Câu chuyện vay vốn để sản xuất, kinh doanh là mối lo thường trực của không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất hay mỗi cá nhân khi có ý định đầu tư. Tưởng chừng ngân hàng sẽ là điểm đến đầu tiên khi cần vay tiền, thế nhưng ở nhiều nơi hiện nay, người ta tìm đến các nguồn khác để vay vốn hơn là các nhà băng.
Ba mục tiêu và nỗ lực của hệ thống ngân hàng
- Cập nhật : 16/12/2015
(Tai chinh)
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, diễn biến kinh tế vĩ mô nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trước bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó đặt ra 3 mục tiêu và đã nỗ lực thực hiện: Giảm lãi suất cho vay, chấn chỉnh thị trường vàng-ngoại tệ, xử lý nợ xấu…
Lãi suất giảm 40%
Báo cáo trước Quốc hội ngày 16/11/2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có đánh giá tích cực về việc cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam. Năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các TCTD được nâng lên, bảo đảm an toàn hệ thống...”.
Nhớ lại thời điểm 4 năm trước, thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) căng như dây đàn, các NHTM đua nhau tung chiêu khuyến mại, quà tặng, cộng thêm lãi suất để câu kéo khách hàng gửi tiền vào ngân hàng mình. Lãi suất cho doanh nghiệp vay vượt xa 20% và bản thân các ngân hàng có lúc vay mượn của nhau tới 30-40%. Trần lãi suất đặt ra có cũng như không vì niêm yết một đằng, ngân hàng huy động và cho vay một nẻo. Trong khi đó, tình trạng đô la hóa, vàng hóa trở nên nghiêm trọng hơn khi người dân suy giảm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế vĩ mô.
Bằng giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả, mặt bằng lãi suất đã được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011-2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%; cơ cấu chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá cũng được điều hành linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối.
Thời điểm cuối năm 2011 giá vàng thế giới tăng vọt, chạm mức cao kỷ lục-1.917USD một ounce. Thị trường trong nước cũng biến động mạnh, giá tăng-giảm với biên độ hàng triệu đồng chỉ trong một ngày và tạo độ chênh lệch lớn so với thế giới. Sau 2 năm kiên định với các biện pháp chấn chỉnh, thị trường vàng đã ổn định, bước đầu khiến người dân chán vàng, không còn cảnh người người xếp hàng mua vàng cũng như những cơn nóng lạnh bất thường của giá vàng gây ảnh hưởng tới tỷ giá. Thị trường đã từng bước tự điều tiết, từ năm 2014 tới nay đã không còn phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng cung ứng cho thị trường.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như mô hình cho vay liên kết, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản, cà phê…
Tính đến tháng 9-2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 63,38% so với cuối năm 2011. Đến tháng 8-2015, so với cuối năm 2012, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 21%; tín dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 31%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 117%.
Diện mạo mới được thiết lập
Liên quan đến Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, báo cáo của Chính phủ cho biết, đến nay tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các TCTD về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện. Nhờ đó đến nay đã giảm 17 tổ chức và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý.
Tái cơ cấu, xử lý hàng loạt các ngân hàng yếu kém vốn đã gian nan, nhưng hệ thống ngân hàng cũng phải đồng thời lãnh trách nhiệm xử lý nợ xấu. Sau hơn 3 năm, cục máu đông của cả nền kinh tế đã tan dần. Nợ xấu từ mức 17,2% tổng dư nợ vào tháng 9-2012 đã giảm còn 2,93% tổng dư nợ (tính tới cuối tháng 9-2015), tức là quy mô nợ xấu-cục máu đông đã thu nhỏ gần 6 lần.
Nhờ đó, nợ xấu đã được kiểm soát, từ năm 2012 đến tháng 9-2015, đã có 98,09% nợ xấu (tương đương 455,79 nghìn tỷ đồng) được xử lý, trong đó bán nợ xấu cho VAMC chiếm 42% và các biện pháp TCTD tự xử lý chiếm 58%.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, tất cả chúng ta còn nhớ vào đầu nhiệm kỳ này, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tăng cao, tín dụng rủi ro cao khiến cả xã hội lo ngại về hệ lụy của nó đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn có thể tin vào những kết quả đã đạt được.
Kết quả cơ cấu lại các TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh TCTD mà còn tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư. Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, cải cách trong bối cảnh, lạm phát cao ngất ngưởng, kinh tế vĩ mô bất ổn, một số TCTD bên bờ vực của sự đổ vỡ và luôn đối mặt với vấn đề thanh khoản. Và giờ nhìn lại, toàn bộ quá trình tái cơ cấu ngân hàng về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, định hướng, lộ trình được nêu tại Đề án 254.
GS, TS Nguyễn Văn Nam, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học trọng điểm cấp Nhà nước KX01/11-15 cho biết, trong 5 năm qua, NHNN vừa phải thực hiện tốt chức năng của ngân hàng Trung ương, vừa phải chủ trì thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống để bảo đảm sự hồi phục và phát triển an toàn, ổn định sau khi những bất ổn tích tụ từ lâu bắt đầu phát tác mạnh. Với sự kết hợp hài hòa giữa khoa học và thực tiễn, nhiều vấn đề nổi cộm của ngành ngân hàng đã tích tụ từ nhiều năm trước tưởng chừng khó có thể xử lý được, song đã được NHNN giải quyết thành công như vấn đề quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, sở hữu chéo, ổn định tỷ giá. “Điều đặc biệt là những vấn đề này lại được NHNN xử lý hiệu quả trong điều kiện phải thực hiện đa mục tiêu trong điều hành chính sách, song hạn chế về nguồn lực tài chính khi không được sử dụng nguồn ngân sách cũng như phải tuân thủ các ràng buộc cân đối vĩ mô khác”, GS, TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đến thời điểm này thì chúng ta có thể vững tâm và hơn 90 triệu cử tri cũng có thể vững tâm về một hệ thống ngân hàng đã an toàn hơn. Nói rộng ra là hệ thống tiền tệ của chúng ta đã được bảo đảm. Và đúng như nhận định của Chính phủ thì an ninh tiền tệ của chúng ta đã được bảo đảm, giữ vững.