Khủng hoảng tài chính Trung Quốc, vì sao?
(Tin kinh te)
Các nhà quan sát nhận định tình hình các chỉ số chứng khoán tuột dốc hàng loạt trong “thứ Hai đen tối” hôm 24-8 là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng tài chính bắt đầu giống khủng hoảng tài chính châu Á trong những năm 1990.
Ông Franklin Pichard, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Barclays Bourse, nhận xét: “Các nhà đầu tư đang sợ!”. Ông giải thích: “Họ tự hỏi về mức tăng trưởng thực tế của Trung Quốc. Họ lo sợ kinh tế Trung Quốc hạ cánh đột ngột sẽ kéo kinh tế thế giới chậm lại”.
Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận các nhà đầu tư ngày càng tin chắc chẳng chóng thì chày kinh tế Trung Quốc cũng sẽ mất phanh cho dù Trung Quốc được gọi là công xưởng hay đầu máy kéo kinh tế thế giới.
Tại sao các nhà đầu tư sợ? Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm còn 7,4% năm ngoái, mức thấp nhất từ năm 1990. Trong hai quý đầu năm nay, tăng trưởng chỉ còn 7%. Dù tăng trưởng này còn cao hơn nhiều nền kinh tế mạnh khác nhưng khi Trung Quốc đột ngột phá giá nhân dân tệ hôm 11-8, các nhà đầu tư lo ngại thực tế của Trung Quốc có lẽ còn tệ hơn.
Số liệu GDP của Trung Quốc ở quý II khớp với dự báo của chính phủ. Dù vậy, các nhà đầu tư hoài nghi vì hàng loạt chỉ số kinh tế đều không tốt. Thêm vào đó, cú lao dốc của thị trường tài chính hồi tháng 6 và tháng 7 ở Trung Quốc càng làm cho họ hoảng hơn.
Chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã từng tăng 150% trong một năm. Tính chung chỉ số tổng hợp của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm 38% kể từ tháng 6. Đây được gọi là tình hình phát triển bong bóng rất đáng lo ngại. Chưa kể từ tháng 6-2014 đến tháng 5-2015, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở hơn 40 triệu tài khoản chứng khoán trong khi điều này không phản ánh giá trị thật của các doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Khủng hoảng tài chính đã gián tiếp ảnh hưởng đến các nguyên liệu. Hôm 24-8, đồng giảm giá đến mức thấp nhất từ sáu năm rưỡi qua hôm 24-8. Do thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, giá dầu cũng giảm theo (dưới mức 40 USD/thùng).
Người tiêu dùng (chủ yếu là các nhà công nghiệp) vui mừng vì giá mua nguyên liệu rẻ hơn nhưng đây lại là tin xấu cho kinh tế thế giới. Tăng trưởng sẽ chậm lại dẫn đến tiêu dùng ít hơn, giá trị tạo ra ít hơn, việc làm ít hơn và đầu tư cũng sẽ ít hơn.
Nhà kinh tế Pháp Jacques Attali nhận định: “Nếu quả đúng Trung Quốc suy thoái thì sẽ kéo theo suy thoái ở Brazil rồi đến lượt Mỹ và sau đó là Pháp”. Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 2008, các nền kinh tế Mỹ và châu Âu suy yếu, thế giới chờ đợi Trung Quốc lôi kéo kinh tế thế giới đi lên.
Với 1,3 tỉ người tiêu dùng, Trung Quốc là thị trường quan trọng cho hàng hóa chế biến công nghiệp. Bởi thế nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở Trung Quốc ắt sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.