2.000 người biểu tình phản đối hiệp định FTA Úc-Trung Quốc
(tin the gioi)
Hàng nghìn người Úc đã xuống đường ở các thành phố lớn để phản đối một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa nước này và Trung Quốc.
Những người biểu tình, có thể lên tới 2.000 người, đã tuần hành bên ngoài trụ sở nghị viện bang New South Wales ở thành phố Sydney ngày 31-7.
Phó chủ tịch liên đoàn lao động New South Wales, Russ Collison, có mặt tại cuộc biểu tình, cho rằng FTA với Trung Quốc sẽ là mối đe dọa với công ăn việc làm của nhiều người Úc.
“Đây là chủ nghĩa khủng bố kinh tế”, ông Collison nói với đám đông, theo đài truyền hình ABC của Úc. “Sẽ không còn việc làm ở đất nước này. Mọi thứ sẽ chấm dứt khi người Trung Quốc tràn vào, họ sẽ bay sang đây lũ lượt. Những người Úc chăm chỉ coi như không còn lối thoát”.
Lina Cabaero của Hội phụ nữ châu Á đi làm thì cho rằng các lao động nước ngoài vốn đã bị bóc lột ở FTA sẽ lại càng bị đối xử tệ hơn vì FTA.
Trước đó hai ngày ở Brisbane, khoảng 2.000 người cũng đã tuần hành phản đối FTA với Trung Quốc. Trong cuộc tuần hành này, bà Sue Lines, nghị sĩ của Đảng Lao động, đảng đối lập lớn nhất tại Úc, nói những người biểu tình không phản đối thương mại. “Tất cả chúng tôi đều muốn thấy nước Úc phát triển thương mại và thịnh vượng, nhưng thương mại phải công bằng và phải bảo đảm công ăn việc làm cho người Úc”, bà Lines nói.
Thủ tướng Úc Tony Abbott nói trong diễn đàn kinh tế châu Á tổ chức tại Sydney ngày 29-7, lại cho rằng FTA sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nước Úc, bao gồm việc dỡ bỏ các rào cản cho những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu như thịt bò, sản phẩm từ sữa, thịt cừu và rượu vang.
Được ký vào tháng 6, FTA với Trung Quốc được chính phủ Abbott ca ngợi là một thỏa thuận “làm nên lịch sử”. Các nhóm hội doanh nghiệp lớn ở Úc cho rằng thỏa thuận này sẽ “mở ra những chân trời mới” cho họ ở Trung Quốc.
Thương mại hai chiều Úc-Trung Quốc năm 2014 đạt kim ngạch gần 160 tỉ USD.
Ông Abbott cũng đã đảm bảo với Trung Quốc rằng FTA sẽ không bị thay đổi vì các áp lực chính trị.
“Một thỏa thuận là một thỏa thuận. Để sửa chữa một phần tức là phải mở lại việc thương lượng, chúng tôi sẽ không làm điều đó vì nó sẽ khiến các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu và công ăn việc làm ở Úc bị đe dọa”, ông Abbott nói.
Một nhóm bảy liên đoàn lao động ở Úc đã đòi thay đổi hiệp định, bao gồm liên đoàn của các ngành xây dựng, thợ mỏ, lâm sản và năng lượng.
Trong khi đó, Đảng Lao động đối lập bày tỏ quan ngại về thỏa thuận khuyến khích đầu tư trong FTA cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc đưa người lao động vào Úc với những dự án trị giá từ 150 triệu USD trở lên. Đảng Lao động muốn nâng mức giá trị dự án lên là 2 tỉ USD.