Nếu cứ có lãi bao nhiêu đều “chia béng” hết thì ngân hàng không thể phát triển được.
Chuyên gia "hiến kế" huy động nghìn tỷ tiền nhàn rỗi trong dân
- Cập nhật : 03/07/2016
(Tai chinh)
Các loại hình kinh doanh vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật và làm bất an xã hội như kinh doanh đa cấp trái phép, cá độ đá bóng, tín dụng đen…đang phát triển ngày càng tinh vi và phức tạp với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tại buổi họp giao ban trực tuyến Chính phủ ngày 1/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua thống kê từ các cơ quan công an một số tỉnh trong thời gian qua, số lượng tiền cá độ được lưu thông trong mùa Euro lên tới 1.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền cá độ này được tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Điện Biên, Quảng Bình...
Bộ trưởng đặt câu hỏi, tại sao lại có lượng tiền lớn như vậy và gây ra hậu quả rất phức tạp, làm xã hội bất an. Bộ trưởng đặt vấn đề, từ số tiền cá độ thống kê cho thấy tiềm lực trong dân rất lớn và Chính phủ cần có biện pháp huy động cho phát triển kinh tế chứ không nên để rơi vào hoạt động cá độ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ ra thực tế là hiện nay, tình trạng kinh doanh đa cấp đang hoành hành tại nhiều địa bàn, đặc biệt là vùng nghèo, vùng sâu vùng xa. Có những người tham gia là cán bộ, hưu trí, tích lũy chỉ được vài chục triệu nhưng cũng tham gia. Bộ trưởng đặt vấn đề làm sao để huy động được cả nguồn vốn này bởi nhiều người không kinh doanh nhưng cũng rất muốn đóng góp nguồn vốn để có lời, song lại chủ yếu là đưa vào tay các tổ chức tội phạm, tín dụng đen. Nếu quản lý tốt vấn đề này thì tội phạm giảm.
Tại sao các loại hình kinh doanh trái luật vẫn đang diễn ra?
Theo chuyên gia, TS. Bùi Quang Tín, nguyên nhân đầu tiên là từ phía người dân. Người Việt từ các lứa tuổi khác nhau, từ nông dân đến các tầng lớp trí thức, từ nhân viên đến giám đốc, trong thời gian qua tham gia nhiều vào hoạt động kinh doanh trái pháp luật như kinh doanh đa cấp, cá độ bóng đá phần lớn là bắt nguồn từ lòng tham, hạn chế về nhận thức, cả sự xuống cấp của đạo đức, thiếu hiểu biết pháp luật…
Rất nhiều tổ chức kinh doanh hàng đa cấp đã bị cơ quan Nhà nước xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhiều tổ chức cá độ đá bóng đã và đang bị cơ quan điều tra vào cuộc mạnh mẽ để xử lý. Sau đó, là sự trắng tay của những người tham gia.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh trái pháp luật này vẫn tiếp diễn khi các người tham gia vẫn còn, điển hình như không ít người vẫn lao vào vòng xoáy “tiền – tiền – tiền” theo kiểu kinh doanh đa cấp “ảo” để rồi sau đó ngập trong nợ nần, lao đao khi không thể rút được chân ra. Những người bán hàng đa cấp đi trước luôn đánh thẳng vào lòng tham của người bán hàng đa cấp đi sau trong các “tầng” mua bán hàng, nhắm trúng vào tâm lý của người dân Việt bởi những người nghèo thì muốn có tiền còn những người giàu thì lại muốn giàu thêm nữa. Lòng tham và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều người dân rơi vào “cạm bẫy”của các tổ chức đa cấp “ma”.
Khi tham gia cá độ đá bóng, đặc biệt là mùa Euro đang diễn ra trong năm nay, những người tham gia đang dần trở nên các “con nghiện”. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cá độ bóng đá có cơ chế tác động lên thần kinh con người giống chất kích thích hoặc chất gây nghiện trong khoảng thời gian dài. Ngược lại, khi thua độ, họ thấy buồn chán, trầm cảm, hoảng loạn, có nét giống “con nghiện” không được thỏa mãn thuốc. Thậm chí, có nhiều trường hợp đã tự tử chỉ vì thua độ bóng đá.
Lý do thứ hai đến từ phía người tổ chức. Theo TS. Tín, hiện nay, từ những người tham gia cho đến tổ chức cá độ đá bóng, đại lý hầu hết đều giao dịch qua mạng Internet, sử dụng tiền ảo, tín chấp để thực hiện giao dịch chứ không thế chấp như trước. Các “nhà cái” sử dụng đường truyền thuê của nước ngoài, máy chủ đặt tại nước ngoài, lại có những chuyên gia công nghệ thông tin rất giỏi, am hiểu pháp luật và các thủ pháp công nghệ thông tin để xóa dấu vết, tránh bị cơ quan chức năng trong nước theo dõi, truy tìm thu thập tài liệu chứng cứ. Các “con bạc” có thể không cần tiếp xúc trực tiếp với đại lý, đi bất kỳ đâu rồi dùng mạng 3G tham gia giao kèo với “nhà cái” hay đại lý.
Sau một thời gian, có kết quả thắng thua, thống kê tiền phải thanh toán thì có thể sử dụng các hình thức chuyển tiền theo hệ thống riêng như chuyển tiền qua nhà xe vận tải hành khách, hàng hóa hoặc trực tiếp trao đổi với các đại lý nên việc bắt giữ, xử lý không hề đơn giản. Ngay cả khi đại lý cấp dưới bị phát hiện, bắt giữ thì đại lý cấp trên “cắt đuôi” bằng cách khóa, sau đó xóa tài khoản liên quan khiến việc truy tìm, xử lý các đối tượng tổ chức cá độ đá banh này ở cấp cao hơn vô cùng khó khăn đối với cơ quan điều tra.
Về kinh doanh đa cấp, mô hình này đã tồn tại và phát triển ở nhiều quốc gia. Riêng ở Việt Nam, mô hình này cũng được pháp luật thừa nhận, nhưng hiện nay lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, hình thức bán hàng đa cấp bất chính xuất hiện rất phổ biến, khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang và nói đến đa cấp là người ta nghĩ ngay đến “lừa đảo”. Với mô hình hình tháp ảo này, lợi nhuận sẽ được tính theo cấp, cấp càng cao, lợi nhuận càng lớn. Những người khởi xướng và phát động hệ thống sẽ nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng những thành viên bên dưới ở đáy tháp. Điều đáng nói là, người dân bình thường như: sinh viên, người hưu trí, nội trợ... dường như không đủ khả năng phân biệt giữa đa cấp lành mạnh và đa cấp lừa đảo, nhưng họ vẫn tham gia ngày càng nhiều.
TS. Bùi Quang Tín nói thêm, hiện nay, các cơ quan chức năng khó có thể dùng luật để xử đa cấp. Trước hết, ngay cả những người sa bẫy đa cấp cũng chưa chắc được gọi là nạn nhân, tại vì họ chủ động quyết định việc đầu tư vào mô hình kinh doanh này và không hề bị ép buộc. Thỏa thuận giữa hai bên được thể hiện rõ trên hợp đồng pháp lý. Vậy khi gặp mạo hiểm, không bên nào có thể kết luận đối tác là lừa đảo, trừ khi có chứng cứ rõ ràng. Những người thua thiệt trong mô hình đa cấp phần lớn đều hiểu, đều biết nhưng vì lòng tham nên phải lãnh hậu quả.
Làm gì để hàng nghìn tỷ đồng ấy chảy vào sản xuất, kinh doanh?
Đầu tiên, theo TS. Bùi Quang Tín là phải từ bản thân ngành ngân hàng. Các sản phẩm, dịch vụ huy động vốn tại các ngân hàng hiện nay tại Việt Nam tương đối tương đồng, chủ yếu là cạnh tranh bằng lãi suất, các loại hình khuyến mãi, vẫn chưa đáp ứng được giá trị gia tăng và nhu cầu ngày càng cao cho khách hàng. Các ngân hàng cũng chưa tạo được cho mình được những thương hiệu riêng về sản phẩm, dịch vụ huy động vốn. Do đó, 1 trong những nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong giai đoạn tới là phát triển thêm nhiều công cụ huy động vốn, đầu tư để thu hút nguồn vốn trong dân ngày càng hiệu quả hơn.
TS. Tín phân tích, để có thể cạnh tranh hút vốn, các ngân hàng liên tục triển khai các chương trình khuyến mại, bên cạnh các mức lãi suất công bố công khai. Tuy nhiên, phương thức cạnh tranh này chỉ phát huy tác dụng trong ngắn hạn và nhiều khi lợi bất cập hại. Khách hàng vẫn có thể “đứng núi này, trông núi nọ” mà rút tiền gửi sang các ngân hàng có chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn, lúc đó ngân hàng sẽ nhận lấy rủi ro thanh khoản.
Hơn nữa, mặc dù các ngân hàng được triển khai chương trình khuyến mại nhưng lãi suất tối đa (được tính bằng lãi suất niêm yết cộng với tỷ lệ phần trăm của tổng chi phí giải thưởng so với tổng nguồn vốn huy động theo chương trình khuyến mại) không được vượt quá lãi suất tối đa do Ngân hàng Nhà nước quy định ở từng thời kỳ cho 1 số kỳ hạn nhất định ( hiện nay là NHNN đưa ra trần lãi suất huy động cho kỳ hạn trên 1 tháng và dưới 6 tháng) nên cũng kém hấp dẫn người gửi tiền.
Trong điều kiện khó khăn nêu trên, để “níu chân” khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách gia tăng tiện ích cho sản phẩm, dịch vụ, xây dựng văn hoá kinh doanh, thay đổi thái độ phục vụ…trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại để đa dạng hóa sản phẩm huy động vốn nhằm ngày càng thu hút vốn trong dân hiệu quả hơn.
Để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân hiện nay, TS. Tín cho rằng còn phải nhắm tới các ngành nghề kinh doanh khác. Hiện nay có rất nhiều kênh để người dân đầu tư mà hoàn toàn hợp pháp với các khẩu vị rủi ro và mục tiêu về lợi nhuận khác nhau, điển hình như đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm hay đầu tư vào sản xuất, thương mại ở 1 lĩnh vực nào đó.
Tuy nhiên, khi đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào, người dân cũng phải luôn lưu ý 3 vấn đề quan trọng hàng đầu là: xác định trước mục tiêu lợi nhuận và khẩu vị rủi ro tương ứng; hiểu biết thật sâu ở lĩnh vực cần đầu tư trước khi “rót” vốn vào; luôn luôn tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cơ quan quản lý cần làm gì?
Về phía ngành ngân hàng, TS. Tín cho rằng cần phải phát triển hơn nữa dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu của việc phát triển hình thức thanh toán này dần dần thay thế cho tiền mặt trong quá trình hạn chế và xử lý các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật là nhằm giúp cho các hoạt động kinh doanh ngày càng minh bạch hơn, cơ quan Nhà nước dễ dàng kiểm soát hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế theo luật định như thu thuế, hỗ trợ kiểm soát hoạt động kinh doanh phạm pháp, điều tra tội phạm…
Mặc dù, thanh toán không dùng tiền mặt đang vẫn đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta, có thể dễ dàng nhận thấy từ việc nhận tiền lương qua tài khoản, thanh toán bằng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước..., phương thức này vẫn chưa được người dân sử dụng chủ yếu trong thanh toán cho các giao dịch.
Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 6/2016, Việt Nam chỉ có 20% người dân có thẻ ngân hàng và 90% sử dụng thanh toán bằng tiền mặt. Hiện trạng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay là vẫn còn tồn tại khá nhiều khi thẻ thanh toán tuy phong phú về dòng sản phẩm nhưng vẫn chưa được phổ cập đến đông đảo đến số đông người dân. Các hình thức ví điện tử, thanh toán qua tài khoản thì mang tính tự phát không đồng bộ, thiếu tiêu chuẩn chung về chất lượng dịch vụ cũng như tính tương thích.
Do đó, trong thời gian tới, để tạo nên được văn hóa thanh toán không dùng tiền mặt thì điều đầu tiên là khách hàng phải tiếp cận được với dịch vụ thanh toán, đồng thời các điểm chấp nhận thanh toán và các dịch vụ có thể thanh toán phải đa dạng, phổ biến. Chính sách của Nhà nước khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt (giảm phí, giảm thuế…) đóng vai trò không kém quan trọng trong việc phổ biến phương thức này.
Về phía pháp luật, TS. Tín cho rằng, các quy định của pháp luật hiện nay về kinh doanh đa cấp, xử lý các các giao dịch cá độ đá bóng hay các giao dich kinh doanh vi phạm pháp luật khác là không thiếu, nhưng những người thực thi và áp dụng pháp luật hiện đang lại không hiểu hay chưa làm đúng hoặc thiếu sự nhạy cảm, tận tâm với nhiệm vụ được giao.
Điển hình như, khi nhìn lại vụ Công ty bán hàng đa cấp Liên Kết Việt vừa qua, nhiều hành vi hoạt động của công ty này vi phạm quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Luật Cạnh tranh. Luật quy định không được trích thưởng quá 40% nhưng thực tế con số này đã được đẩy lên cao hơn rất nhiều đối với các thành viên tham gia Liên Kết Việt. Đặc biệt, trên thực tế, khi một công ty được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp tại Việt Nam thì dường như đang mặc nhiên tự cho mình quyền tự do tổ chức hội thảo/đào tạo bán hàng. Trong khi đó, Luật quy định rõ là công ty kinh doanh đa cấp phải có nghĩa vụ thông báo đến Sở Công thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo đào tạo. Luật quy định nhưng lại không ai giám sát, cơ quan quản lý chỉ quản lý trên diện hồ sơ giấy trắng mực đen.
Do đó, các cơ quan chức năng liên quan phải là những người đầu tiên cảnh báo cho người dân biết đâu là hoạt động lừa đảo, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động hơn và “gần” dân hơn trong các công việc của mình. Hơn nữa, Nhà nước cần mạnh tay truy bắt, khởi tố những tổ chức kinh doanh vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật, vá lại những lỗ hổng trong việc thực thi pháp luật, kéo ngắn giữa quy định và áp dụng pháp luật trên thực tế.