QE kiểu Trung Quốc và những hệ lụy
(The gioi)
Chính phủ Trung Quốc có thể thuyết phục thị trường tin vào những hỗ trợ của chính phủ cũng như tin vào một sự tăng trưởng ảo trên TTCK nước này. Nhưng việc này sẽ tiếp tục nuôi dưỡng sự tăng trưởng ảo và gia tăng nguy cơ vệ một sự sụp đổ với sức lan tỏa lớn.
QE theo kiểu của Trung Quốc
Đã đến lúc để gọi sự can thiệp toàn diện vào TTCK của chính phủ Trung Quốc là một dạng kích thích nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) kiểu Trung Quốc. Nới lỏng định lượng là biện pháp gia tăng giá trị tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán của NHTW, từ đó tích cực bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các hoạt động trên thị trường mở như mua vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, các loại chứng khoán có tài sản đảm bảo….
Với áp lực giảm phát đang cận kề, NHTW Trung Quốc (PBOC) dường như sẽ có rất nhiều lý do để theo chân Nhật Bản, Mỹ và châu Âu trong việc đẩy lãi suất xuống mức gần 0% hoặc thậm chí ở mức âm như châu Âu. Nhưng thống đốc NHTW Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã thực hiện một cách hạn chế gói kích thích theo kiểu “nới lỏng định lượng” đối với thị trường tài chính, kinh tế nước này vì 2 lý do sau đây:
Điều thứ nhất, nếu một chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) được thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa, lượng tiền trong lưu hành sẽ gia tăng đáng kể sẽ làm giảm đáng kể giá trị của đồng Nhân Dân Tệ. Qua đó một số lượng lớn các công ty Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ đối với các khoản nợ thanh toán bằng đồng USD.
Điều thứ hai, việc làm sụt giá trị của đồng Nhân Dân Tệ một cách đơn phương, có chủ ý sẽ có thể làm tiêu tan hy vọng của Bắc Kinh trong việc đưa Nhân Dân Tệ trở thành một trong những đồng tiền dự trữ của thế giới trong rổ tiền tệ của IMF.
Thay vì can thiệp vào thị trường nợ (thị trường trái phiếu, các khoản nợ có tài sản đảm bảo) như NHTW Mỹ FED, NHTW Nhật BOJ và NHTW châu Âu ECB đã làm, thì Trung Quốc đã trực tiếp nhắm mục tiêu của mình tới TTCK. Mục tiêu là tạo ra một thị trường vốn ổn định, sôi động nhằm giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc huy động vốn đại chúng hơn.
Nuôi dưỡng ảo mộng
Đây là điều đáng lo lắng: giống như các nước khác đã triển khai QE, Trung Quốc sẽ có một khoảng thời gian rất khó khăn trong việc rút dần chương trình kích thích ra khỏi nền kinh tế khi nó đã trở thành một phần hỗ trợ đáng kể cho các thành phần trong nền kinh tế. Và khó khăn của họ sẽ làm phức tạp thêm các thách thức đối với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Cú sụt giảm 8,5% của chỉ số chứng khoán Shanghai Composite đầu tuần trước diễn ra ngay sau khi có báo cáo đề cập tới việc Bắc Kinh đã bắt đầu cân nhắc việc rút dần các hỗ trợ đối với TTCK như thế nào. Trước đó chứng khoán Trung Quốc đã có 3 tuần hồi phục. Động thái này hay nói cách khác nỗi sợ này có thể trì hoãn vô thời hạn bất cứ hành động, ý định nào về việc rút hỗ trợ thị trường của chính phủ Trung Quốc.
Đầu tháng này, thống đốc Chu Tiểu Xuyên đã có bước đi được xem là một động thái kích thích không khác gì những NHTW toàn cầu đã và đang làm, khi ông cam kết tiếp tục mở rộng, gia tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán Trung Quốc để hỗ trợ các nhà đầu tư. Vào hôm thứ 3 vừa qua, vị thống đốc này tiếp tục hứa giữ nguyên lập trường hỗ trợ thị trường tài chính Trung Quốc, ông cho biết: “PBOC sẽ ổn định niềm tin của thị trường tài chính và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế”.
Trung Quốc cần can thiệp để ngăn chặn một cuộc hoảng loạn của thị trường, những rõ ràng cũng có những cái giá phải trả cho cách tiếp cận này của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải đẩy mạnh việc chuyển giao tài sản sản xuất từ những doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả sang cho các doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng. Các nhà chức trách Trung Quốc càng dành nhiều thời gian để “ổn định một cách lành mạnh” lại thị trường chứng khoán, thì họ sẽ càng ít phải chống đỡ cho các nền tảng tăng trưởng chính nền kinh tế nước này.
Vấn đề của Trung Quốc cũng là vấn đề chung của cả thế giới. Các tác động của một vụ sụp đổ thị trường chứng khoán của một nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 trên thế giới chắc chắn sẽ rất lớn, mà trước mắt sẽ là đối tác thương mại xuất khẩu hàng hóa chính của Trung Quốc như Úc và New Zealand đã và đang bắt đầu chịu ảnh hưởng khi nhu cầu hàng hóa cho sản xuất của Trung Quốc suy giảm.
Bên cạnh lo lắng này thì còn một lý do để lo ngại nữa đối với các nhà đầu tư, đó là những nổ lực để kiềm chế TTCK đang gây ảnh hưởng lớn lên quỹ đạo lãi suất của Trung Quốc (nước này liên tục điều chỉnh hạ lãi suất xuống mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế trong khi chưa có cách giải quyết triệt để cấu trúc nợ trong hệ thống tài chính thì điều này chỉ khiến bong bóng phồng thêm ra), gia tăng nguy cơ về một cú sốc toàn cầu. Vào năm 2013, các dự đoán về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu rút dần gói kích thích QE đã khiến các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng khi dòng vốn đầu tư nước ngoài ổ ạt rút ra do lo ngại lãi suất vay bằng đồng USD tăng ảnh hưởng tới khoản đầu tư của họ.
Điều này chứng minh tác động to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu khi một NHTW lớn, của một nền kinh tế lớn (như FED của Mỹ) cố gắng rút dần kích thích ra khỏi nền kinh tế. Trường hợp Trung Quốc cũng vậy, đây là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và một loạt đối tác thương mại sẽ gặp rủi ro khi tới một lúc nào đó PBOC (NHTW Trung Quốc) giảm dần kích thích.
Cản bước Fed và ECB
Những bất ổn từ Trung Quốc chắc chắn đang gây tổn hại tới kinh doanh và niềm tin tiêu dùng toàn cầu, nghiêm trọng hơn điều này có thể “gài bẫy” FED và ECB tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ở mức siêu thấp của mình trong một thời gian lâu hơn và cái bẫy này có thể nuôi dưỡng kích thích một bóng bóng tài sản mới. Vì vậy khi mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED đang rục rịch chuẩn bị cho lần tăng lãi suất đầu tiên của mình trong vòng 10 năm qua thì đây, vấn đề của Trung Quốc sẽ khiến họ phải trăn trở nhiều.
Rủi ro cũng sẽ rất nhiều nếu Trung Quốc đi theo cách giải quyết mà Nhật Bản đã làm trước đây khi bóng bóng bất động sản vỡ . Nhật đã hạ lãi suất xuống mức gần 0 trong thời gian dài để kích thích đầu tư và lạm phát nhưng lại rơi vào thập kỷ mất mát.
Chính phủ Trung Quốc có thể thuyết phục thị trường tin vào những hỗ trợ của chính phủ cũng như tin vào một sự tăng trưởng ảo trên TTCK nước này. Nhưng việc này sẽ tiếp tục nuôi dưỡng “con quái vật tài chính – sự tăng trưởng ảo” và gia tăng nguy cơ vệ một sự sụp đổ với sức lan tỏa lớn. Cùng với các gói kích thích của NHTW Trung Quốc, những nỗ lực hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc chắc chắn đi kèm với các khoản vay mới cho các chính quyền địa phương lẫn các doanh nghiệp nhà nước mà vốn đã lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Khi một bong bóng khổng lổ (nợ công) nuôi dưỡng cho một bong bóng tài sản khác (thị trường chứng khoán) thì vấn đề của Trung Quốc có thể trở thành một bản sao khác của Nhật Bản – đẩy chính phủ Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan phải cứu cả hai.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bà Janet Yellen cũng sẽ phải theo dõi sát sao đối với khoản dự trữ ngoại hối bằng đồng USD của Trung Quốc. Trong quý II, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm xuống còn 3.690 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Sự sụt giảm này có lẽ do Bắc Kinh đã rút một phần dự trữ ngoại hối của mình ra để bơm vào, vực dậy thị trường chứng khoán. Và không có lý do chắc chắc nào để Trung Quốc không bán phá giá 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu của Mỹ mà họ đang nắm giữ để lấy tiền cứu nền kinh tế nước này và điều này sẽ đẩy cơn chấn động mạnh mẽ lan ra thị trường thế giới và khiến chi phí vay đồng USD sẽ trở nên cao hơn và gây tác động lên kinh tế Mỹ.
Trong vài năm gần đây, FED đã có phần nhún mình xuống khi đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ có sự xem xét, đánh giá thận trọng hơn tới ảnh hưởng lên những nền kinh tế khác trên thế giới, để chứng tỏ rằng họ không phải mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu (khi đồng USD là đồng thanh toán quốc tế chính – đồng tiền dự trữ chính của toàn thế giới thì bất kỳ tác động nào tới giá trị đồng tiền này sẽ gây ảnh hưởng ngay lập tức cho hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới). Và hiện tại chắc chắn vấn đề của Trung Quốc đang là một gánh nặng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của FED.
(Theo CafeF)