tin kinh te

Nhân dân tệ và tham vọng của Trung Quốc

(Tin kinh te)

Trung Quốc đang nỗ lực đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền mạnh trên thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cách đây vài tháng, theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thế nhưng, trớ trêu thay, nhân dân tệ (NDT) vẫn chưa nằm trong rổ tiền tệ quốc tế. Như vậy, NDT vẫn nằm ở “chiếu dưới”. Đây quả thực là một “trái đắng” cho Bắc Kinh, bởi từ khi kinh tế trỗi dậy, Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực cho hành trình đưa NDT lên nhóm “chiếu trên”.
nhan dan te va tham vong cua trung quoc

Nhân dân tệ và tham vọng của Trung Quốc

Cuộc “vạn lý trường chinh” thông qua Hồng Kông
 
Theo tài liệu của Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông, từ năm 2003, Bắc Kinh đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa NDT. Theo một nguyên tắc cơ bản, nước nào muốn quốc tế hóa nội tệ thì tất nhiên phải làm sao thúc đẩy tiền tệ nước mình được giao thương rộng rãi trên thế giới, càng phổ biến thì vị thế càng lớn. Và Trung Quốc đã thực sự tiến hành cuộc “vạn lý trường chinh” với nhiều biện pháp khác nhau.

Đầu tiên là phát hành trái phiếu bằng NDT ra quốc tế. Tất nhiên, Bắc Kinh không bỏ qua “cửa ngõ” Hồng Kông vốn dĩ là một nền kinh tế tự do, có thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng của châu Á. 

Chính vì thế, năm 2007, Hồng Kông trở thành nơi Bắc Kinh phát hành trái phiếu quốc tế NDT đầu tiên. Lần phát hành này lên đến gần 660 triệu USD, được thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh dần mở rộng khi cho phép các định chế tài chính Hồng Kông thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế NDT. 

Việc thanh toán bằng NDT cũng tăng nhanh tại Hồng Kông, với mức tăng trưởng trung bình lên đến 60% mỗi năm. Nếu thanh toán bằng NDT tại Hồng Kông đạt chưa đến 1.000 tỉ NDT năm 2010 thì đến năm 2014 là 6.300 tỉ NDT. Kèm theo đó, Trung Quốc mở rộng cho phép nhiều địa phương dùng NDT để giao dịch khi xuất nhập khẩu. Ví dụ từ năm 2008, tỉnh Vân Nam được thanh toán bằng NDT với các nước Đông Nam Á.

Không chỉ thông qua cấp địa phương, Trung Quốc còn bắt đầu tiến hành ký kết nhiều thỏa thuận thanh toán tiền tệ trực tiếp với nhiều nước. Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc đã đạt thỏa thuận như thế với nhiều nước như: Nga, Hàn Quốc, Nhật, New Zealand, Malaysia, Indonesia, Belarus, Argentina, Iceland, Singapore...
Bên cạnh đó, năm 2011, Hồng Kông lại tiếp tục khẳng định vai trò cửa ngõ khi trở thành nơi Trung Quốc thí điểm cho phép các quỹ đầu tư bằng NDT được hình thành để đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc đại lục. Đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài cũng dần được phát hành trái phiếu bằng NDT.
Về mặt vận động hành lang, năm 2009, Bắc Kinh đã thành công trong việc đưa ông Chu Dân, từng giữ chức Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, vào vị trí Phó tổng giám đốc IMF. Bên cạnh đó, Trung Quốc cùng các thành viên còn lại trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) hình thành nên Ngân hàng Phát triển Mới để cạnh tranh với IMF.
 
Nửa nạc nửa mỡ

Thế nhưng, dù một mặt đẩy mạnh giao thương NDT trên thị trường quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn muốn giữ NDT ở mức giá thấp để đảm bảo phát triển kinh tế, vốn lệ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu. 

Từ trước năm 2010, vấn đề tỷ giá NDT trở thành một trong những “đá tảng” trong quan hệ Mỹ - Trung, bởi Washington luôn yêu cầu Bắc Kinh phải thả nổi NDT theo thị trường. Mỹ cho rằng đó là giải pháp để đồng NDT được định giá đúng, tức sẽ cao hơn tỷ giá mà Trung Quốc đang giữ cố định. Có như thế, cán cân thương mại hai bên mới được giải quyết, khi Washington liên tục nằm trong thế nhập siêu với Trung Quốc.

Không riêng gì Mỹ, mà ngay cả một số nước châu Âu cũng nhiều lần lên tiếng tình trạng NDT bị định giá thấp. Việc định giá thấp NDT bị cho là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cũng chính vì thế, NDT chưa đủ tiêu chuẩn nằm trong rổ tiền tệ quốc tế. 

Đáp lại, trong suốt nhiều năm qua, mỗi khi tranh cãi lên đến căng thẳng thì Bắc Kinh mới nhấn nhá, xuống nước để mở rộng biên độ giao dịch và để NDT tăng giá chút ít nhằm xoa dịu các bên. Điển hình như giữa năm 2010, sau gần 2 năm bị Mỹ chỉ trích quyết liệt, thì Trung Quốc mới hứa cải cách tỷ giá NDT, và tăng chút ít. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8 này, việc Bắc Kinh phá giá NDT khiến tỷ giá tiền tệ này gần như chẳng thay đổi gì đáng kể trong suốt nhiều năm qua.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Áp lực kinh doanh vì đồng nhân dân tệ

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ "làm lợi" cho Việt Nam?

CIEM: Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ

Mới cập nhật

Đầu tư an toàn và hiệu quả từ sản phẩm Lộc Vàng của TIKLUY

Cách chọn định dạng CV phù hợp với nhu cầu của bạn

Cách viết thư xin việc ấn tượng cho người chưa có kinh nghiệm

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ