ngân hàng để tránh "bị điều tra" về việc buôn bán mà nên sử dụng số "sim rác" để đăng ký. Nghĩ Ly là cán bộ ngân hàng nên chị Minh rất tin những gì cô ta nói. Ly liền mua 2 số "sim rác" có số đuôi gần giống nhau.
Đối tượng Nguyễn Phượng Ly đã lợi dụng sơ suất của chị Nguyễn Thị Minh trong quản lý tài khoản để chiếm đoạt 5 tỉ đồng.
Khi đến ngân hàng, do quá tin tưởng ở Ly nên chị Minh đã để Ly khai giúp những thông tin cá nhân trong tờ khai mở tài khoản. Nhân sơ hở này, Ly đã điền số điện thoại của mình vào phần nhận tin nhắn của ngân hàng và đưa cho chị Minh số sim có đuôi gần giống với số máy đăng ký. Đồng thời, Ly nắm được mật khẩu tài khoản.
Ít ngày sau, khi nhận được tin nhắn của hệ thống ngân hàng thông báo chị Minh vừa nộp vào số tài khoản của mình số tiền 5 tỉ đồng, Nguyễn Phượng Ly lập tức rút sạch số tiền này chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Những rắc rối không đáng có
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về trách nhiệm của chủ tài khoản, thì chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình; Thông báo kịp thời với ngân hàng nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc tài khoản của mình bị lợi dụng. Cung cấp thông tin chính xác khi yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán hoặc trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản; Không được cho thuê, cho mượn tài khoản, hoặc sử dụng tài khoản của mình cho các giao dịch thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.
Tuy nhiên, hiện nay, không ít người do thiếu hiểu biết hoặc do chủ quan đã không có ý thức quản lý, giữ gìn tài khoản cá nhân theo đúng quy định và nội dung đã cam kết với ngân hàng, dẫn đến việc bị tội phạm lợi dụng hoặc trở thành tiếp tay cho tội phạm.
Trong thời gian qua, trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu… nổi lên tình trạng tội phạm lừa đảo qua điện thoại, dùng thủ đoạn gọi đến số máy cố định của các gia đình, giả làm nhân viên bưu điện hoặc Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát điều tra các vụ án ma túy liên quan đến chủ thuê bao. Sau đó chúng lừa chủ thuê bao cung cấp số tài khoản ngân hàng, yêu cầu họ ra ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, sau đó trả lại. Tuy nhiên sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng rút sạch và chiếm đoạt.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, đồng thời đối phó với Cơ quan Công an, các đối tượng đã thuê rất nhiều người đến ngân hàng mở tài khoản cá nhân rồi "bán" lại thẻ ngân hàng cùng những thông tin tài khoản cho chúng sử dụng vào mục đích lừa đảo. Không ít người vì thiếu hiểu biết và ham tiền nên đã đứng ra mở tài khoản "bán" cho tội phạm sử dụng.
Quá trình điều tra vụ án, bản thân những chủ tài khoản này dù không thực hiện hành vi rút tiền chiếm đoạt nhưng cũng gặp rất nhiều phiền phức không đáng có như phải làm việc với Cơ quan điều tra để cung cấp thông tin và chứng minh không liên quan đến việc sử dụng tài khoản lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong diễn biến một vụ án lừa đảo bán điện thoại iPhone 5 qua mạng vừa được Phòng PC50 Công an Hà Nội khám phá, một chủ tài khoản khác cũng gặp không ít rắc rối từ sơ suất cá nhân. Chủ tài khoản là anh Đỗ Quốc Duy, quê Tây Ninh, là sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP HCM. Năm 2013, Duy mở tài khoản tại Ngân hàng Sacombank để gia đình chuyển tiền sinh hoạt trong thời gian học đại học.
Đến tháng 7/2014, Duy đánh mất ví tiền bên trong có thẻ ngân hàng và chứng minh nhân dân. Lẽ ra, trách nhiệm của Duy là phải đến ngân hàng thông báo việc mất thẻ để ngân hàng có biện pháp quản lý tài khoản. Tuy nhiên do trong tài khoản không còn tiền nên Duy đã không thông báo cho ngân hàng mà chỉ thông báo cho gia đình không tiếp tục gửi tiền vào số tài khoản đã đánh mất thẻ.
Do đó, thẻ ngân hàng của Duy đã bị đối tượng xấu lợi dụng. Một nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng đã sử dụng tài khoản ngân hàng của Duy để nhận tiền của người bị hại chuyển đến trong khi Đỗ Quốc Duy không hề hay biết.
Tháng 9 vừa qua, Phòng PC50 Công an Hà Nội tiến hành điều tra một vụ án lừa đảo bán điện thoại iPhone 5 qua mạng, trong đó người bị hại đã chuyển tiền vào tài khoản mang tên Đỗ Quốc Duy. Đương nhiên chủ tài khoản cũng thuộc đối tượng trong diện điều tra. Đỗ Quốc Duy phải chứng minh việc cậu ta không sử dụng tài khoản và không thực hiện hành vi rút tiền từ tài khoản này sau khi đánh mất.
Cơ quan Công an cũng làm sáng tỏ sự việc để "minh oan" cho Đỗ Quốc Duy. Nhưng nếu cậu ta có trách nhiệm, thông báo việc mất thẻ cho ngân hàng thì đâu đến nỗi vướng vào những phiền phức không đáng có như vậy.