Phá giá đồng nhân dân tệ: Sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam sẽ “lặng”?
(Tien te)
Làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia từ Trung Quốc vào ASEAN, trong đó có Việt Nam có thể sẽ “lặng” do tác động của việc đồng NDT giảm giá.
Là một trong những thị trường nhập khẩu chính nguyên phụ liệu, nên khi đồng NDT phá giá mạnh, các DN ngành dệt may, da giày gặp nhiều thuận lợi để giảm chi phí giá thành sản xuất do giá nguyên phụ liệu giảm.
Tuy nhiên, lo nhiều hơn vui là tâm trạng chung của đại diện các ngànhdệt may và da giày khi trao đổi với chúng tôi. Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước mắt các DN xuất khẩu có thể được hưởng lợi, khi mua được nguồn nguyên phụ liệu giá rẻ.
Vốn chảy vào nơi có lợi thế
Song về lâu dài, nếu chi phí mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc giảm mạnh, đây có thể là rào cản thu hút đầu tư. Điều này có thể ảnh hưởng đến chủ trương lớn của ngành là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc thu hút đầu tư nguyên phụ liệu.
Cùng nỗi lo trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, cũng cho rằng trong điều kiện ngành đang chuyển hướng chiến lược phát triển sản phẩm chất lượng cao, nên yêu cầu phải có nguồn nguyên liệu cao cấp.
Do đó, việc thu hút đầu tư phát triển nguyên phụ liệu có ý nghĩa rất lớn để ngành tạo thêm giá trị gia tăng trên chính sân nhà, giúp DN có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Rõ ràng nguyên liệu bên Trung Quốc rẻ như vậy thì nhà đầu tư sẽ tính đến bài toán kinh tế là sử dụng luôn nguồn nguyên liệu ở nước này. Trung Quốc cũng có lợi thế xuất khẩu vào các thị trường, với giá rẻ hơn và sức cạnh tranh hàng Trung Quốc sẽ tốt hơn”, bà Xuân đánh giá.
Nhìn rộng ra xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT cũng có thể khiến các nhà đầu tư phải “cân đo” lại bài toán chuyển dịch này.
Phân tích kỹ hơn, ông Toàn cho rằng khi đồng NDT giảm giá, các nhà đầu tư tại nước này sẽ được lợi khi chi phí giảm, như chi phí nhân công, nguyên vật liệu, giá dịch vụ, logistics, thuế và phí…
Đặc biệt với các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc, thì đây còn là lợi thế “kép” khi DN không những giảm chi phí đầu tư, sản xuất, mà hàng hóa bán ra cũng có lợi thế cạnh tranh hơn.
Đầu tư của Trung Quốc sẽ “lên ngôi”?
Trong khi đó, một loạt các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… cũng giảm giá đồng nội tệ. Do đó, vị chuyên gia trên cho rằng các nước này sẽ có nhiều lợi thế hơn Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch vào ASEAN.
“Việc các nước trong khu vực giảm mạnh đồng tiền nội tệ, cũng có hiệu ứng như Trung Quốc. Những lợi thế cạnh tranh xuất khẩu, thu hút FDI cũng tăng lên khi các chi phí đều giảm và làm cho thu hút đầu tư tăng lên. Đây sẽ là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong cuộc đua hút vốn ngoại”, ông Toàn nhận định.
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ phải tính toán lại bài toán đầu tư sau một loạt những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Theo đó, Việt Nam đang được đánh giá là bị mất lợi thế trong thu hút dòng vốn chuyển dịch vào ASEAN.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng rất có thể dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc rất có thể sẽ gia tăng nhiều hơn tại Việt Nam. Cũng bởi, các DN Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế xuất khẩu giá rẻ để giảm chi phí đầu tư và chuyển dịch dòng vốn sang Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng là phù hợp, khi mà Việt Nam đang đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại. Đây sẽ vẫn là lợi thế mà các nhà đầu tư muốn tận dụng để gia tăng lợi thế.
Theo đó, cùng với xu hướng gia tăng đầu tư, thì việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Trung Quốc để phục vụ cho đầu tư có thể cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới theo nhận định của các chuyên gia.
(Theo CafeF)