Cuộc rượt đuổi của các cổ phiếu ngân hàng
- Cập nhật : 29/11/2017
Vietcombank đạo mạo tiến sát mốc 50.000 đồng/cổ phiếu, VPBank “rầm rộ” nhưng cũng chỉ quanh 40.000 còn ACB lạnh lùng bám đuổi VPBank và bỏ xa các bạn đồng hành khác. Thị trường đang phân hóa cổ phiếu ngân hàng ra các lớp, các "đẳng cấp" khác biệt nhau rõ rệt.
Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán liên tục thăng hoa. Chỉ số VN Index chinh phục đỉnh cao nhất trong vòng 10 năm với trên 950 điểm sau khi tăng gần gấp rưỡi kể từ đầu năm. Nhóm ngân hàng - cổ phiếu “vua” một thời nay đã trở lại và ngày càng thể hiện tầm quan trọng trong việc chèo lái thị trường.
Phân chia “đẳng cấp” giữa VPBank và Vietcombank
Trong số các ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên sàn, Vietcombank (VCB) đang là ngôi sao sáng nhất. Chiều 29/11, mỗi cổ phiếu VCB đã lên 48.700 đồng, tăng khoảng 27% so với đầu năm và là mức cao nhất trong lịch sử tính theo giá điều chỉnh. Vốn hóa của VCB đã vượt 173.000 tỷ đồng – cao hơn so với tổng vốn hóa của cả VietinBank và BIDV cộng lại.
Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho Vietcombank thời gian qua, trong đó đáng kể nhất là kết quả kinh doanh lạc quan với lợi nhuận kỷ lục trên 7.900 tỷ chỉ trong 9 tháng. Hơn nữa, ngân hàng này còn đang có cửa sáng hơn trong quý cuối năm khi vừa hoàn tất thương vụ thoái vốn khỏi Saigonbank và Tài chính Xi măng với khoản lãi trên 130 tỷ đồng. Thậm chí, ngân hàng này còn thu hút nhà đầu tư hơn nữa khi người đứng đầu ngân hàng là ông Nghiêm Xuân Thành hồi giữa tháng 11 đã tiết lộ sẽ thoái vốn khỏi MB và Eximbank vào tháng 1/2018 với khoản lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định xử lý nợ xấu của Quốc hội cùng với Luật tổ chức tín dụng sửa đổi cũng đang là những tác động tốt với nhóm ngân hàng lớn và sạch như Vietcombank. Vậy nên nói rằng cổ phiếu Vietcombank đang đạo mạo chinh phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác cũng chẳng sai.
Trong khi đó, VPBank, từng được đánh giá là cùng “đẳng cấp” với Vietcombank lại có những bước đi chậm chạp hơn. Còn nhớ khi mới lên sàn hồi giữa tháng 8, VPBank được kỳ vọng là sẽ sánh ngang Vietcombank bởi kế hoạch kinh doanh rất “khủng”. Nhiều nhà đầu tư còn muốn “đặt cược” xem hai cổ phiếu này ai sẽ giữ ngôi số 1 lâu hơn và chạm 40.000 đồng/cổ phiếu sớm hơn. Dù rằng mất khoảng 2 tháng, hai cổ phiếu này cứ lình xình đến mức khó chịu, nhưng đến cuối tháng 10 thì tình hình cũng bắt đầu ngã ngũ: Vietcombank vượt qua VPBank với khoảng giá vênh nhau 5%. Bẵng đi một tháng, đến nay nhìn lại Vietcombank đã tăng gần 20% giá trị cònì VPBank vẫn dậm chân quanh vùng 40.000 đồng - một khoảng cách khá an toàn giữa người số 1 và số 2.
Dẫu sự phân chia về giá trị và “đẳng cấp” đã rõ ràng hơn nhưng trên sàn chứng khoán thì Vietcombank và VPBank vẫn có thể được xem là cùng một tầng giá, là cổ phiếu nhóm trên của ngành.
ACB lạnh lùng thẳng tiến
Một cổ phiếu nữa của ngành ngân hàng cũng đang thu hút sự chú ý đó là ACB của Ngân hàng Á Châu. Mới đầu năm, ACB chỉ ở 20.000 đồng/cổ phiếu thì đến nay đã tăng tới hơn 70% giá trị, đạt trên 34.000 đồng/cổ phiếu.
Cũng như Vietcombank, ACB đang được hậu thuẫn bởi hàng loạt các thông tin tốt. Ngân hàng này được cho là đã chính thức vượt qua giai đoạn khó khăn của đại biến cố bầu Kiên. Những hậu quả từ bầu Kiên và nhóm 6 công ty liên quan được ngân hàng xử lý cơ bản triệt để. Qua 9 tháng đầu năm, ACB đã đạt lợi nhuận 1.500 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước và là kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ năm 2011 tới nay, đồng thời đang nhắm đến con số hơn 2.200 tỷ cho cả năm.
Ngoài ra, sự thay đổi về cơ cấu cổ đông lớn của ngân hàng cũng được xem là một trong những nguyên nhân làm cho thanh khoản và giá cổ phiếu của ACB đi lên thời gian qua. Hồi tháng 10, dù là giao dịch nộ bộ song quỹ Connaught Investors Limited đã chấm dứt vai trò là cổ đông lớn (sở hữu 7,26% vốn ACB) thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu cho hai công ty con của quỹ này. Từ nay, những giao dịch của hai công ty thuộc Connaught sẽ không phải báo cáo do sở hữu không quá 5%.
Một số ý kiến cho rằng, với đà tăng vừa rồi của ACB được duy trì thời gian tới, và giả sử VPBank vẫn cứ chậm chân như từ khi lên sàn tới nay, thì chưa biết chừng giá cổ phiếu của hai ngân hàng này sẽ sớm gặp nhau.
MB, VietinBank, VIB và BIDV đang bám đuổi nhau sát nút
Ngoài 3 ngân hàng “chiếu trên” thì nhóm các ngân hàng gồm MB (MBB), VietinBank (CTG), VIB và BIDV (BID) cũng đang thu hút sự quan tâm của thị trường.
Nhưng trong số ấy, MBB có diễn biến tích cực hơn cả sau khi đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm tới nay, hiện ở quanh 25.000 đồng/cổ phiếu. BID thì tăng khoảng 70% kể từ đầu năm và đã đạt 25.600 đồng/cổ phiếu. Còn CTG thì chậm chân hơn BID dù cả hai có xuất phát hồi đầu năm tương đương nhau, hiện mới ở quanh 23.500 đồng.
VIB mới đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM đầu năm nay với giá 17.000 đồng – cao hơn mặt bằng của 3 ngân hàng nói trên – nhưng mới tăng được 35% nên hiện mới ở vùng 23.000 đồng. Dẫu vậy, so với VietinBank thì VIB chỉ kém có 500 đồng/cổ phiếu.
Song nếu xét về vốn hóa thị trường thì BIDV và VietinBank vẫn thuộc đẳng cấp khác. Hiện VietinBank đang có vốn hóa hơn 86.000 tỷ đồng còn BIDV là hơn 85.400 tỷ. Trong khi đó MB dù tăng tốt nhưng vốn hóa mới dừng ở hơn 44.000 tỷ - bằng hơn nửa so với hai ngân hàng có giá ngang nhau. Còn lại VIB thì “không có tuổi” để so sánh vì vốn hóa siêu nhỏ là chưa đến 13.000 tỷ đồng.
Lợi thế và những áp lực nào có thể xảy ra với nhóm ngân hàng?
Ngoài hoạt động kinh doanh tích cực thì hai quyết định quan trọng được hai kỳ họp của Quốc hội năm 2017 thông qua là Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu và Luật tổ chức tín dụng sửa đổi cũng được xem là những yếu tố tác động tích cực lên cổ phiếu của các ngân hàng thời gian qua cũng như năm 2018.
Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng còn đó những lo ngại, nổi bật nhất là liên quan đến việc tăng vốn. Trên sàn chứng khoán hiện nay, các ngân hàng kể trên đều nằm trong nhóm áp dụng thí điểm chuẩn Basel II đã được phê duyệt.
Trong số ấy, VPBank có lẽ đang “bình chân” nhất sau đợt huy động vốn khủng vừa qua, mà nói như lãnh đạo ngân hàng này thì có thể “đủ ăn đủ tiêu” trong vòng 2 năm tới mà không phải lo tăng vốn. ACB và MB là hai ngân hàng được cho là đã sẵn sàng cho Basel II nhưng nhu cầu về vốn cũng vẫn cao.
Các ngân hàng còn lại đều đang đối diện áp lực rất nặng nề.
Cả 3 ngân hàng lớn nhất hệ thống là BIDV, VietinBank và Vietcombank chịu áp lực nặng nhất. Họ đều phải nỗ lực tìm kiếm vốn để nâng cao năng lực tài chính và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) nhưng vừa rồi chưa tiến triển được là bao. Tính bình quân 3 ngân hàng này thì CAR hiện còn xa mới đạt đến 10% - thấp hơn nhiều so với mức bình quân hơn 12% của nhóm cổ phần tư nhân và cũng chẳng cao hơn là bao so với mức sàn mà Ngân hàng Nhà nước quy định (9%). Tất nhiên xét theo Basel II thì CAR hiện tại của các ngân hàng này không thể đáp ứng nổi khi mà cách tính CAR ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với tính CAR theo chuẩn quốc tế của Basel.
VIB, Sacombank, Maritime Bank và Techcombank nếu so với 3 ngân hàng có vốn Nhà nước thì áp lực có phần nhẹ hơn đôi chút là họ có thể dễ dàng xin cổ đông cho sử dụng lợi nhuận để tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc là lập các quỹ phát triển để bổ sung vào vốn cấp 1 như VIB đang muốn làm, thay vì phải trả cổ tức bằng tiền mặt. Nhưng cách này cũng chẳng bổ sung được là bao, các ngân hàng buộc phải tìm kiếm thêm hình thức nâng vốn khác nếu muốn hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng, để qua đó tiếp tục tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ, CafeF