Phá giá đồng tiền, Trung Quốc thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ
(Tin kinh te)
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sáng 12/8 tiếp tục mất giá so với các ngoại tệ mạnh khác, sau khi ngân hàng trung ương nước này mạnh tay phá giá, làm dấy lên lo ngại về một cuộc "chiến tranh tiền tệ" trong khu vực.
Chỉ một ngày sau khi phá giá đồng nhân dân tệ gần 2%, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 12/8 đã lại điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ (NDT) với USD thêm 1,62%, xuống 6,3306 NDT đổi 1 USD. Trước đó tỷ giá tham chiếu được cố định ở mức 6,2298 NDT đổi 1 USD.
Đợt phá giá ngày 11/8 của PBOC là mạnh nhất kể từ năm 2005, khi Trung Quốc ngừng cố định tỷ giá đồng nội tệ với USD, và làm gia tăng lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Động thái trên của PBOC được các chuyên gia tin rằng nhằm giúp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, khiến hàng hóa cạnh tranh hơn, trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, PBOC vẫn khẳng định đây là động thái ngoại lệ để cải tổ hệ thống tỷ giá.
Trước đây, cơ quan quản lý tiền tệ Trung Quốc vẫn đưa ra tỷ giá tham chiếu dựa trên khảo sát ý kiến của các nhà tạo lập thị trường. Nhưng hôm qua, PBOC khẳng định từ nay sẽ tính tới cả mức tỷ giá đóng cửa ngày trước đó, cung - cầu ngoại tệ và tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Trả lời hãng tin Bloomberg, nhà phân tích thị trường ngoại hối Kenix Lai, đến từ ngân hàng Bank of East Asia, cho rằng lần điều chỉnh mới nhất cho thấy PBOC muốn tiếp tục phá giá NDT, bởi mức giảm trước đó là không đủ để giúp vực dậy hoạt động xuất khẩu. Nhà phân tích này cũng dự báo dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi Trung Quốc sang Mỹ, do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong khi đồng nội tệ mất giá.
PBOC thì khẳng định, không có cơ sở kinh tế nào cho thấy NDT sẽ tiếp tục mất giá, và nhấn mạnh dự trữ ngoại hối của nước này đang ở mức 3,65 nghìn tỷ USD, và cán cân vãng lai đang thặng dư.
Nhà giao dịch cấp cao tại một ngân hàng châu Âu tại Thượng Hải cho biết, động thái phá giá NDT bất ngờ của PBOC đã gây ra "những hoảng loạn" trên thị trường.
"Mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc đã một lần nữa giải thích trong hôm nay, nhấn mạnh NDT sẽ không tiếp tục mất giá, thị trường vẫn rất lo lắng", người này cho biết.
Phản ứng trước động thái trên, các đồng tiền châu Á có ngày giảm điểm thứ hai liên tiếp, trước lo ngại đồng NDT suy yếu sẽ khơi mào cho một cuộc "chiến tranh tiền tệ" trong khu vực.
Tỷ giá NDT giao ngay tại thị trường Trung Quốc mở cửa ở mức 6,43 NDT đổi 1 USD, trước khi nhích nhẹ lên 6,4162 NDT. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2011. Trong khi đó, tỷ giá NDT giao ngay tại thị trường quốc tế ở mức 6,5101 NDT đổi 1 USD. Chỉ trong 2 ngày qua, đồng NDT mất giá 3,5% tại thị trường Trung Quốc, và 4,8% trên thị trường quốc tế.
Đồng tiền các nền kinh tế châu Á mới nổi đi xuống trong ngày hôm nay. Đồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia đều đang ở mức thấp nhất 17 năm qua. Trong khi đó đô la Australia và New Zealand đã xuống mức thất nhất 6 năm gần đây.
Ngân hàng trung ương Indonesia khẳng định rupiah giảm giá do Trung Quốc phá giá NDT và khẳng định sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối và thị trường trái phiếu để kiểm soát biến động.
Nhà giao dịch tại một ngân hàng thương mại Trung Quốc tin rằng, căn cứ diễn biến hai ngày qua, việc phá giá một lần do PBOC tiến hành có thể khiến NDT sụt 4 - 5% trước khi trở lại mức ổng định mới.
Kẻ mừng, người lo
Đồng nội tệ của Trung Quốc bị phá giá sau một loạt dữ liệu kinh tế u ám, khiến thị trường hoài nghi nước này có thể chuyển hướng chính sách tiền tệ sang hạ giá NDT trong dài hạn. Đây cũng là mức giảm trong ngày nhiều nhất kể từ đợt phá giá lớn năm 1994.
Khi NDT yếu đi, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có giá rẻ hơn trên thị trường nước ngoài, giúp cải thiện hoạt động xuất khẩu. Tuần trước, dữ liệu cho thấy xuất khẩu trong tháng 7 của nước này đã sụt 8,3%, còn giá nhà sản xuất đã bước vào năm thứ tư liên tiếp đi xuống.
Bộ thương mại Trung Quốc hôm nay thừa nhận, việc phá giá NDT sẽ tạo tác động tích cực cho xuất khẩu. Dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng sản lượng sản xuất trong tháng 7 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của thị trường. Trong khi đó đầu tư vào tài sản cố định và doanh số bán lẻ đều không đạt kỳ vọng.
Số liệu của Bộ tài chính Trung Quốc thì cho thấy, chi tiêu tài khóa tăng 24,1% trong tháng 7, thể hiện rõ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, động thái của PBOC khiến đồng NDT nhạy cảm hơn trước các tác động của thị trường và có vẻ là bước đi đáng hoan nghênh. IMF cho rằng Bắc Kinh cần hướng tới việc thả nổi tỷ giá trong vòng 2 - 3 năm tới.
Thời gian qua, giới chức Trung Quốc đã không ngừng vận động hành lang để IMF đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của tổ chức này, hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt, mà IMF dùng để cho các quốc gia vay. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong kế hoạch quốc tế hóa đồng NDT của Bắc Kinh.
"Tỷ giá linh hoạt hơn có ý nghĩa quan trọng với Trung Quốc bởi nước này đang hướng tới trao cho thị trường vai trò quyết định trong nền kinh tế, và nhanh chóng hòa nhập vào thị trường tài chính toàn cầu", người phát ngôn của IMF nhận định.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc phá giá NDT đã bị nhiều nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ lên án trong ngày hôm qua. Họ xem đó là một bước đi nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu không công bằng, và có thể trở thành chủ đề gai góc trong các cuộc đối thoại khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Washington trong tháng tới. Hai nước trước đó đã có khác biệt lớn về một loạt vấn đề, từ an ninh mạng tới những tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh.
Nhận định về động thái của PBOC, Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan lại có vẻ vui mừng, khi cho rằng tác động của nó là tích cực đối với hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Hầu hết hàng hóa của nước này xuất sang Trung Quốc dưới dạng bán thành phẩm và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Trung Quốc.
Đồng NDT yếu dù không phải "liều thuốc" chữa bách bệnh cho các nhà xuất khẩu đang ốm yếu của Trung Quốc, đang chịu hậu quả do giá nhân công tăng lên, nhưng nó cũng giúp giảm bớt áp lực giảm phát. Đây mới là mối quan ngại lớn hơn của nhiều nhà kinh tế.
Giá hàng hóa sụt giảm cũng có thể do giá nhà sản xuất đi xuống, khiến Trung Quốc có nguy cơ lặp lại chu kỳ giảm phát mà Nhật Bản từng gánh chịu trong nhiều năm.
Tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chậm lại đáng kể trong năm nay, và dự kiến sẽ ở mức thấp nhất 25 năm qua nếu không đạt được mục tiêu 7% Bắc Kinh đề ra.