5 năm tới, Trung Quốc thừa gì, thiếu gì?
(The gioi)
Trung Quốc sẽ xuất khẩu ròng bông trong khi vẫn phải nhập cà phê trong vòng 5 năm tới.
Xuất khẩu ròng bông và lúa mỳ
Barclays vừa công bố báo cáo về lĩnh vực hàng hóa của Trung Quốcgiai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo báo cáo này, Trung Quốc có thể trở thành thị trường xuất khẩu ròng bông và lúa mỳ do nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm.
“Bông là hàng hóa duy nhất được phân tích cụ thể trong báo cáo về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ bông của Trung Quốc tăng trưởng âm trong giai đoạn 2008 – 2014. Chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ này sẽ giảm tiếp trong giai đoạn 2014 – 2020 do Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh về chi phí trong ngành dệt may”, Barclays cho biết.
Báo cáo cũng nêu rõ: “Với nhu cầu tiêu thụ bông giảm trung bình 3,2%/năm, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không cần nhập khẩu bông từ năm 2018 trở đi và thậm chí bắt đầu xuất khẩu ròng bông từ năm 2019”.
Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu 8,2 triệu tấn bông, nhưng có thể xuất khẩu ròng 2,4 triệu tấn vào năm 2020.
Xu hướng này cũng xảy ra tương tự với lúa mỳ. Nếu năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu ròng khoảng 900.000 tấn lúa mỳ, thì đến năm 2020 có thể xuất khẩu ròng 12,8 triệu tấn lúa mỳ do nhu cầu nội địa giảm, năng suất tăng.
Nhu cầu nhập khẩu cà phê, đậu tương tăng
Nếu nhu cầu tiêu thụ bông và lúa mỳ của Trung Quốc có xu hướng giảm, thì nhu cầu đối với cà phê lại tăng. Barclays dự báo, nhập khẩu cà phê của Trung Quốc có thể tăng từ 1,9 triệu tấn năm 2014 lên 7,2 triệu tấn vào năm 2020.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng do thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi cùng với xu hướng lợi nhuận tăng. Barclays dự báo Trung Quốc sẽ tìm cách để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước thông qua tăng sản lượng mặc dù năng lực này trong vòng 5 năm tới vẫn còn hạn chế. Điều này bởi lẽ chỉ một diện tích nhỏ ở Trung Quốc, chủ yếu ở Vân Nam là thích hợp với trồng cà phê, và do đó, Trung Quốc buộc phải tăng nhập khẩu từ bên ngoài.
Thậm chí, hồi đầu năm nay, ABN Amro cho rằng, tiêu thụ cà phê có thể là điểm sáng trong đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc khi mức tiêu dùng tự nguyện tăng.
Nhu cầu tiêu thụ đậu tương của Trung Quốc cũng được dự báo tiếp tục tăng nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với những năm gần đây do thay đổi trong lối tiêu dùng của người Trung Quốc mà cụ thể là thói quen tiêu thụ thịt nhiều.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới. Nước này nhập khẩu hơn 65% đậu tương toàn cầu để đáp ứng 85% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Barclays dự báo, nhu cầu tiêu thụ đậu tương nội địa của Trung Quốc sẽ tăng 4,3%/năm từ nay đến 2020, nhưng do sản lượng trong nước giảm nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng hơn 5%/năm.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê dự báo tăng mạnh trong 5 năm tới thì sự thay đổi trong khẩu phần ăn theo hướng ít thịt sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ thịt tăng chậm lại.