Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)
Tính cả Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) đã đạt thỏa thuận cơ bản đầu tháng 8/2015, thì ta đã tham gia 12 FTA. 5 FTA khác đã ở vòng đàm phán cuối. Rõ ràng, Việt Nam mở cửa nhanh và sâu rộng nhất thế giới?
Sau khi gia nhập sân chơi toàn cầu đầu năm 2007 bằng việc gia nhập WTO, Việt Nam bắt đầu tiến hành tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2011, chúng ta khởi động tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh của từng ngành hàng, cũng như của từng doanh nghiệp.
Muốn tái cơ cấu thành công, cần phải có động lực để thúc đẩy thay đổi từ thể chế đến quản trị điều hành của cả Trung ương, địa phương lẫn từng doanh nghiệp. Và không có động lực nào tốt hơn việc chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua đàm phán, ký kết các FTA với mức độ cam kết và tự do hóa ngày càng cao với cùng lúc nhiều quốc gia, nhiều khu vực và có diện tác động rộng, từ lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu tới dịch vụ, đầu tư, thậm chí cả thể chế…
Việt Nam mở cửa, hội nhập vì bản thân nền kinh tế, vì sự phát triển của chúng ta, nên không thể so sánh với nước khác để nói là hội nhập nhanh hay chậm, rộng hay hẹp.
Vấn đề là, hiện có tới 70% số doanh nghiệp hầu như chưa biết gì về FTA, thì nói gì đến tận dụng mở cửa thị trường để phát triển?
Nếu nói 70% doanh nghiệp chưa biết gì về các FTA đã và sắp ký kết là chưa chính xác. Vì trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển từng ngày, từng giờ, bất cứ ai, nếu muốn, đều có thể khai thác tối đa nguồn thông tin vô tận trên
Internet. Còn với doanh nghiệp, trong cơ chế thị trường, họ phải tự bươn chải lo cả đầu vào lẫn đầu ra, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp trên toàn thế giới, nên không thể nói họ không biết gì về hội nhập, về FTA.
Tỷ lệ 70% doanh nghiệp chưa biết gì về FTA phải hiểu đúng ra là 70% doanh nghiệp trong nước chưa biết tận dụng cơ hội mà các FTA mở ra để phát triển sản phẩm, thị trường. Tuy nhiên, cũng phải nói lại rằng, hội nhập là quá trình dài lâu, thích ứng từ từ, thay đổi dần dần, chứ không phải cứ ký được FTA là doanh nghiệp tận dụng được ngay.
Để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, ngoài bản thân họ thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chắc cũng không nhỏ, thưa ông?
Bên cạnh việc đàm phán, ký kết, làm sao khai thác tối đa các FTA, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu tới hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong đó báo chí được coi là kênh rất quan trọng.
Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các hiệp hội ngành nghề để tập huấn, giới thiệu các FTA mà Việt Nam đã và sắp ký kết. Thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 8/2015 về tăng cường thông tin nội dung các FTA để cộng đồng doanh nghiệp tranh thủ khai thác cơ hội, chủ động thích ứng trong điều kiện hội nhập, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp liên quan tới cam kết, cơ hội và thách thức đối với FTA Việt Nam - Hàn Quốc (vừa được ký kết), EVFTA, TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Qua các buổi tập huấn về FTA, ông thấy thái độ của doanh nghiệp thế nào?
Nói chung, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới các FTA, vì đây là tương lai, là sự sống còn của họ khi nền kinh tế mở cửa gần như hoàn toàn. Đơn cử, sau khi EVFTA được ký kết, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% dòng thuế và sau 7 năm sẽ xóa 99,2% dòng thuế. Ngược lại, Việt Nam cũng xóa bỏ 48,5% số dòng thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực và sau 10 năm sẽ xóa bỏ tới 99% số dòng thuế.
Cơ hội là đây, thách thức cũng là đây, nên doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Nhưng từ quan tâm tới hành động và từ hành động chuyển hóa thành lợi ích thì cần có thời gian, với sự cố gắng của bản thân doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước lẫn cơ quan truyền thông.