Ứng phó cú sốc nhân dân tệ
(Tai chinh)
Những ngày tới, không loại trừ đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá nữa, Việt Nam phải làm gì để giảm thiểu tác động?
Vì sao Trung Quốc chọn giải pháp phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) như vừa qua, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Do nước này muốn hỗ trợ xuất khẩu khi nền kinh tế tăng trưởng chậm. Để thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc không còn cách nào hơn là đẩy mạnh xuất khẩu vì quốc gia này là công xưởng của thế giới. Giá hàng hóa nước này sẽ rẻ hơn khi NDT giảm giá và sẽ tràn ra khắp thế giới.
Sẽ còn phá giá thêm?
Một yếu tố khác là Trung Quốc dường như muốn “xoay trục” tiền tệ bởi trong một thập kỷ qua, nước này luôn đeo đuổi chính sách đồng tiền mạnh, neo giữ tỉ giá đồng NDT ở mức thấp dù USD, euro biến động lớn nhằm tạo niềm tin cho dân chúng và thu hút đầu tư nước ngoài.
“Chính sách cũ đã không còn hiệu quả, tỉ giá đồng NDT ngày càng cách xa tỉ giá thế giới nên xuất khẩu nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Việc phá giá đồng tiền có thể giúp Trung Quốc tiếp cận gần hơn với tỉ giá thế giới và trong tương lai không xa nhân dân tệ sẽ được thả nổi” - TS Hiếu nói.
Về khả năng đồng NDT có thể giảm thêm, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cam kết không phá giá thêm NDT sau khi đồng tiền này giảm 4,6% chỉ trong 3 ngày nhưng cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không dừng lại bởi cam kết của họ chẳng bị ai ràng buộc và điều này đã từng có tiền lệ.
Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam đã nới biên độ tỉ giá lên +/- 2%, được xem là phản ứng kịp thời. Tuy vậy, mức này chưa đủ liều lượng trong bối cảnh nhập siêu với Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã gần 20 tỉ USD. Ngược lại, giảm giá VNĐ sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế vĩ mô, niềm tin của dân chúng, tình hình lạm phát và nợ nước ngoài... “Nhưng nếu tiếp tục chính sách tỉ giá mạnh (tỉ giá USD/VNĐ mạnh hơn so với tỉ giá thực của nó) cũng không ổn vì chúng ta luôn bị động, lại ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Do đó, NH Nhà nước sẽ phải cân nhắc, xem xét việc điều chỉnh tỉ giá trong thời gian tới nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT. Đây là bài toán rất khó và nhạy cảm” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Giảm giá VNĐ: Dao 2 lưỡi
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh cho rằng không nên quá hốt hoảng trước động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc, kéo theo hàng hóa giá rẻ từ nước này tràn vào Việt Nam, làm tăng nhập siêu. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, 90% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phải nhập khẩu do không có ngành công nghiệp phụ trợ. Cho nên, nếu không nhập từ Trung Quốc thì vẫn phải nhập từ nước khác để tiếp tục sản xuất.
Theo tính toán, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đến 60% là nguyên vật liệu, trên 30% cho máy móc thiết bị và chỉ gần 10% cho tiêu dùng cuối cùng. Như vậy, việc giá thành nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn sẽ có lợi cho Việt Nam. “Trung Quốc phá giá đồng tiền không nhằm vào nước nào mà thực chất là chữa “lửa gần”. Nhưng biện pháp này thực chất là con dao 2 lưỡi, nhất là với các khoản nợ và các khoản cho vay. Do đó, đối với Việt Nam, giảm giá đồng tiền phải đi kèm với những cải cách về thể chế và cấu trúc kinh tế. Nếu không, nó sẽ quay ngược lại và tác động tiêu cực tới nền kinh tế” - TS Bùi Trinh khuyến cáo.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng với biên độ tỉ giá được NH Nhà nước nới lên +/- 2%, thị trường có thể dao động nhất định trong vài ngày rồi sau đó sẽ ổn định. Hy vọng sẽ duy trì biên độ tỉ giá từ nay đến cuối năm nhưng cần theo dõi động thái của Mỹ và các ngân hàng trung ương khác trước việc giảm giá đồng NDT.
Về áp lực tỉ giá từ nay đến cuối năm, ông Nghĩa cho rằng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Đông Nam Á, sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, nhất là nhập siêu với thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên.
Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia:
Đừng chạy theo Trung Quốc
Từ ngày 11-8 đến nay, Trung Quốc đã điều hành tỉ giá linh hoạt theo hướng cung cầu và phá giá NDT 4,6% nhưng sau đó đã can thiệp và NDT tăng giá trở lại, 1 USD hiện đổi được 6,4 NDT. Vì thế, từ nay đến cuối năm 2015, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá NDT nhưng không mạnh. Việc phá giá NDT sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, tạo áp lực cạnh tranh hàng hóa lên các quốc gia khác. Do đó, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ nhằm nâng cao thể trạng nền kinh tế, giảm bớt độ mở kinh tế đang ở mức 160% GDP nhằm tránh những chao đảo từ diễn biến trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, do nhập khẩu của Việt Nam lên tới 80% GDP nên khi giảm giá VNĐ thì sẽ thiệt hại về nhập khẩu. Vì vậy, việc điều hành tỉ giá tại Việt Nam không theo mức độ Trung Quốc phá giá NDT mà cần tham khảo mặt bằng chung của thị trường trong và ngoài nước. Cầu ngoại tệ tại Việt Nam có tăng mạnh vào cuối năm 2015? Tuy nhập siêu đã lên tới 3,4 tỉ USD nhưng do cán cân thanh toán tổng thể vẫn thặng dư, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đủ lớn để ổn định thị trường, hỗ trợ hoạt động nhập khẩu nên từ nay đến cuối năm, thị trường tiền tệ nước ta rất khó có những biến động lớn. Nếu thị trường biến động bất ngờ, NH Nhà nước vẫn có thể điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng, mở thêm biên độ nếu thấy cần thiết. Còn nếu thị trường không có biến động thì tỉ giá nên được giữ nguyên như hiện nay.
T.Thơ ghi
Tỉ giá sẽ ra sao?
Thực tế cho thấy khi tỉ giá NDT/USD giảm giá mạnh, NH Nhà nước đã có phản ứng bằng cách nới rộng biên độ tỉ giá từ +/- 1% lên +/- 2%. Tuy hiện tại NDT đã chững lại song giá trị NDT là vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với dự trữ ngoại hối lên tới 3.500 tỉ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu cực lớn. Vì thế, mọi diễn biến của NDT sẽ tác động nhất định đến tỉ giá tại Việt Nam.
Nhiều dự báo về kịch bản của NDT nhưng có một kịch bản mà có thể nhiều người sẽ đồng thuận là Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế tỉ giá mới song sẽ mềm mại hơn theo hướng phản ánh thị trường có sự hậu thuẫn của nhà nước. Vì, khi NDT giảm giá quá sâu, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ mạt. Mỹ và các quốc gia châu Âu sẽ khó chịu. Nhiều quốc gia khác sẽ cho rằng Trung Quốc đang châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ nhằm chiếm lĩnh thị trường hàng hóa toàn cầu.
Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Ngoại hối - NH Nhà nước, do tiềm lực kinh tế mạnh nên NH trung ương Trung Quốc vừa can thiệp để NDT tăng giá. Đây là một trong những nhân tố thuận chiều cho chính sách điều hành tỉ giá của Việt Nam. Số liệu của NH Nhà nước cho thấy từ ngày 11-8 đến sáng 13-8, tỉ giá NDT/USD tăng nhưng mức tăng chậm dần và đến chiều 13-8, NDT phục hồi nhẹ: tỉ giá NDT/USD giao dịch đóng cửa giảm khoảng 0,03% so với mức công bố đầu ngày.
Một vấn đề khác hết sức ý nghĩa là sau 9 năm rơi vào khủng khoảng kinh tế, Mỹ đã áp dụng lãi suất USD thấp gần bằng 0 cùng với các gói hỗ trợ định lượng đã vực dậy nền kinh tế cường quốc này. Đến nay, tuy kinh tế Mỹ còn khó khăn nhưng so với thế giới, kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, duy trì hình ảnh ấn tượng của một quốc gia có nền kinh tế hàng đầu. “Hiện nay tại Mỹ, các chỉ số tạo việc làm rất tốt, lạm phát chỉ 2%. Đây là 2 nhân tố chính giúp cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể xem xét tăng lãi suất lên vào trung tuần tháng 9-2015 hay không?” - ông Trương Văn Phước nói.
Tuy vậy, giới phân tích đang có 2 luồng quan điểm trái chiều về việc Mỹ tăng lãi suất: Một số chuyên gia kinh tế cho rằng Mỹ sẽ nâng lãi suất vì các chỉ số kinh tế của Mỹ đã tốt lên, đặc biệt là các chỉ số vĩ mô sẽ được công bố vào cuối tháng 8-2015. Tuy nhiên, không ít người cho rằng sau khi NDT bị Trung Quốc phá giá mạnh, Mỹ hết sức cẩn trọng với việc tăng lãi suất.
Bàn luận về xu hướng lãi suất USD, ông Trương Văn Phước cho rằng dù Mỹ có tăng lãi suất nhưng trong bối cảnh hiện tại, Mỹ sẽ có những bước đi thăm dò. Do đó, khả năng Mỹ tăng lãi suất USD có thể không lớn, dự kiến lãi suất tăng lên 0,25%-0,5%. Nếu điều này xảy ra thì sẽ tác động đến thị trường tài chính quốc tế. Tác động của lãi suất USD mang tính trung và dài hạn nhiều hơn. Riêng năm 2015, thị trường quốc tế đã có phản ứng với lãi suất USD được biểu hiện qua việc đồng tiền này tăng giá so với một số đồng tiền khác. Do đó, Mỹ tăng lãi suất là một sức ép nhưng không quá lớn đối với VNĐ.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2015, Việt Nam nhập siêu không quá 8 tỉ USD (5% tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 160 tỉ USD). Tuy nhập siêu nhưng lãnh đạo một số NH cho biết có thể bù đắp được từ nguồn kiều hối dự kiến là 14 tỉ USD và thặng dư cán cân vãng lai. Đặc biệt, trong bối cảnh nhà đầu tư tại Trung Quốc rút vốn thì tại Việt Nam là một trong những điểm đến của dòng vốn này.
Dưới góc nhìn vĩ mô, một số chuyên gia kinh tế nhận định: Năm 2015, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam sẽ thặng dư 5-7 tỉ USD và sẽ giúp cho VNĐ giảm áp lực giảm giá thêm. Cũng theo ông Trương Văn Phước, 10 năm qua, VNĐ mất giá khoảng 40%, bình quân 4%/năm. Do đó, VNĐ tăng hay giảm giá cần được xem xét trong khoảng thời gian dài hơn là soi rọi trong 1-2 năm. Điều này đòi hỏi NH Nhà nước phải cân nhắc thận trọng khi giảm giá VNĐ, nhất là trong hơn 7 tháng đầu năm 2015, tiền đồng đã mất giá gần 4%. “Nói vậy chứ chúng ta phải hết sức linh hoạt vì nếu FED tăng lãi suất USD nhiều hơn dự báo, Trung Quốc tiếp tục phá giá thêm NDT kéo nhiều đồng tiền khác suy yếu thì khi đó, việc nới biên độ tỉ giá cần được xem xét bên cạnh việc điều chỉnh tỉ giá bình quân liên NH nhưng tôi tin rằng việc ổn định tỉ giá từ nay đến cuối năm là rất lớn” - ông Phước nói.
Thy Thơ