Nóng lạnh thất thường, kinh tế Mỹ gây khó cho lựa chọn của Fed
(Tin kinh te)
Các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với một bức tranh cực kỳ phức tạp. Các điểm nóng nổi cộm lên trên bề mặt nền kinh tế Mỹ ở 2 chiều đối lập.
Mỹ đã sẵn sàng để đối phó với tất cả những diễn biến cho đợt tăng lãi suất đầu tiên. Đó là nhận định của James Bullard – Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis. Mỹ đang bước vào thời kỳ bùng nổ kinh tế và đó là lúc chi phí cho vay chính thức phản ứng.
Liệu quan điểm này có được các quan chức Fed ủng hộ. Câu trả lời sẽ sớm được kiểm chứng vào cuộc họp được cho là cẩn trọng nhất kể từ khi bà Janet Yellen lên nắm quyền, cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/9 tới.
Bà Yellen đã đồng ý rằng tăng lãi suất là “hợp lý” để bắt đầu quay trở lại với chính sách tiền tệ bình thường sau những điều kiện bất thường của cuộc đại suy thoái, nếu không tăng vào tháng 9 thì sẽ tăng vào cuối năm. Các quan chức ngân hàng TW đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ngay cả sau Fed tăng lãi suất thì chính sách tiền tệ vẫn sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, ngay khi Fed vừa nhắc đến chuyện thắt chặt chính sách, "đám mây" giảm phát đã bao phủ các nền kinh tế mới nổi, thị trường tài chính thì náo loạn, và xuất khẩu Mỹ sẽ gặp trở ngại bởi đồng USD tăng giá.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống, tuy nhiên các báo cáo mới nhất cho thấy tiền lương vẫn duy trì ở mức thấp. Peter Bowe, người điều hành nhà máy Ellicott Dredges có tuổi đời 130 năm tại Maryland ví von lãi suất tăng là một viên thuốc khó nuốt. Khách hàng của ông sẽ phải chịu mức chi phí tài chính cao hơn. Đồng USD tăng giá không bao giờ là một viễn cảnh đáng mong đợi cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công ty ông cũng được hưởng lợi từ việc cung cấp máy hút bùn trong dự án mở rộng kênh đào Panama. Lần đầu tiên trong thập kỷ, công ty ông đạt doanh thu tăng đến mức chóng mặt ngay tại sân nhà trong khi thị trường các quốc gia mới nổi vẫn còn đang lẹt đẹt. Ngành xây dựng đang hồi sinh tại Mỹ. Chi tiêu chính phủ cho các dự án giao thông và thủy lợi đạt mức cao nhất 7 năm.
Rick Rieder, giám đốc đầu tư tại BlackRock nhận định, một chuỗi chỉ số kinh tế Mỹ đang báo động đỏ và đã đến lúc Fed cần ra tay hành động. Ông quan tâm đến những biến dạng trong hệ thống tài chính do lãi suất được đặt ở mức cực thấp và đặc biệt là dư nợ doanh nghiệp hơn là lạm phát vì cho rằng tiến bộ công nghệ sẽ làm tỷ lệ lạm phát giảm.
Hoạt động tài chính dễ dàng hơn nhờ các ngân hàng, dân số mở rộng, tầng lớp trẻ thay thế những tư duy cũ kỹ thúc đẩy nhu cầu phát triển và một nền kinh tế năng động, mạnh mẽ hơn. Đó là những gì mà vị tiền bối của Fitzgerald Auto Mall đã nhìn thấy ở sự chuyển mình của Mỹ trong 4 năm nay.
Ông cũng cho biết rằng, Fed sẽ cần tăng lãi suất thêm hơn 0,33% để "răn đe" những người mua xe hơi. Con số này được tính toán theo mô hình kinh tế được xây dựng lên bởi các nhà kinh tế trường đại học Oxford. Theo đó, cứ mỗi 1% lãi suất tăng sẽ làm giảm 0,1% GDP năm 2016.
Tuy nhiên, vấn đề cần được quan tâm sau khi tăng lãi suất là phản ứng của thị trường. Rất khó để dự đoán thị trường sẽ phản ứng như thế nào nhưng chắc chắn nó sẽ rất dữ dội trong lần tăng đầu tiên. Một khi các nhà xuất nhập khẩu bị lần tăng lãi suất này làm cho choáng váng thì thị trường thế giới và nền kinh tế Mỹ sẽ bị phá hủy nghiêm trọng.
Tuần trước ngân hàng TW châu Âu cảnh báo về khủng hoảng tài chính đi kèm với một số rủi ro suy thoái, giới thương nhân không đặt nhiều hy vọng vào động thái thay đổi trong tháng 9. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu có nguy cơ giảm và giá hàng hóa đồng loạt giảm, điều đó có nghĩa là nguy cơ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài nơi mà tốc độ lạm phát liên tục không tuân theo dự báo.
Áp lực chính trị trì hoãn Fed tăng lãi suất do những lo lắng xảy ra hậu quả bất thường, đặc biệt là trong thời điểm tiền lương đóng băng. Tháng trước, các nhà kinh tế học và quan chức ngân hàng TW vừa tham dự một buổi hội thảo tại công viên quốc gia Grand Teton được tổ chức bởi nhóm kêu gọi ngân hàng TW giữ lãi suất ở gần mức 0% do trạng thái bất động của tiền lương làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Mỹ.
Dawn O’Neal – cô trợ giảng với thu nhập 8,5 USD/h than vãn rằng, “Chúng tôi đang phải sống vật lộn qua ngày. Với chính sách tăng lãi suất, tương lai nền kinh tế rồi sẽ đi đến đâu?”.
Ngược lại, Fed tỏ ra lạc quan với mô hình kinh tế của mình. Theo đó, tỷ lệ có việc làm của Mỹ sẽ đạt tối đa. Tiền lương tăng cùng với lãi suất chắc chắn tăng theo. Để cân bằng những yếu tố xung khắc là điều không tưởng. Phó chủ tịch Fed cho biết, nếu các nhà làm chính sách cứ cố thủ chờ những nhân tố tích cực đạt ưu thế thì lúc đó đã quá muộn để thay đổi.