Đánh giá việc giảm giá nhân dân tệ là một đối sách của Trung Quốc, chuyên gia tự hỏi có thể giảm xuống được bao nhiêu?
Hai dấu hỏi ở Hãng Phim truyện Việt Nam
- Cập nhật : 25/09/2017
Từ trước cổ phần hóa, VFS đã thua lỗ triền miên.
Dư luận đang hướng sự chú ý vào những xung đột nội bộ giữa ban lãnh đạo mới và các nghệ sĩ ở Hãng Phim truyện Việt Nam (tên mới là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam - VFS). Đây không chỉ là câu chuyện hậu cổ phần hóa ở hãng phim này mà còn khơi lại những vấn đề từng gây thắc mắc.
Vận tải làm phim
VFS là hãng phim có tuổi đời hơn 60 năm, từng thực hiện nhiều bộ phim nổi tiếng một thời như Chung Một Dòng Sông, Đêm Hội Long Trì, Em Bé Hà Nội, Đến Hẹn Lại Lên… Năm 2016, VFS tiến hành cổ phần hóa, với đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 14.4.
Theo bản công bố thông tin, VFS chuyển đổi lên mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 50 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm 20% vốn, cổ đông chiến lược nắm 65% vốn, chào bán ra bên ngoài 10,5% vốn, còn lại là bán cho cán bộ công nhân viên.
Trước khi IPO, VFS đã tìm được nhà đầu tư chiến lược theo hình thức thỏa thuận. Đó là Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivaso). Đây là một công ty mới được cổ phần hóa từ năm 2014, đạt quy mô vốn điều lệ hơn 320 tỉ đồng. Sau cổ phần hóa, Nhà nước rút hẳn vai trò khỏi Vivaso và cổ đông lớn nhất của Vivaso là Công ty Vạn Cường (nắm 77,1% vốn). Về kinh doanh, Vivaso đã đạt tới doanh thu ngàn tỉ đồng từ nhiều năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế của hãng vận tải này thường chỉ vài tỉ đồng.
Với đặc điểm này, nhất là khi Vivaso lại khác ngành với VFS, sự hiện diện của Vivaso ở VFS đã vấp phải không ít phản đối. Tuy nhiên, theo nội dung của Nghị định 59 về cổ phần hóa thì Vivaso thỏa mãn điều kiện để trở thành cổ đông chiến lược tại VFS. Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), cũng khẳng định, bản chất của cổ phần hóa là chuyển đổi chủ sở hữu từ tài sản của Nhà nước sang tài sản của tư nhân. Người mua có thể là người ngoài ngành, chỉ cần đúng nguyên tắc thị trường. “Người mua là người bỏ tiền ra mua, chịu rủi ro nên phải tạo điều kiện cho người ta”, ông Thành nói thêm.
Trên thực tế, từ trước cổ phần hóa, VFS đã thua lỗ triền miên. Theo bản công bố thông tin, ở thời điểm định giá doanh nghiệp (30.9.2014), VFS lỗ lũy kế hơn 39,6 tỉ đồng. Sang các năm 2015, 2016, tình hình kinh doanh cũng không khá hơn. Đây có thể là lý do trong đợt IPO năm ngoái, chỉ 2 nhà đầu tư cá nhân tham gia phiên đấu giá, với số lượng cổ phần đặt mua bằng 22% tổng lượng đặt bán và chỉ mua theo giá bằng giá khởi điểm (10.200 đồng/cổ phiếu).
Rõ ràng, Vivaso sẽ gặp không ít thách thức trong việc vực dậy VFS. Chặng đường này cũng chỉ mới bắt đầu, khi VFS vừa tiến hành Đại hội cổ đông đầu tiên vào ngày 20.5 vừa qua và chính thức có tên mới, lãnh đạo mới, con dấu mới từ cuối tháng 6.2017.
Nghi vấn đất đai
Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Visavo, từng cho biết: “Công ty chúng tôi yêu điện ảnh nên chúng tôi mua lại Hãng phim truyện, cũng giống như các doanh nghiệp khác yêu bóng đá thì họ mua lại một đội bóng nào đó vì đam mê”.
Nhưng phần lớn dư luận lại nghiêng về khả năng Vivaso đầu tư vào VFS vì đất. Theo tài liệu công bố, ở thời điểm định giá doanh nghiệp, VFS đang sử dụng 4 khu đất gồm khu đất ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội (rộng 5.443,5m2), khu đất ở Đông Anh, Hà Nội (6.382,8m2), khu đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội (904,9m2) và khu đất ở số 6 Thái Văn Lung, Quận 1, TP.HCM (1.208,72m2). Đây đều là những khu đất vàng, thuộc trung tâm Hà Nội và TP.HCM.
Theo thông tin công bố và căn cứ vào các văn bản pháp lý, đây đều là những khu đất do VFS thuê hoặc được giao nhưng chưa có chủ quyền sở hữu. Cụ thể, khu đất ở Tây Hồ và Thái Văn Lung là VFS thuê, còn khu đất ở Đông Anh và Ba Đình nằm trong diện Nhà nước tiến hành sắp xếp, điều chỉnh lại việc sử dụng đất. VFS chưa hoàn thiện các giấy tờ thủ tục pháp lý đối với những khu đất này.
Đối với đất thuê, VFS vẫn còn đang nợ tiền thuê. Chẳng hạn, theo văn bản làm việc giữa Chi cục thuế Tây Hồ và VFS thì VFS còn nợ tiền thuê đất nộp ngân sách nhà nước và tiền quá hạn nộp hơn 10 tỉ đồng. Con số này lớn hơn tiền nợ thuê đất VFS phải trả (chỉ hơn 3 tỉ đồng). VFS đang trình các cơ quan thẩm quyền để xin xem xét miễn giảm đối với tiền thuê đất truy thu. Trong trường hợp các cơ quan thẩm quyền không đồng ý, tiền thuê đất còn phải nộp của VFS gấp hơn 3 lần con số ước tính. Đây là rủi ro cho các nhà đầu tư mua cổ phần ở VFS, nhất là cho cổ đông lớn như Vivaso.
Trong bối cảnh đó, theo quy định của chính sách về cổ phần hóa, VFS không thể đưa đất thuê cũng như đất chưa rõ giấy tờ pháp lý vào định giá doanh nghiệp. VFS chỉ có thể đưa các tài sản trên đất vào trong định giá.
Liên quan đến định giá thương hiệu, Giám đốc Phân tích thuộc một công ty chứng khoán ở TP.HCM cho rằng đây là vấn đề phức tạp. Chính ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, cũng đã xác nhận với giới truyền thông, thương hiệu được xem là lợi thế kinh doanh nhưng chỉ được xếp vào tài sản cố định vô hình. Các hướng dẫn liên quan đến định giá thương hiệu đều chưa có nên doanh nghiệp thường bỏ qua hoặc sơ sài trong khâu định giá này. Như VFS là quyết định cổ phần hóa trước rồi mới định giá thương hiệu sau.
Sắp tới, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 59, Việt Nam sẽ có những điều chỉnh theo hướng chú trọng vào định giá thương hiệu hơn. Về phía VFS, trong văn bản gửi Bộ Văn hóa Thông tin Du lịch (3.4.2017), cũng trình kế hoạch xin tư vấn của Công ty Kiểm toán CPA Việt Nam. Hãng tư vấn này từng “hiến kế” định giá thương hiệu VFS theo mô hình Interbrand và kết hợp phương pháp khác. Công thức được đưa ra như sau: thương hiệu VFS bằng giá trị phần vốn nhân với phần đóng góp của các tài sản vô hình nhân với số nhân nhãn hiệu. Tuy nhiên, công ty tư vấn cũng nêu rõ hạn chế là phương pháp này dựa trên một số xét đoán chủ quan.
Liên quan đến dư luận về VFS, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện mới đây đã yêu cầu Công ty công khai việc sửa chữa, nâng cấp trụ sở số 4 Thụy Khuê để phục vụ mục đích làm phim, tuyệt đối không cho thuê làm bất cứ việc gì khác và phải thông báo cụ thể cho các nghệ sĩ.
Thủy Ngọc
Theo Nhipcaudautu.vn