tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Ông lớn” cũng tăng lãi suất tiền gửi

  • Cập nhật : 28/12/2015

(Tai chinh)

Cái tên mới nhất tham gia làn sóng tăng lãi suất tiền gửi là Ngân hàng (NH) TMCP Bản Việt khi biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ ngày 25-12 được điều chỉnh tăng thêm 0,05%-0,2%/năm ở một số kỳ hạn.

Tăng để hút vốn

Vài ngày trước, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới tăng 0,2%-0,3%/năm; kỳ hạn 1-2 tháng lên mức 4,8%/năm, các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức từ 5,2%-5,3%/năm.

NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng khoảng 0,5%/năm tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng, riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng lên 6,4%/năm (trong khi mặt bằng chung của nhiều NH chỉ 5,5%-6,2%/năm).

Điểm khác biệt trong lần điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn lần này là sự tham gia của những “ông lớn” quốc doanh. Tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), tiền gửi kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh lên 4,8%/năm, 2 tháng lên 5%/năm và 3 tháng là 5,2%/năm, tăng khoảng 0,3%/năm so với biểu lãi suất cũ.

NH TMCP Công Thương (VietinBank) cũng không nằm ngoài xu hướng này khi áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1-3 tháng tăng tương đương với BIDV. Hiện mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở 2 “ông lớn” này đều 4,8%/năm, bằng với lãi suất một số NH cổ phần quy mô lớn. Trên thị trường, kỳ hạn 1 tháng thấp nhất 4%/năm chỉ còn ở NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Theo các NH, nhu cầu vốn cuối năm tăng cao trong khi huy động tăng không tương ứng buộc NH thương mại phải nhích nhẹ lãi suất tiền gửi để hút vốn. Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM lý giải do nhu cầu sử dụng tiền mặt cuối năm của người dân tăng để mua sắm, sửa nhà hoặc tiêu dùng... nên vài NH gặp áp lực về thanh khoản. Nhưng đây là yếu tố mang tính thời vụ nên không quá lo ngại. Một số NH khác tăng lãi suất để cân đối lại nguồn vốn, chứ không phải xu hướng chung.

Lãi suất cho vay khó tăng mạnh

Số liệu từ NH Nhà nước cho thấy tính đến ngày 21-12, huy động vốn của toàn hệ thống NH chỉ tăng 13,59% so với cuối năm trước trong khi tăng trưởng tín dụng lên 17,17% và cả năm có thể đạt 18%-20%, đang tạo áp lực buộc các NH phải đẩy mạnh huy động vốn.

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho rằng “động thái nhích dần lãi suất huy động chỉ xảy ra ở một số NH chứ không hẳn của toàn thị trường. Bởi lãi suất chỉ là một yếu tố và không phải NH nào cũng tăng, thực tế có NH đang thừa tiền nhưng lại có NH thiếu tiền” - ông Trung nói.

Điều cộng đồng doanh nghiệp và thị trường đang quan tâm là lãi suất huy động tăng có kéo lãi suất cho vay đi lên?

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần phân tích: Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng như hiện nay có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay do chi phí đầu vào của NH bị tác động nhưng mức tăng sẽ không quá lớn nếu NH chấp nhận thu hẹp hơn nữa biên độ lợi nhuận. Có thể NH sẽ tăng lãi suất cho vay thông qua việc giảm các gói ưu đãi tín dụng - đưa lãi suất trong các gói khuyến mãi về mức thông thường. Dù vậy, làn sóng tăng lãi suất tiền gửi có rõ nét hay không phải chờ đến quý I/2016 khi các yếu tố mùa vụ không còn.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục