Sự việc khách hàng Hoàng Thị Na Hương bị mất số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản mở ở Vietcombank là sự cố hi hữu không chỉ làm người gửi tiền lo lắng, mà cả phía ngân hàng cũng giật mình.
Ngân hàng nào đang ‘ngồi trên lửa’ với những dự án nghìn tỷ thua lỗ của Vinachem?
- Cập nhật : 12/08/2016
(Tai chinh)
Để phục vụ dự án Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã đứng ra vay các tổ chức tín dụng số tiền lên đến 4.300 tỷ đồng và 326 triệu USD.
Nhà máy Đạm Ninh Bình đóng cửa từ tháng 3/2016 khiến nhiều chủ nợ thấp thỏm, hàng nghìn tỉ đồng tín dụng có nguy cơ thành nợ xấu. Ảnh: Hà Xù
Đều đặn hàng ngày, Vinachem phải ‘móc hầu bao’ để trả 2,6 tỷ tiền lãi thay cho nhà máy Đạm Ninh Bình. Tính ra một năm, Tập đoàn này phải thanh toán tiền lãi cho các tổ chức tín dụng ngót ngét gần 1.000 tỷ đồng đối với dự án phân bón phục vụ nông nghiệp trên đất cố đô Hoa Lư.
Như đã phân tích ở kỳ trước , khó khăn của những nhà máy đạm thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đang khiến các chủ nợ của họ không khác gì ‘ngồi trên đống lửa’.
Tháng 9/2008, để thu xếp vốn cho dự án Đạm Ninh Bình, Vinachem, thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), vay Ngân hàng Eximbank Trung Quốc với hạn mức tín dụng 250 triệu USD, lãi suất 4% trong suốt thời hạn vay 15 năm.
Tính tới ngày 31/12/2014, số tiền giải ngân đã lên tới 225 triệu USD, tương đương 4.800 tỷ đồng. Số nợ phải trả trong năm 2015 là 534,4 tỷ đồng.
Đây có thể là lý do lớn nhất khiến Vinachem sau đó phải chọn tổng thầu là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer cũng như máy móc, công nghệ của Trung Quốc.
BIDV đầu năm 2014 lại tiếp tục ký một hợp đồng tín dụng ngắn hạn với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, đơn vị vận hành nhà máy, với hạn mức tín dụng 1.200 tỷ đồng và 1 khoản vay trung hạn khác trị giá 6,4 triệu USD, biến BIDV trở thành ngân hàng cho vay ngắn hạn lớn nhất đối với Đạm Ninh Bình.
Cuối năm 2013, Vinachem có một khoản vay tín chấp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hà Nội. Thời hạn vay 90 tháng, tổng giá trị khoản vay 862,8 tỷ đồng, lãi suất 11% trong năm đầu và áp dụng lãi suất thả nổi cho phần thời gian còn lại.
Mục đích khoản vay là để trả cho một khoản nợ khác của Vinachem đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trước đó để phục vụ dự án Đạm Ninh Bình. Bản chất gần như là một dạng đảo nợ.
Vietinbank cho Vinachem vay tiền để thanh toán một khoản nợ trước đó với VDB. Nguồn: BCTC riêng Vinachem kiểm toán 2014
Trong khi đó, VDB chi nhánh Ninh Bình trong 2 năm 2008-2009 đã ký các hợp đồng tài trợ vốn cho Vinachem với tổng mức tín dụng 3.400 tỷ và 76 triệu USD. Mục đích cho vay là để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám (Chính là nhà máy Đạm Ninh Bình bởi giai đoạn này Vinachem chỉ thực hiện duy nhất dự án phân đạm này). Tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2014 là 2.800 tỷ.
Như vậy, Tập đoàn mẹ Vinachem đã đứng ra thay Đạm Ninh Bình vay với số tiền tổng cộng gần 4.300 tỷ đồng và 326 triệu USD.
Với mức lãi suất như cam kết với các nhà băng, Vinachem đều đặn mỗi ngày phải trả khoảng 2,6 tỷ tiền lãi thay cho Đạm Ninh Bình, tương đương gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dư nợ gốc tính tới cuối năm 2014 ở mức 6.600 tỷ, chiếm 97% tổng nợ ngân hàng dài hạn của Tập đoàn mẹ, cho thấy độ ‘nặng nợ’ của Đạm Ninh Bình với hơn 40 thành viên còn lại trong Vinachem.
Tới 97% dư nợ dài hạn ngân hàng của Vinachem được dành cho dự án Đạm Ninh Bình thời điểm cuối năm 2014. Nguồn: BCTC riêng Vinachem kiểm toán 2014
Vietinbank, VDB và Vinachem có mối quan hệ khá bền chặt. Không riêng gì Đạm Ninh Bình, Vietinbank và VDB trong 2 năm 2013-2014 đã cho Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, công ty con của Vinachem, vay với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án cải tạo – mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc.
Riêng về phần VDB, Ngân hàng này còn là đối tác ‘ruột’ của Vinachem trong nhiều dự án lớn khác, có thể kể tới Dự án DAP Hải Phòng, Dự án DAP2 Lào Cai và đặc biệt là Dự án muối mỏ Kali tại Lào.
VDB giữa năm 2015 đã ký hợp đồng cho Vinachem vay 113 triệu USD, tương đương 2.400 tỷ đồng để thực hiện dự án Khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, CHDCND Lào. Tổng mức đầu tư của dự án trên lên tới 522,4 triệu USD.
Thiết nghĩ, những đối tác tín dụng lớn của Vinachem kể trên đều là các ngân hàng TMCP Quốc doanh, thậm chí 100% vốn sở hữu Nhà nước. Bởi vậy, ngoài mục tiêu ‘ăn lãi chênh’ của một nhà băng thông thường, họ còn phải có chức năng bảo vệ vốn Nhà nước, thông qua quá trình đánh giá, cảnh báo tính khả thi của dự án, hay giám sát chặt chẽ dòng tiền, tránh lối mòn suy nghĩ ‘cha chung không ai khóc’.
Trong lúc này, các nhà máy đạm của Vinachem gặp khó đồng nghĩa với hàng nghìn tỷ đồng cho vay có nguy cơ thành nợ xấu, đe dọa tới sự an toàn của cả hệ thống tín dụng, vốn chưa bao giờ mang lại cảm giác an toàn trong nhiều năm trở lại đây.