Trong mùa cao điểm cuối năm, nhu cầu vốn của DN luôn cao hơn các quý trước.
Lãi suất cho vay tiêu dùng: Luật có rồi… để đấy
- Cập nhật : 18/08/2016
(Ngan hang)
Trong những năm gần đây, cho vay tiêu dùng ngày càng được chú trọng phát triển, đặc biệt khi nhiều công ty tài chính được cấp phép hoạt động. Điều này giúp mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề lãi suất lại làm “đau đầu” người đi vay và những người quản lý.
Lãi suất cao
Thời điểm nửa cuối năm thường được đánh giá là “mùa” vay vốn, khi người dân có nhu cầu nhiều hơn cho sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt… Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mới chiếm khoảng 12% trên tổng dư nợ, trong khi các quốc gia khác chiếm khoảng gần 30%.
Như vậy, dư địa cho lĩnh vực này còn rất nhiều khi Việt Nam có tới hơn 93 triệu dân, thành phần trẻ, mức sống ngày càng được nâng cao. Cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ tương đương 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015 con số này đã tăng lên 6,8% tương đương 90.000 tỷ đồng.
Khảo sát tại một số ngân hàng cho thấy, nhiều chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất cạnh tranh từ 10-13%/năm được đưa ra đối với các nhu cầu vay: Mua nhà, xây nhà, mua ô tô, du học… Hơn nữa, nhiều ngân hàng còn đưa ra chính sách cho vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo… để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm 2016, lãi suất cho vay tiêu dùng đã có sự nhích nhẹ từ 0,1-0,3%/năm.
Thậm chí, có thông tin cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính phi ngân hàng đang dao động ở con số giật mình, lên tới 60-70%/năm. Với mức lãi suất này, chỉ sau hơn 1 năm là người tiêu dùng đã phải trả gấp 2 lần số tiền vay được.
Mặc dù lãi suất cao như vậy, nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn có “đất sống”, theo chuyên gia tài chính- ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn nhưng lại vướng phải nhiều thủ tục trong các biện pháp quản lý rủi ro vốn vay của ngân hàng, tiêu biểu như yêu cầu về chứng minh thu nhập. Khác với đối tượng doanh nghiệp với tài sản đảm bảo có thể là kế hoạch kinh doanh, hợp đồng mua bán... nhiều người dân với ngành nghề đặc thù, không chứng minh được tài sản đảm bảo thì đây sẽ là yêu cầu khó, họ không thể đáp ứng được nên đành nhờ cậy đến các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thậm chí là “tín dụng đen”.
Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng thường không hiểu luật pháp nên không nắm được những điều kiện đặt ra trong hợp đồng, quảng cáo một đằng nhưng khi áp dụng mới ra một mức lãi suất khác. Lúc này, người tiêu dùng không thể khởi kiện hay đòi thay đổi được nữa mà phải “cắn răng” chịu đựng.
Không theo luật
Việc lãi suất tiêu dùng cao tại các công ty tài chính, một phần do ảnh hưởng từ xu thế chung khi lãi suất huy động đã có sự tăng nhẹ trong thời gian qua. Hơn nữa, nguyên nhân còn do quy định giới hạn huy động vốn từ cá nhân, đồng thời do việc hạn chế việc vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng. Theo Thông tư 21/2012/TT-NHNN của NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ có thể vay vốn ngắn hạn từ các ngân hàng trong nước, trong khi nhu cầu vốn trung và dài hạn vẫn phải có.
Bên cạnh đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN của NHNN cũng đưa ra yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% xuống còn 100% và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Những quy định này đòi hỏi các công ty tài chính phải tăng cường huy động vốn, trong đó có biện pháp tăng lãi suất.
Trước tình hình lãi suất vay tiêu dùng có phần “vô tội vạ” như trên, TS. Luật sư Phạm Đức Bảo, Đại học Luật Hà Nội cho biết, quy định về vay tiêu dùng vẫn chưa có hành lang pháp lý riêng để bảo vệ quyền lợi người đi vay. Các quy định cho các tổ chức tín dụng về vay tiêu dùng vẫn còn chung chung, nhiều điểm chưa chặt chẽ để các công ty này lách luật, gây khó cho người đi vay. Do đó, Chính phủ và NHNN cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng về lãi suất, điều kiện vay vốn, tài sản đảm bảo…
Đáng chú ý, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ 1-1-2017 có đưa ra quy định về lãi suất thỏa thuận cho vay tiêu dùng như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Đây được xem là quy định mới nhất về lãi suất thỏa thuận, tạo hành lang pháp lý để xác định lãi suất theo cơ chế thị trường, bảo vệ người đi vay và thể hiện được vai trò quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, theo TS. Luật sư Phạm Đức Bảo, quy định nêu trên chưa chặt chẽ khi mở ra điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”, như vậy, các ngân hàng và công ty tài chính sẽ dựa theo Luật Các tổ chức tín dụng với quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. Do đó, lãi suất có thể vẫn vượt lên con số 20%/năm.
Từ thực trạng trên, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, các hợp đồng cho vay vẫn làm khó người tiêu dùng, nhất là các điều khoản liên quan đến hình thức trả nợ, mức lãi suất theo kỳ hạn… Vì thế, người tiêu dùng cần phải có một cơ quan tư vấn hoặc các tổ chức tín dụng phải áp dụng theo hợp đồng mẫu do NHNN quy định…