Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống...
7 chiến thuật nhà đầu tư phải biết để thắng lợi trong năm 2016
- Cập nhật : 22/02/2016
(Tai chinh)
Giá dầu lao dốc, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu... là những "cơn gió ngược" khiến bức tranh kinh tế vĩ mô 2016 trở nên u ám. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn có thể kiếm tiền nếu đọc và làm theo 7 chiến thuật dưới đây.
Sau khởi đầu đầy khó khăn trong tháng một, dưới đây là điều các nhà đầu tư cần biết để đương đầu với những thách thức trong phần còn lại của năm 2016
1. Sự lao dốc của giá dầu
Sự lao dốc của giá dầu đã thổi bùng lên các nỗi lo về suy thoái toàn cầu, gây ra áp lực tài chính cho các nước sản xuất dầu và nguy cơ vỡ nợ của nhiều công ty sản xuất dầu ở Mỹ.
Khi giá cổ phiếu năng lượng đang giảm mạnh, giờ có phải là lúc mua vào? Eddie Perkin, giám đốc đầu tư chứng khoán của Eaton Vance Investment Management tin rằng những cổ phiếu này đang được định giá ở mức nên mua vào mà không cần biết giá dầu sẽ đi về đâu sau này. Nếu nhà đầu tư muốn mua vào, chiến lược phù hợp sẽ là “trung bình hóa chi phí đầu tư” tức là mua với số lượng vừa phải ở các khoảng thời gian cách đều nhau mà không cần quan tâm đến giá. Điều này sẽ giúp giảm rủi ro mua nhầm thời điểm.
Nhưng Richard Bernstein, nguyên trưởng bộ phận chiến lược đầu tư ở Merrill Lynch & Co khuyến cáo nhà đầu tư không nên vội mua vào. Khi thị trường chạm đáy chu kỳ, giai đoạn này có thể kéo dài rất lâu. Nhà đầu tư cá nhân thường được lợi nhiều hơn nếu mua vào chậm thay vì mua vào sớm.
2. Tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc
Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, tác động trực tiếp của Trung Quốc lên chứng khoán Mỹ là khiêm tốn: các công ty thuộc S&P 500 có ít hơn 8% doanh thu từ toàn bộ Châu Á. Nhận định trên được đưa ra bởi bộ phận Thông tin Thị trường Toàn cầu của S&P và SNL, chi nhánh của McGraw Hill Financial.
Tuy nhiên, vì tin tức về Trung Quốc có thể gây ra những chấn động lớn trên thị trường, khó mà tìm thấy cổ phiếu nào hoàn toàn không bị ảnh hưởng, Omar Aguilar, giám đốc tài chính phụ trách chứng khoán ở Charles Schwab Investment Management cho biết. Nhưng về cơ bản, tác động sẽ nhỏ hơn đối với cổ phiếu của các công ty vừa và nhỏ do chúng tập trung vào thị trường nội địa hơn là các tập đoàn đa quốc gia lớn có hiện diện ở Châu Á.
3. Làn sóng lợi nhuận doanh nghiệp giảm
Khi mà thị trường đang bị cuốn vào Trung Quốc và giá dầu, không rõ là báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp có ảnh hưởng như bình thường không, Sam Stovall, chuyên gia về chiến lược chứng khoán ở bộ phận Thông tin Thị trường Toàn cầu của S&P và SNL cho biết. Nhưng nếu nhà đầu tư để ý, họ sẽ thấy tin tức không khả quan cho lắm.
Lợi nhuận trong quý bốn của năm 2015 đang được công bố, và có thể giảm trung bình 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dẫn đầu là ngành năng lượng với lợi nhuận giảm 60%. Bên cạnh sự sụp đổ của cổ phiếu năng lượng, một lực cản lớn là việc đồng USD tăng giá, làm hàng hóa của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên thị trường nước ngoài.
Nhưng nhà đầu tư đừng vội bán tháo cổ phiếu chỉ vì lợi nhuận doanh nghiệp trong quý vừa qua giảm. Vì động cơ chính thúc đẩy sự sụt giảm trên là do giá cổ phiếu năng lượng giảm. Nếu giá dầu vẫn giữ nguyên trong năm nay, đến lúc đấy bán vẫn chưa muộn. Lợi nhuận trong quý bốn năm 2016 thực sự có khả năng tăng trưởng ở mức hai con số.
4. Tâm lý bất ổn của thị trường
Sẽ rất dễ hoảng loạn nếu nắm giữ cổ phiếu khi thị trường đang chao đảo. Sự sợ hãi thường khiến con người đưa ra những quyết định sai lầm. William Barker, quản lý quỹ của Motley Fool Funds cho rằng nếu nhà đầu tư không thể nắm giữ cổ phiếu trong 5 năm thì không nên mua chúng,
Nhà đầu tư nào muốn một chiến lược chắc chắn hơn có thể cân nhắc mua cổ phiếu blue-chip, đặc biệt là của những công ty trả cổ tức hàng năm, dẫn đầu trong lĩnh vực của mình hoặc có nền tảng tài chính vững chắc. Những cổ phiếu này thường ít biến động hơn.
5. Các xu hướng kinh tế vĩ mô dài hạn
Bên cạnh việc phản ứng với tin tức hàng ngày, chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi các xu hướng dài hạn, Jack Rivkin, tổng giám đốc của Altegris Investments và nguyên là trưởng bộ phận chứng khoán toàn cầu của Lehman Brothers cho biết. Trong các xu hướng, nổi bật nhất là việc chuyển đổi sang nền kinh tế tập trung vào dịch vụ. Rivkin khuyên nhà đầu tư nên tìm kiếm tăng trưởng ở các lĩnh vực như nhà hàng và khách sạn, điện toán đám mây, giáo dục và tài chính.
Bernstein, một chuyên gia tư vấn ở New York chỉ ra rằng tiêu dùng là một lĩnh vực thế mạnh của kinh tế Mỹ. Hai quỹ ETF danh tiếng chuyên đầu tư vào dòng cổ phiếu ít biến động gần đây đã dành 1/4 danh mục để đầu tư cho lĩnh vực tiêu dùng.
6. Bầu cử tổng thống Mỹ
Nhà đầu tư ghét sự bất an. Và vì sự bất an thường gia tăng mỗi khi Mỹ chuẩn bị bầu một tổng thống mới, chứng khoán thường có một năm đi xuống. Kể từ Thế chiến thứ hai, chứng khoán đã giảm trung bình 1,4% trong năm thứ 8 của các nhiệm kỳ tổng thống.
Nhưng nhà đầu tư nào giữ vững niềm tin có thể gặt hái thành quả về sau. Trong năm đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ tổng thống mới, chứng khoán tăng trung bình 6,2%. Sự gia tăng này thậm chí còn cao hơn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, đạt gần 10%.
Liệu những xu hướng này có đúng cho năm nay và năm tới? Các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định vì danh sách các ứng cử viên vẫn chưa ngã ngũ và kết quả thăm dò dư luận thì đang dao động mạnh.
7. Fed và lãi suất
Trong ba năm qua, những đồn đoán về việc Fed sắp tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-09 thường làm thị trường đứng ngồi không yên. Nhưng sau khi Fed cuối cùng cũng tăng lãi suất ngắn hạn ở mức khiêm tốn là 0,25% vào tháng 12 năm ngoái, có vẻ như cơ quan này sẽ không tăng lãi suất nhiều hơn một lần trong năm 2016, Rick Rieder, giám đốc quỹ trái phiếu ở BlackRock cho biết.
Những quan ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ cũng được xua tan vì tăng trưởng kinh tế Mỹ đang giảm tốc và chứng khoán sụt giảm do nhiều nguyên do.
Nếu Fed dần tăng lãi suất kể từ bây giờ, chứng khoán sẽ đi lên vì điều này sẽ chặn đà tăng giá của USD và có lợi cho xuất khẩu của Mỹ. Nếu giá USD hạ, áp lực lên các lĩnh vực như sản xuất sẽ được tháo gỡ. Ngược lại, nếu giá USD tăng, áp lực lên giá dầu sẽ tăng theo và khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với chứng khoán nữa.