Nhận định “sáng sủa” của ông Đặng Hùng Võ về bất động sản năm 2016
(Bat dong san)
Điều quan trọng nhất đã được chứng minh là giá bất động sản đã tới đáy, không thể giảm thêm từ năm 2014. Năm 2016, nhà đầu tư không phải sợ thị trường sẽ rơi vào trầm lắng cũng không có biểu hiện nào về khả năng xuất hiện bong bóng. “Binh pháp” cầm cương thị trường đã hiệu quả…
GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, một chuyên gia bất động sản nhận định khả quan về tình hình thị trường khi năm mới 2016 đã chạm cửa.
Phân khúc nhà giá rẻ là cứu cánh cho thị trường
Ông Đặng Hùng Võ dẫn báo cáo hàng tháng của Bộ Xây dựng cho thấy, giao dịch bất động sản (BĐS) nhà ở trên thị trường 2 năm qua có mức khá ổn định hàng tháng với mức khoảng 1.400 tới 1.900 giao dịch tại Hà Nội và TPHCM. Từ nửa sau năm 2014, mức giá nhà đất đã tăng nhẹ tại một số dự án có lợi thế về vị trí, hạ tầng, dịch vụ, nhưng mức tăng không đáng kể.
Trong giai đoạn nửa đầu năm 2015, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn. Xu hướng của thị trường về cuối năm đã chuyển sang phân khúc giá trung bình và trên trung bình.
Dự án nhà ở xã hội giúp chủ đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi thị trường bất động sản đóng băng.
Điều quan trọng nhất đã được chứng minh là giá bất động sản đã tới đáy vào năm 2014, không thể giảm thêm. Từ đó, người tiêu dùng bị thuyết phục và không chờ đợi giảm giá nữa mà quyết định mua khi có nhu cầu thực.
“Sau khi có một số điểm bất cập trong phát triển phân khúc giá rẻ như nhà ở cho công nhân và sinh viên không phù hợp hoặc chất lượng không bảo đảm, cùng với nhận thức của người tiêu dùng về tình hình không còn khả năng giảm giá, thì người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới phân khúc giá trung bình và giá cao tại những vị trí có lợi thế về điều kiện sống”, ông Võ phân tích.
Ông Võ đánh giá, khó khăn của thị trường bất động sản đã được tháo gỡ cùng với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, từ phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. “Binh pháp” nhen lửa cho có hơi nóng tại phân khúc thiếu cung đã tỏa hơi ấm cho thị trường, giúp khơi sức nóng lan sang phân khúc thừa cung để điều chỉnh lại “lỗi” lệch pha cung - cầu khiến thị trường đóng băng.
Giải pháp cơ bản nhất áp dụng cũng giúp ngăn ngừa tình trạng "nổ bong bóng" trong những thời điểm căng thẳng nhất khi các ngân hàng phải phát mại hàng loạt bất động sản trong kho tồn đọng làm giá giảm mạnh. Mặt khác, việc đó cũng đòi hỏi phải cấu trúc lại thị trường bất động sản nhằm đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản để phù hợp với khả năng thanh toán của nhiều đối tượng, khắc phục lệch pha cung - cầu. Đây là bài toán có ý nghĩa sống còn và lâu dài cho thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Thay đổi tích cực từ phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cũng được nhận định là mở ra lối thoát cho nhiều doanh nghiệp bất động sản. Trong lúc thị trường “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn nhà ở xã hội như là một cứu cánh để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy điểm lại nhiều dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được các doanh nghiệp bất động sản triển khai 2 năm qua như 5.000 căn hộ tại Bình Dương cho Becamex IDC thực hiện trong giai đoạn đầu, 3.500 căn hộ tại khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) của Tổng Công ty Viglacera triển khai, hàng nghìn căn hộ khác trong dự án tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) của Công ty CP đầu tư và thương mại Thủ đô… đều ra hàng tới đâu hết tới đó.
Ông Đỗ Đức Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần và thương mại Thủ đô cho biết, chính dự án nhà ở xã hội tại Chèm đã giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất khi thị trường đóng băng và từng bước phát triển ổn định.
Với Tổng Công ty Viglacera, các dự án nhà ở xã hội tại Đặng Xá, Tây Mỗ cũng mở ra cánh cửa để đơn vị có thể vực dậy mảng bất động sản, kéo theo cả mảng vật liệu xây dựng, đều là những lĩnh vực kinh doanh chính của đơn vị.
“Ấm nóng” nhưng không thể thành... bong bóng
Từ diễn biến khả quan của thị trường thời gian gần đây, GS.TS Đặng Hùng Võ quả quyết bác bỏ cả 2 hướng quan điểm nghi ngại thị trường sẽ lại rơi vào trầm lắng hay ngược lại, xuất hiện bong bóng trong năm 2016.
Ông Võ phân tích, bất động sản vốn là thị trường có sức ì rất lớn, một xu hướng cũng phải diễn ra trong vài năm và xu hướng “ấm nóng” đang thể hiện. Điều cần làm lúc này là làm gì để hút được vốn vào đầu tư bất động sản ở nhiều dạng khác nhau (trong đó có vốn từ tiết kiệm của dân, vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, vốn từ người nước ngoài…). Để hút được vốn, cần chứng minh được khả năng sinh lợi cao và an toàn khi đầu tư vào bất động sản.
Trong tình hình hiện nay, thói quen của người Việt Nam sẽ là ưu tiên cho bất động sản khi so sánh quyết định đầu tư vào vàng, ngoại tệ, gửi ngân hàng, chứng khoán hay trực tiếp sản xuất kinh doanh. Bên cạnh thói quen trong tư duy, bất động sản vẫn là nơi đầu tư có nhiều ưu việt mặc dù khả năng sinh lợi từ nay chắc chắn không được cao như trước đây.
Khả năng bong bóng như nhiều người đã đề cập, theo ông Võ, cũng không thể xảy ra vì các biểu hiện, dấu hiệu về tích tụ bong bóng hiện đều không có. Hiện nhà nước đang muốn hút vốn đầu tư vào thị trường mà cũng không dễ dàng gì, nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa quyết định bỏ vốn vào đây. Việc tăng giá tại một số dự án có vị trí thuận lợi cũng chỉ ở mức một vài phần trăm trong khâu phân phối hàng hóa cho thấy đó không phải do tác động của đầu cơ, không phản ánh xu hướng sốt giá trên toàn thị trường.
“Sự thực, hiện tượng tích tụ bong bóng có thể xảy ra nhưng phải vài năm tiếp theo nếu quản lý không tốt, chứ không phải 2016”, GS.TS Đặng Hùng Võ khẳng định.