Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ?
(The gioi)
Trung Quốc đang gặp phải rất nhiều vật cản như nguy cơ giảm phát hay tình trạng sản xuất dư thừa và cả khối nợ khổng lồ đe dọa đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Có lẽ Thống đốc NHTW Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên vẫn chưa xong việc.
Kể cả sau khi đã cắt giảm lãi suất lần thứ 5 trong vòng 9 tháng và mạnh tay bơm thanh khoản vào các ngân hàng, PBOC vẫn đang đứng trước rất nhiều áp lực. Ông Chu buộc phải tìm mọi cách để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1996.
Theo Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC, Trung Quốc cần “ngắt cầu dao” để xua đi sự bi quan quá mức và khôi phục lại niềm tin của thị trường. Trong vài tuần và thậm chí vài tháng tới, nước này cần đến những biện pháp hỗ trợ mạnh hơn nữa.
Phiên hôm qua (25/8), chứng khoán thế giới hồi phục sau khi NHTW Trung Quốc giảm 0,25% đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (xuống còn 4,6%) và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5%. Chốt phiên, chứng khoán Mỹ giảm 1,4% nhưng trước đó đã có lúc tăng 2,9%.
Động thái của PBOC được đưa ra 2 tuần sau khi phá giá nhân dân tệ và đã nhận được phản ứng tích cực từ giới phân tích. “Đây là một bước đi tích cực vì sẽ giúp nhà đầu tư bớt lo lắng về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, Tim Condon, chuyên gia đến từ ING Groep (Singapore), nhận định. “Điều này sẽ giúp hạn chế khủng hoảng lây lan trên thị trường toàn cầu”.
Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ AMP Capital Investors (Sydney), là một trong những người dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ông dự đoán đến cuối năm lãi suất của Trung Quốc sẽ ở mức 4%. Trung Quốc đang có một “vũ khí” mà các NHTW lớn trên thế giới (Fed) không hề có vì lãi suất của họ hiện đã ở mức gần 0.
Theo Oliver, Trung Quốc luôn thực hiện chính sách tiền tệ quá chặt, do đó nới lỏng hơn nữa cả lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc là điều cần thiết.
Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2015 mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra từ đầu năm. Trung Quốc đang gặp phải rất nhiều vật cản như nguy cơ giảm phát hay tình trạng sản xuất dư thừa và cả khối nợ khổng lồ đe dọa đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế mức thấp nhất kể từ năm 1990. Các chỉ số như sản lượng công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ của tháng 7 đều thấp hơn dự báo.
Có lẽ các điều kiện hoạt động của khu vực ngân hàng được nới lỏng vì Trung Quốc cần phải bù đắp cho tình trạng thanh khoản trên thị trường cạn kiệt sau khi bất ngờ phá giá nhân dân tệ hôm 11/8. PBOC đã phải mua vào lượng lớn nhân dân tệ để ổn định tỷ giá và ngăn dòng vốn tháo chạy. Theo ước tính của công ty chứng khoán China Merchants Securities, đã có khoảng 700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 109 triệu USD) được bơm vào thị trường tài chính.
Theo Yao Wei, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Societe Generale, nếu PBOC muốn bảo vệ đồng nhân dân tệ, Trung Quốc cần hạ lãi suất hơn nữa.
Kể từ đầu tuần, Trung Quốc đã ngừng can thiệp vào TTCK theo những phương thức phi truyền thống như thời kỳ trước vì các nhà hoạch định chính sách tranh cãi về hiệu quả của chiến dịch này.
Mark Williams, chuyên gia đến từ Capital Economics, cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thay đổi hướng đi bằng cách quay trở lại với phương thức truyền thống. “Bước đi này có thể ngăn được đà giảm của TTCK nhưng chúng tôi hoài nghi về khả năng thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư”.
Động thái hôm qua cũng được so sánh với những biện pháp chống khủng hoảng mà Fed và các NHTW khác đã sử dụng để bảo vệ nền kinh tế trước các đợt suy giảm và ngăn những cơn bán tháo trên thị trường tài chính.