Sử dụng công cụ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, một vấn đề gây quan ngại cho các quốc gia, Việt Nam phải thận trọng
Chiến tranh thương mại: Cần chính sách tỷ giá mềm dẻo, có thể làm mất giá VND 2-3%
- Cập nhật : 11/07/2018
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng nên làm VND mất giá hơn so với USD nhưng không mất giá mạnh bằng NDT.
Chia sẻ quan điểm tại buổi báo tình hình Kinh tế vĩ mô quý II, PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết VEPR thay đổi quan điểm về việc đồng nhân dân tệ (NDT) đang mất giá.
Theo kịch bản trước đây, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi Mỹ áp thuế với nhiều mặt hàng, chính quyền Trung Quốc chủ động phá giá đồng tiền. Nhưng theo kịch bản này, đồng tiền Trung Quốc yếu đi và phải mua vào USD và dự trữ phải tăng nhưng bằng chứng dự trữ của nước này lại giảm.
VEPR nghiêng về kịch bản thứ hai, NDT mất giá do thị trường điều chỉnh. Nhà đầu tư ở Trung Quốc lo ngại cuộc chiến thương mại gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc, sớm muộn đồng NDT cũng mất giá, suy yếu trong tương lai nên rút vốn. Năm trước con số này là 800 tỷ USD rút ra, khi rút, các nhà đầu tư này mua USD nhiều và đồng NDT suy yếu.
“Từ nỗi lo sợ họ thực hiện rút vốn khỏi Trung Quốc và làm đồng NDT suy giảm. Nếu Trung Quốc không muốn nhà đầu tư hoảng loạn phải đẩy USD ra thị trường giúp đồng NDT không giảm quá mạnh. Như vậy Trung Quốc phải giảm dự trữ. Điều này đúng với thực tế quan sát được dù giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chưa nhiều", ông Nguyễn Đức Thành phân tích.
Theo Viện trưởng VEPR, không giống báo chí Trung Quốc cho rằng cuộc chiến thương mại không làm nước này nao núng, thưc tế, chính quyền Trung Quốc có e ngại, trong lòng Trung Quốc có tổn thương.
Đối với Việt Nam, theo ông Thành với việc đồng nhân dân tệ giảm giá và hàng hóa Trung Quốc đang nghẽn lại tại Mỹ, Việt Nam phải chủ động trong việc này. Hàng Trung Quốc sẽ có nguy cơ cạnh tranh với hàng Việt.
Vị chuyên gia chỉ ra, tiền Trung Quốc giảm, tiền Mỹ tăng càng làm hàng hoá rẻ hơn. Nếu như mổ xẻ cơ cấu xuất nhập khẩu, đa số hàng Việt Nam cả tiêu dùng và nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
"Đây là lúc mà nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn, xuất khẩu sang Mỹ có thể vẫn với giá như cũ (nếu tỷ giá vẫn được neo như hiện nay hoặc Việt Nam phá giá đồng tiền). Một mặt nguyên liệu rẻ mà hàng bán ra vẫn giữ giá. Như vậy, trong hỗn loạn chúng ta vẫn có khả năng tìm được cơ hội có lợi", vị chuyên gia phân tích.
Trước diễn biến tiền tệ và xung đột thương mại như vậy, ông Thành cho rằng Việt Nam nên theo đuổi một chính sách tỷ giá mềm dẻo, theo đúng nghĩa linh động ở giữa hai nền kinh tế đang "đôi co".
Việt Nam có thể giảm giá tiền đồng so với USD nhưng không giảm mạnh bằng Nhân dân tệ. Ví dụ, NDT giảm 10%, Việt Nam có thể giảm 5%. Khi đó hàng Trung Quốc giảm đi nhưng không quá rẻ.
Viện trưởng VEPR đề xuất có thể làm mất giá VND trong khoảng 2-3% từ nay đến cuối năm trong bối cảnh NDT tiếp tục suy yếu.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, với tất cả thay đổi như vậy, USD tăng giá nếu Việt nam không thay đổi lãi suất sẽ có sự dịch chuyển từ VND sang USD.
Tuy nhiên nếu Ngân hàng Nhà nước chọn phương án này, rủi ro sẽ đến đối với thị trường tài sản. Khi đó, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm, thị trường bất động sản có thể gặp một cú hích làm đi xuống mạnh hơn.
"Nửa cuối năm có rất nhiều rủi ro về lãi suất và tỷ giá", ông Thành nhận định.
Cũng cho rằng việc đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, tuy nhiên khác quan điểm của VEPR, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Trung Quốc vẫn đang chủ động phá giá đồng tiền. Ông cho rằng Trung Quốc còn nhiều room để phá giá đồng tiền.
Theo NDH.vn