Sau khi điều chỉnh LS, số tiền phải đóng hằng tháng của chị Lan tăng từ 7 triệu đồng lên 8,2 triệu đồng. Đến ngày 18-8, chị Lan lại “choáng váng” khi nhận được tin nhắn của NH thông báo LS cho vay tăng lên mức 11,4%/năm....
Lãi suất: Không cứ 'ép' là được!
- Cập nhật : 30/08/2016
(Tai chinh)
Lãi suất là biến số thị trường nên không thể ấn định một con số duy ý chí. Kéo lãi suất cho vay về 5% là điệp vụ bất khả thi, nhiều chuyên gia nhận định.
Bơm và hút
Theo số liệu phân tích của Trung tâm Nghiên cứu của MaritimeBank, đến ngày 23/8, trên thị trường liên NH, lãi suất VND đã có 6 phiên giảm liên tiếp ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Lãi suất cả hai kỳ hạn này ở mức rất thấp, chỉ 0,74% và 0,82%/năm. Lãi suất liên NH giảm mạnh là chỉ báo cho thấy thanh khoản hệ thống NH đang khá dư dả. Chính vì vậy, NHNN cũng liên tiếp phát hành tín phiếu để hút tiền về.
Mỗi phiên NHNN phát hành trung bình 8.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày. Riêng phiên ngày 23/8, NHNN đã nâng lượng phát hành tín phiếu lên 10.000 tỷ đồng nhưng giữ nguyên kỳ hạn. Cũng như các phiên từ tháng 5/2016 đến nay, hầu hết số lượng tín phiếu được NHNN phát hành đều được các NHTM hấp thụ hết.
Tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Với vai trò là người điều tiết thanh khoản hệ thống, NHNN đã theo dõi sát diễn biến thị trường đưa tiền ra cũng như hút tiền vào hàng ngày đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý giúp duy trì lãi suất ổn định, đồng thời ngăn chặn các NH không quay ra huy động trên thị trường 1 có thể đẩy lãi suất tăng lên. Vì vậy, mặc dù trong 7 tháng đầu năm lãi suất chịu nhiều sức ép nhưng NHNN xác định phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động.
Do lượng tín phiếu phát hành nhiều và với quy mô các phiên sau lớn hơn, nên lãi suất tín phiếu cũng đã giảm sâu xuống chỉ còn 0,59%/năm giúp chi phí điều tiết vốn trong hệ thống trở nên dễ chịu hơn. Tuy nhiên một thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia băn khoăn với việc NHNN tăng số lượng phát hành tín phiếu. Vị này đồng tình với mặt tích cực của việc phát hành tín phiếu giúp NHNN nhanh chóng trung hòa lượng tiền trong lưu thông, hỗ trợ giảm lãi suất, nhưng mặt trái của nó là Nhà nước sẽ chịu phí tổn. Điều quan trọng hơn là nếu lạm dụng sử dụng tín phiếu làm hạn chế quá trình phát triển thị trường trái phiếu theo đúng nghĩa.
“Thời điểm này NHNN không có nhiều lựa chọn để thực hiện. Nếu muốn làm được điều này thì phải hội tụ được 3 điều kiện đó là chính sách tiền tệ tự chủ, linh hoạt, hiệu lực hơn; kỷ luật nghiêm minh của ngân sách và cuối cùng phải phát triển thị trường trái phiếu”, vị này nhấn mạnh.
Có ép được không?
Quay trở lại với câu chuyện lãi suất, trước nay lãi suất luôn được coi là biến số của thị trường và được xác lập dựa trên quan hệ cung – cầu thị trường. Vậy nên sau khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố Dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 với nhiều mục tiêu liên quan đến ngành NH trong đó có “nhắc” tới mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm lại vấp phải sự phản ứng từ thị trường.
“Lãi suất là biến số thị trường nên không thể ấn định một con số duy ý chí như vậy được”, một vị chuyên gia bức xúc nói và ông cũng thắc mắc không biết cơ sở nào để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số 5%. Nếu dựa vào kỳ vọng lạm phát thì ngay trong nội dung Dự thảo này thấy sự mâu thuẫn. Trong mục tiêu cụ thể của nội dung đầu tiên là ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô có đề cập đến duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm. Như vậy, có thể hiểu đến năm 2020 lạm phát mục tiêu sẽ ở mức 5%/năm. Mà lãi suất huy động NH lại “ngóng” theo lạm phát. Nếu muốn đảm bảo thực dương lãi suất cho người gửi tiền thì con số lãi suất có thể phải cao hơn. Ở góc độ này cho thấy mục tiêu kéo lãi suất cho vay về mức 5% như các nước đang phát triển tại Dự thảo trên là bất khả thi.
Chưa kể Việt Nam đang mong muốn đến năm 2018 được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ, không thể có chuyện áp đặt biện pháp hành chính cụ thể trần lãi suất cho vay. Thay vì lãi suất, vị chuyên gia cho rằng nên điều hành kinh tế nên theo lạm phát mục tiêu. Đây là cách điều hành tương đối hiện đại, và phù hợp với xu thế hiện nay khi Việt Nam hội nhập sâu rộng. “Nhất là lại muốn NHTW hiện đại, độc lập hơn, thì điều hành theo lạm phát mục tiêu rất phù hợp và hoàn toàn khả thi khi thực hiện”, TS Lực khẳng định lại quan điểm.
Theo TS Vũ Đình Ánh, khó phân xử khách hàng hay NH đúng. Khách hàng kêu cao, còn NH lại bảo cho vay lãi suất thấp. Theo tôi cứ nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng trên thị trường thì thấy rõ nhất lãi suất có phù hợp hay không. Nếu lãi suất cao quá thì DN khó vay vốn và tín dụng không thể tăng được. “Nhưng thực tế, tín dụng tăng trưởng đều từ đầu năm đến nay cho thấy lãi suất đang phù hợp thì DN mới vay được nhiều như vậy chứ”, ông Ánh kết luận.