Dẫn chứng cho nhận định “niềm tin trái phiếu chính phủ giảm do rủi ro tăng”, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phục vụ phiên họp Chính phủ tháng 9 cho biết, chỉ số CDS đã tăng lên mức 260 điểm vào cuối quý III so với 200 điểm hồi đầu năm và đây là mức cao nhất kể từ 1/2014. Vậy CDS là gì?
Bàn tay kỹ thuật cho tỷ giá
- Cập nhật : 16/10/2015
(Tai chinh)
Thông tư số 15/2015/TT-NHNN “Hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng” ban hành ngày 2-10-2015 và có hiệu lực ngay từ đầu tuần này đưa ra những quy định mới có tính kỹ thuật về giao dịch ngoại hối của các ngân hàng.
Thông tư số 15/2015/TT-NHNN đưa ra những quy định mới có tính kỹ thuật về giao dịch ngoại hối của các ngân hàng. Ảnh TL
Các quy định mới có mục tiêu rất rõ, hướng tới điều tiết việc mua ngoại tệ trả nợ trước hạn hoặc thanh toán trước hạn của doanh nghiệp. Chẳng hạn khoản thanh toán, khoản vay đến cuối tháng 12-2015 mới phải trả, nhưng do e ngại tỷ giá biến động, không ít doanh nghiệp đã thương lượng với bên cho vay để trả trước, vừa đỡ lo tỷ giá, vừa có thể giảm được phần nào lãi suất vay. Sự e ngại đã lên đến đỉnh điểm khi trong tháng 8 trên địa bàn TPHCM, tiền gửi thanh toán ngoại tệ của doanh nghiệp tăng 9% so với tháng 7 và gấp ba lần cùng kỳ.
Có ý kiến cho rằng việc trả nợ trước hạn sẽ giúp dư nợ ngoại tệ giảm nhanh chóng và tỷ lệ cho vay ngoại tệ trên dư nợ ngoại tệ của hệ thống sẽ được kéo về mức an toàn. Trước đây tỷ lệ trên rất cao, có thời điểm lên tới 100%, nhưng nay đã giảm về 80% theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và có thể sẽ còn giảm tiếp khi vốn huy động ngoại tệ tiếp tục đi lên.
Giờ đây lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp, huy động ngoại tệ tăng, liệu các ngân hàng có giảm lãi suất vay ngoại tệ? Việc giảm có thể xảy ra, nhưng mức giảm khó có thể đủ mạnh để bù đắp biến động tỷ giá trong tương lai. Và nếu thế, các doanh nghiệp sẽ không mặn mà vay ngoại tệ.
Trước đây, người ta vay ngoại tệ để bán lấy tiền đồng kinh doanh, nay họ mua ngoại tệ để trả nợ trước hạn. Sự thay đổi chủ yếu chính là ở chỗ này. Ngoại tệ từ kênh tiết kiệm chảy sang thương mại (mua/bán), giờ quay đầu từ kênh thương mại ngược về tiết kiệm. Ngoại tệ có thể dồn ứ ở ngân hàng mà không lưu chuyển thương mại, sức ép sẽ chuyển sang tiền đồng như một phương tiện thanh toán, giờ phải gánh thêm phần vai trò thanh toán của ngoại tệ. Cầu tiền đồng sẽ tăng và chuyện tất yếu sẽ xảy ra là lãi suất leo thang.
NHNN đang muốn duy trì và giảm hơn chút nữa mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất đầu ra, sẽ không muốn những chuyển động này diễn ra. Các biện pháp hành chính, cho dù can thiệp sâu, đang được áp dụng. Nếu phải áp dụng giao dịch kỳ hạn, thì việc mua ngoại tệ trả trước các khoản vay hay thanh toán sẽ không còn nhiều lợi ích kinh tế. Những doanh nghiệp muốn trả nợ trước hạn buộc phải tính toán lại.
Trên thị trường những nghi ngờ xung quanh sự ổn định giá trị của đồng nội tệ vẫn chưa loãng bớt. Chín tháng qua đồng Việt Nam mất giá khoảng hơn 5,2% so với đô la Mỹ. Những ai gửi tiết kiệm ngoại tệ kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 0,75%/năm cộng với sự trượt giá của tiền đồng hầu như không thiệt thòi so với gửi tiết kiệm tiền đồng cùng thời gian một năm hưởng lãi suất 6-7%/năm.
Để sự dịch chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng xảy ra hoặc người dân giảm mua, bớt tích trữ ngoại tệ như một kênh bảo toàn vốn, lời giải cho bài toán lãi suất cần chi tiết hơn và dài hạn hơn. Khi quyết định giữ ngoại tệ hay tiền đồng, ít người dự kiến cho thời gian dưới ba tháng. Thông thường người ta tính toán cho quãng thời gian từ sáu tháng trở lên. Giả sử tỷ giá ổn định đến giữa năm sau, và gửi tiền đồng chín tháng, người gửi có thể nhận được lãi suất 4% cho kỳ hạn trên (lãi suất khoảng 6%/năm cho kỳ hạn chín tháng). Đó là một món hời chấp nhận được. Tuy nhiên, ai dám đảm bảo tỷ giá sẽ không thay đổi trong vòng chín tháng tới? Ngay cả trong trường hợp tỷ giá ổn định như những năm trước, tức biến động khoảng 2%/năm, mức chênh lệch 2% về lãi suất xem ra không quá hấp dẫn để “gây nghiện” tiền đồng.
Và cũng không nên bỏ qua hiện tượng không phải ngân hàng nào cũng áp dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ như quy định. Có ngân hàng thương lượng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ ở mức 1%/năm cho những khoản gửi từ 50.000 đô la Mỹ trở lên. Trên sổ tiết kiệm lãi suất vẫn ghi 0,25%/năm, phần chênh lệch được trả cho khách hàng bằng tiền mặt dưới nhiều hình thức như bốc thăm trúng thưởng, mua bán vàng...
Với quy định mới của Thông tư 15 vẫn có khả năng lách luật từ phía các ngân hàng thương mại. Từ 1-2 tháng nay, các giao dịch mua bán ngoại tệ giữa ngân hàng và khách hàng thường đi kèm với các sản phẩm dịch vụ khác để tạo ra một giá giao dịch thật linh hoạt. Vì thế sẽ không dễ kiểm soát các giao dịch kỳ hạn. Vả lại bên vay và cho vay hoàn toàn có thể đàm phán để cơ cấu lại khoản nợ như chuyển sang vay tiền đồng. Các biện pháp kỹ thuật, do đó, muốn phát huy hiệu quả, vẫn phải nhìn vào cung cầu thị trường để vận hành.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)