tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giảm nợ xấu - đừng chạy theo chỉ tiêu

  • Cập nhật : 17/08/2015

(Tin kinh te)

Các ngân hàng đang tích cực chạy đua để giảm nợ xấu xuống 3% theo chỉ đạo của NHNN. Có thể thấy để đạt chỉ tiêu này dưới dạng con số báo cáo trên giấy tờ thì không phải là khó. Điều quan trọng là tỉ lệ nợ xấu hiện đang được thống kê là nợ xấu nội bảng, còn lại nợ xấu ngoại bảng chính là nợ xấu mà VAMC đang giữ, chưa kể phần nợ được cơ cấu lại cũng khá lớn.

Nợ xấu dù là ngoại bảng nhưng bản chất vẫn là nợ xấu, dù không được theo dõi trong hệ thống bảng cân đối của các ngân hàng. Trong khi đó, cơ chế xử lý nợ xấu với VAMC hiện nay chưa được giải quyết rốt ráo.

giam no xau - dung chay theo chi tieu

Giảm nợ xấu - đừng chạy theo chỉ tiêu

Theo báo cáo, tính đến nay, VAMC đã tiếp nhận 64.000 tỉ đồng từ các TCTD gửi để bán nợ cho VAMC và hiện đã phê duyệt được 59.000 tỉ đồng với giá gốc và giá mua là 54.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC đã phát hành được 51.300 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt. Về bán nợ, sau 7 tháng đầu năm triển khai, VAMC xử lý bán tài sản đảm bảo, bán nợ và thu hồi được 6.513 tỉ đồng. Điểm khó mà VAMC đang gặp phải đó chính là quá trình xử lý bán tài sản đảm bảo hiện đang vướng mắc về mặt luật.

Mục tiêu là hướng tới việc mua nợ xấu của các TCTD và bán theo giá trị thị trường, nhưng bây giờ VAMC chỉ bán được tài sản đảm bảo chứ chưa bán được nợ xấu vì chưa có thị trường mua - bán nợ. Chính điều này gây rất khó khăn cho VAMC trong quá trình tổ chức thực hiện mua và bán nợ xấu và khiến đến tốc độ xử lý nợ xấu không được nhanh như kỳ vọng.

Vừa qua, tại một buổi tọa đàm do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới (WB)tổ chức, một giải pháp được bàn luận rất nhiều là chứng khoán hóa nợ xấu. Cụ thể, ngân hàng sẽ biến nợ xấu lại thành một loại chứng khoán rồi đem bán trên thị trường chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư khi giao dịch sẽ mua cổ phiếu được bảo đảm bởi nợ xấu. Với các nước trên thế giới, chứng khoán hóa nợ xấu không phải là một hoạt động quá phức tạp, chỉ cần có một thị trường chứng khoán đủ tiêu chuẩn, hệ thống pháp lý liên quan rõ ràng, các trung gian dịch vụ chứng khoán hóa đủ uy tín và nhà đầu tư.

Tất nhiên, đó là về lý thuyết, còn với thực tiễn ở Việt Nam thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của chứng khoán hóa nợ xấu tại Việt Nam. Theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để chứng khoán hóa nợ xấu được thì phải có thị trường nợ tốt và thị trường tài chính tương đối lớn. Đồng thời, phải có một số trụ cột là các quỹ đầu tư lớn, các nhà mua bán có tổ chức tham gia, nếu chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ thì sẽ rất khó.

Bên cạnh đó, cũng có không ít chuyên gia tài chính cho rằng, giải pháp chứng khoán hóa nợ xấu này sẽ khó triển khai, bởi ngay cả ngân hàng và VAMC vẫn đang lúng túng trong xử lý tài sản đảm nợ xấu, thì hiếm nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào đầu tư cho những cổ phiếu được bảo đảm bằng nợ xấu.

Đã có nhiều giải pháp xử lý nợ xấu được đề cập đến thế nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở phương diện lý thuyết. Trong khi đó, dù nợ xấu đã phần lớn được đưa vào ngoại bảng nhưng bản chất vẫn là nợ xấu dù không được theo dõi trong hệ thống bảng cân đối của các ngân hàng. Cho dù để đạt được những con số chỉ tiêu đặt ra thì dễ dàng, nhưng lộ trình xử lý nợ xấu còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục