Phá giá Nhân dân tệ và nguy cơ tràn ngập hàng Trung Quốc
(Tin phap luat)
Hàng Trung Quốc đã có ưu thế giá rẻ, nay với việc phá giá đồng tiền, hàng hóa của họ sẽ càng rẻ thêm..
Việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam luôn nhập siêu lớn từ quốc gia láng giềng này.
Bất lợi mọi bề
Ngày 13/8, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ thêm 1,1% nữa. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá tới 4,64%.
Công ty chứng khoán HSC ước tính, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có thể tăng thêm 0,6-0,8% nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá 1% so với đồng VND. Với việc đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh thì sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với Trung Quốc bị giảm khá nhiều.
“Việt Nam cần phải có nỗ lực để ứng phó việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, bằng việc kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, thay đổi chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước để thu hẹp khoảng cách xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc”, ông Lê Đăng Doanh, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói.
Theo PGS.TS Phạm Quốc Thái, Viện Kinh tế chính trị thế giới, hàng Trung Quốc đã có ưu thế giá rẻ, nay với việc phá giá đồng tiền, hàng hóa của họ sẽ càng rẻ thêm. Nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam là hiện hữu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, hàng Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam là điều không thể tránh được. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc vừa nhập chính thức, lại vừa buôn lậu khiến Việt Nam bất lợi mọi bề.
“Không nên chủ quan trước việc hàng Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Trương Văn Phước có cùng quan điểm.
Lo hàng nông sản
Về xuất khẩu, nhóm ngành gặp bất lợi nhiều nhất khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản.
Trung Quốc đang là thị trường chính tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản Việt với 85% sắn xuất khẩu vào Trung Quốc, gạo xuất khẩu vào thị trường này là 35% và cao su là 40%...
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Trương Đình Hòe lo lắng, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản của doanh nghiệp Việt, khi các nước xuất khẩu thủy sản khác cũng sẽ giảm giá đồng tiền để cạnh tranh.
Tình hình tương tự với các mặt hàng gạo, cà phê và cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian tới có thể giảm mạnh vì đồng Nhân dân tệ yếu, đồng thời gạo Việt Nam càng trở nên kém cạnh tranh so với các nước khác như Thái Lan, Indonesia... là những thị trường cạnh tranh trực tiếp.
Nhất là khi tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang kém vui so với năm ngoái. Cụ thể, mặc dù Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 với 38,1% thị phần, nhưng xuất khẩu gạo sang thị trường này có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 9,04% về khối lượng và giảm 13,25% về giá trị).
Với những hợp đồng thanh toán bằng USD, doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải tăng thêm khoảng 2% để chi trả cho một đơn hàng với giá như trước đây.
Các mặt hàng cà phê hòa tan, cà phê rang xay xuất khẩu sang thị trường này sẽ trở nên đắt đỏ hơn, và doanh nghiệp nhập khẩu có thể sẽ giảm giá mua, là áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt...