Các hoạt động M&A ngân hàng khối ngoại sôi nổi đến mức có nhận định cho rằng có một làn sóng ngân hàng đang rời bỏ thị trường Việt Nam...
Nga cảnh báo chiến tranh tài chính với Mỹ
- Cập nhật : 29/11/2017
Sau vụ rút vội 115 tỷ USD từ chi nhánh Cục dự trữ liên bang Mỹ, Nga cảnh cáo chiến tranh tài chính.
RT hôm 28/11 thông tin, Bộ Tài chính Nga vừa ra cảnh báo, ngân sách liên bang của Nga được chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, nếu như Mỹ có ý định về việc thu giữ dự trữ ngoại tệ của Nga, nó sẽ được coi là "tuyên bố của một cuộc chiến tài chính".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố: "Nếu có một tư tưởng về việc thu giữ các khoản dự trữ vàng và tiền tệ của chúng tôi ở Mỹ, nó sẽ là một tuyên bố về cuộc chiến tài chính".
Theo ông Siluanov, ngân sách Nga có tính đến nguy cơ thiếu hụt nguồn thu, "có biên độ an toàn trong trường hợp hạn chế và trừng phạt"- gồm những thiệt hại do lệnh cấm đầu tư trái phiếu chính phủ Nga cho các quỹ nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết, Mỹ đang theo dõi các động thái từ việc đầu tư của Nga thông qua các nguồn trái phiếu chính phủ vào các quỹ tài chính ở Mỹ.
Hồi tháng 6, Reuters đã đề cập tới vụ rút tiền đột ngột của Ngân hàng Trung ương Nga trị giá 115 tỷ USD khỏi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York ngay sau khi bán đảo Crimea tuyên bố sáp nhập vào nước Nga năm 2014.
2 tuần sau khi rút số tiền khủng này, Nga đã nạp lại vị trí cũ.
Báo cáo đặc biệt của Reuters được đài Mỹ CNBC dẫn lại cho thấy, các chi nhánh Cục dự trữ liên bang Mỹ có tài sản của các ngân hàng trung ương nước ngoài đi kèm với một lợi ích duy nhất của chính quyền Mỹ: đó là nguồn thông tin tình báo quý giá cho Washington.
Theo đó, các Ngân hàng thanh toán quốc tế, các ngân hàng trung ương lớn khác và một số ngân hàng thương mại đều cung cấp dịch vụ đầu tư trái phiếu chính phủ, và khách hàng thường có nhiều hơn một tài khoản.
Nhưng chỉ có Ngân hàng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới cho phép khách hàng (các ngân hàng trung ương nước ngoài) tiếp cận trực tiếp vào thị trường nợ của Mỹ và đồng tiền dự trữ của thế giới như đồng USD. Quy định như vậy giúp Ngân hàng trung ương Mỹ trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ ngân hàng lưu ký này.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào Ngân hàng của Fed gặp vấn đề sau vụ việc Nga rút khoản tiền 115 tỷ USD khỏi Ngân hàng dự trữ liên bang tại New York hồi năm 2014.
Cụ thể, khi Reuters phỏng vấn một số quan chức cấp cao giấu mặt tại Fed và Bộ Tài chính Mỹ thì họ đều tiết lộ việc phải thực hiện theo các yêu cầu của chính phủ về việc chuyển các thông tin từ tài khoản mật của khách hàng cho chính quyền Mỹ.
Đây được cho là kênh thông tin có thể giúp chính quyền Mỹ hiểu sâu hơn về hành động của các đối tác nước ngoài hoặc các chuyển động của thị trường tại nước đó, đôi khi dẫn đến một phản ứng can thiệp cụ thể như họ đã từng áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014.
Các cựu quan chức Fed và quan chức chính phủ Mỹ đã cho rằng, các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã khiến Nga lo ngại rằng Washington sẽ đóng băng tài sản Nga đang đầu tư vào gói nợ của Mỹ và khiến họ lập tức rút tiền về.
Sau 2 tuần, Nga đã nạp lại số tiền vào tài khoản của mình bởi các chế tài của Mỹ chỉ nằm trong phạm vi nhỏ.
Vụ việc đã khiến các quan chức Mỹ cân nhắc hơn khi đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga mà không liên can tới khả năng sẽ khiến Nga lập tức rút khoản tiền dự trữ như vậy nữa.
Khoảng 250 ngân hàng trung ương nước ngoài đã gửi 3.300 tỷ USD vào Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, chiếm gần một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới, theo báo cáo của ngân hàng này hồi năm 2015.
Ngân hàng trung ương của Nga, Trung Quốc, Irac, Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Libya và một số nước khác có khoản đầu tư ở Fed nằm trong số các tài khoản mật bị tiết lộ cho Chính quyền Mỹ.
Theo ông Edwin Truman, người đứng đầu Bộ phận tài chính quốc tế của Hội đồng quản trị Fed trong hơn 2 thập kỷ trước khi Quỹ này gia nhập Kho bạc Mỹ vào năm 1998 cho biết, các khách hàng của Fed không nên trông đợi họ được giữ bí mật tuyệt đối về các giao dịch và tài khoản.
"Không có lời hứa với khách hàng rằng thông tin trong tài khoản của họ sẽ không được chia sẻ với giới chức Mỹ đâu" - ông Truman nói.
Một phát ngôn viên Bộ Tài chính cho biết Bộ này giám sát các giao dịch và thu thập dữ liệu từ tất cả các công ty tài chính một cách "đều đặn" và có khả năng yêu cầu cung cấp thông tin từ các ngân hàng trung ương nước ngoài nếu họ "cần phải biết".
Những tìm hiểu về cơ chế, cách thức hoạt động của Fed rộ lên vào thời điểm Tổng thống Donald Trump đe dọa các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với các quốc gia có thể được theo dõi thông qua các tài khoản nước ngoài.
Cùng với đó, nước Mỹ hiện nay đang kiểm soát chặt chẽ việc thu thập thông tin tình báo và các cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Đông Phong
Theo Baodatviet.vn