Bất động sản Việt Nam 2016: Đón chờ các "cú sốc" M&A
(Bat dong san)
Tại Hội nghị phổ biến các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở năm 2014, nhiều chuyên gia phân tích nhấn mạnh rằng thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2016-2018 đang đứng trước cơ hội vàng nhờ quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.
Việt Nam là quốc gia sẽ được hưởng lợi cao nhất nhờ vào các điều kiện linh hoạt so với các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) khác. Chính vì vậy, trong khoảng 4-5 năm tới, một số ngành kinh tế của Việt Nam sẽ hưởng lợi và có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có BĐS.
Do vậy, cuộc cạnh tranh trên thị trường BĐS trong giai đoạn tới sẽ hết sức gay gắt do có nhiều yếu tố nước ngoài. Trong đó, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp địa ốc nội địa và ngoại sẽ không diễn ra âm thầm nữa mà ở một mức độ quyết liệt hơn.
Điều này cũng đúng với một báo cáo về thị trường BĐS Việt Nam mới đây của Hiệp hộii BĐS Việt Nam (VnREA), theo đó vào năm 2016 thị trường BĐS tiếp tục đà tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi, xu hướng M&A trong lĩnh vực BĐS có khả năng bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017 do Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng trên con đường hội nhập khu vực và toàn cầu.
Cụ thể, Việt Nam là quốc gia sẽ được hưởng lợi cao nhất nhờ vào các điều kiện linh hoạt so với các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) khác. Chính vì vậy, trong khoảng 4-5 năm tới, một số ngành kinh tế của Việt Nam sẽ hưởng lợi và có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có BĐS.
Đồng thời, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập vào cuối năm 2015, thị trường BĐS khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành tâm điểm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các dự án BĐS của các nhà đầu tư ASEAN đang có sức cạnh tranh mạnh ở phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, điển hình là các doanh nghiệp đến từ Singapore, Malaysia hay Brunei. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án nghỉ dưỡng vào Việt Nam của các nhà đầu tư ASEAN, nhất là tại các vị trí có tiềm năng kinh tế biển như Vân Đồn, Phú Quốc, Đà Nẵng...
Còn theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu của Quỹ đầu tư Dragon Capital, trong 20 năm qua, thị trường BĐS đã có 4 chu kỳ tăng giá và ba chu kỳ đóng băng, tất cả đều gắn liền với sự thay đổi chính sách. Trong đó, một điểm chung thường thấy là trước khi thị trường bước vào chu kỳ suy thoái, đóng băng là giá BĐS tăng rất mạnh, Nhà nước có sự thay đổi về chính sách để siết lại thị trường, hoặc kinh tế vĩ mô bắt đầu xấu đi. Song, tại thời điểm này, cả 3 yếu tố trên chưa xuất hiện rõ rệt nên tâm lý chung của thị trường có vẻ lạc quan.
"Căn cứ vào các chu kỳ của thị trường BĐS như đã phân tích, có thể khẳng định thị trường đang bước vào chu kỳ phát triển mới tốt hơn. Thị trường BĐS Việt Nam thời gian tới sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh mạnh mẽ, từ quy mô phát triển dự án, đến chiến lược hợp tác", ông Tuấn nói.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám Đốc công ty Jones Lang Lasalle tại Việt Nam đưa ra nhận định rằng các sửa đổi trong Luật Kinh doanh Bất động sản đã đem đến những giải pháp tốt hơn cho toàn ngành BĐS. Nhìn chung, niềm tin đầu tư vào thị trường đã được cải thiện, các hoạt động mua và bán diễn ra sôi nổi hơn trong các tháng gần đây.
Theo đó, có một sự quan tâm đáng kể vào các BĐS thương mại của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Việt nam đang trở thành một địa điểm hấp dẫn với vốn đầu tư nước ngoài trong trung hạn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ một số quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang phân bổ nguồn vốn sang Việt Nam nhằm cố gắng tăng sự hiện diện trên thị trường Việt Nam.
Trong đó, theo JLL Việt Nam luôn là điểm đến ưa chuộng của các chủ đầu tư Singapore, và bất chấp việc chậm phát triển trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm thu hút vốn đầu tư. Nhiều chủ đầu tư đã hiện diện tại Việt Nam trong nhiều năm và tạo dựng được danh tiếng tốt cho các dự án có chất lượng xây dựng tốt. "Đây là một lợi thế lớn khi so sánh với các chủ đầu tư Việt Nam, khi mà người mua nhà ngày càng sáng suốt hơn, sẵn sàng trả một mức phí cao hơn để có thể mua được nhà từ các dự án phát triển của chủ đầu tư nước ngoài", ông Wyatt cho biết thêm.