Thế giới năm 2016: Hỗn độn hơn vì thiếu lãnh đạo toàn cầu?
(Kinh te)
Tạp chí Time (Mỹ) nhận định việc các cường quốc không thể hiện được vai trò “lãnh đạo toàn cầu” của mình sẽ khiến thế giới năm 2016 hỗn độn hơn.
Trong thời gian ở Malina, Philippines dự Thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách trò chuyện với hai nhân vật. Đó không phải là Tổng thống Nga V.Putin, cũng không phải là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thay vào đó, ông Obama gặp hai doanh nhân: ông Jack Ma – nhà sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) và bà Aisa Mijeno – đồng sáng lập Tập đoàn SALt (Philippines).
Thông điệp rõ ràng của Tổng thống Mỹ: chính phủ và doanh nghiệp cần cùng nhau giải quyết những vấn đề năng lượng và môi trường. Nhưng thông điệp “ngầm” của ông Obama còn mạnh mẽ hơn: Trong một khách sạn có mặt nhiều nguyên thủ đồng nghiệp, Tổng thống Mỹ cảm thấy ông được lợi nhiều hơn khi nói chuyện với các công dân toàn cầu. Có lẽ ông Obama đã đúng.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trỗi dậy và cạnh tranh ảnh hưởng, năm 2016 khó tránh khỏi thực tế rằng thế giới thiếu “một lãnh đạo toàn cầu”. Giai đoạn mà những lãnh đạo nhóm G7 như Mỹ và Đức có thể kiểm soát địa chính trị và kinh tế toàn cầu đã qua. Kết cục là dần hình thành một trật tự thế giới mới “G-Zero” mà trong đó không có quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào có thể đáp ứng được những thách thức của vị trí “lãnh đạo toàn cầu”. Thế giới “G-Zero” không chia sẻ những ưu tiên hoặc giá trị về chính trị, kinh tế; cũng không có một tầm nhìn chung cho tương lai.
Theo những lời lẽ hùng hồn của các ứng viên Tổng thống Mỹ, Washington thậm chí không muốn tiếp tục đóng vai trò “cảnh sát toàn cầu”, bởi công chúng Mỹ sẽ không ủng hộ cho bất cứ hành động nào đòi hỏi những cam kết lâu dài về sự hiện diện của lính Mỹ hay tiêu phí USD từ tiền thuế.
Tổng thống Obama biết rằng sự ủng hộ của người dân đối với việc triển khai quân chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) không lớn. Phản ứng của công chúng Mỹ trước một vụ khủng bố lớn như vụ thảm sát ở San Bernardino, California vừa qua không còn mạnh mẽ, đoàn kết như lúc xảy ra vụ khủng bố 11/9. Thậm chí nếu một vụ tấn công buộc Mỹ phải hành động thì có thể Mỹ phải hành động một mình. Hiện có quá nhiều các quốc gia quan trọng trong “cuộc chơi quốc tế”, có đủ sự tự tin về chính trị và kinh tế để phớt lờ vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ.
Karl-Theodor zu Guttenberg- cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức- cảnh báo về sự xói mòn lòng tin xuyên lục địa. Sự xói mòn này có thể trầm trọng hơn bởi chủ đề tranh cử “quên châu Âu” của một số ứng viên Tổng thống Mỹ, trong đó có tỷ phú Donald Trump.
Ở bên ngoài, sự thống lĩnh của Mỹ đang suy giảm nhanh chóng. Tại Trung Đông, ISIS – tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại- đang chiếm đóng phần lớn Iraq và Syria. Trung Quốc đang thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ tại Đông Á cũng như quyền lực lãnh đạo của Mỹ ở một số nơi khác trên thế giới. Tổng thống Obama hiện dựa vào các lệnh trừng phạt, máy bay không người lái, năng lực không gian mạng để bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là các công cụ hữu hiệu giúp xây dựng sự đồng thuận nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu phức tạp nhất.
Trong khi đó, châu Âu không thể giúp giải quyết vấn đề “G-zero” vì các lãnh đạo quá bận để đối phó với thủ đoạn của các đối thủ chính trị, vấn đề người nhập cư, giúp Hy Lạp tìm sự ổn định tài chính lâu dài…Trung Quốc sẽ không lấp được chỗ trống lãnh đạo trong thế giới “G-Zero”, bởi Bắc Kinh chủ động hơn trên trường quốc tế nhưng chỉ cố theo đuổi lợi ích quốc gia của chính mình.
Vậy ai sẽ dẫn dắt cuộc chiến chống ISIS, ổn định tình hình Trung Đông, kiểm soát vũ khí nguy hiểm, chống biến đổi khí hậu, quản lý những rủi ro quốc tế…? Câu trả lời là không ai cả.
Trung Đông: Tác động lớn từ “G-zero”
Trung Đông là khu vực chịu tác động lớn nhất từ vấn đề “G-zero”. Tại Iran, những người kiên định với đường lối bảo thủ sẽ tìm cách xác nhận quyền lãnh đạo của họ, do lo ngại việc bãi bỏ các lệnh cấm vận khiến Iran rơi vào ảnh hưởng của phương Tây cũng như đánh thức sự khao khát thay đổi của người trẻ Iran. Bạo lực đẫm máu tại Yemen sẽ tiếp diễn. Tại Iraq, chính phủ Hồi giáo Shi’ite sẽ xuất khẩu nhiều hơn dầu mỏ nhưng không làm gì để thuyết phục phe thiểu số Sunni chiến đấu giành lại những vùng đất bị ISIS kiểm soát. Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp sẽ tiếp tục ném bom Syria, bất chấp hiệu quả quân sự ít ỏi. Số lượng lớn người tị nạn Syria ở Lebanon và Jordan sẽ tác động lớn tới sự ổn định tại hai quốc gia này.
Trong khi đó, nhờ dự trữ tài chính lên hơn 1 tỷ USD và khả năng thu hút các chiến binh trên khắp thế giới, ISIS có thể mở rộng ảnh hưởng quốc tế.Tổ chức khủng bố này không chỉ kích động các cuộc tấn công bạo lực kinh hoàng ở nước ngoài mà còn thuyết phục những người khác rằng ISIS có khả năng xây dựng được một đế chế Hồi giáo, với đường biên giới được vẽ bởi những người Hồi giáo chứ không bởi các chính trị gia phương Tây.
Do các tân binh trẻ khó khăn hơn trong việc gia nhập ISIS ngay tại Syria, ISIS kêu gọi số tân binh mới tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ngay tại nơi đang cư trú. Đó là lý do mà năm 2016 có thể chứng kiến thêm những cuộc tấn công đẫm máu. Cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, các cuộc xung đột ngày càng gay cấn. Tuy nhiên, không có nhân tố lãnh đạo nào chấp nhận trả giá để dẫn dắt các nỗ lực lớn nhằm khôi phục trật tự.
Châu Âu: Một phương Tây ốm yếu
5 năm trước, các lãnh đạo châu Âu cùng đối mặt với cuộc khủng hoảng đồng euro. Cuộc khủng hoảng này đã được giải quyết nhờ sự quyết đoán của Đức và cam kết của ngân hàng châu Âu nhằm ổn định khu vực đồng euro bằng mọi biện pháp có thể.
Nhưng năm 2016, châu Âu sẽ phải đổi mặt với nhiều vấn đề đa dạng hơn.Vấn đề tài chính của Hy Lạp bước vào một giai đoạn mới trong năm 2016, khi chính phủ mới do Đảng Syriza lãnh đạo phải vật lộn để vượt qua những yêu cầu của các chủ nợ, những chỉ trích của phe đối lập và những cử tri giận dữ. Chính phủ Tây Ban Nha phải đàm phán trước mối đe doạ đòi ly khai của xứ Catalan. Người dân Anh tiếp tục phân vân trước lá phiếu quyết định đi hay ở lại châu Âu.
Trước nguy cơ khủng bố trà trộn trong làn sóng hàng triệu người nhập cư, chính phủ nhiều quốc gia ở châu Âu đã và có thể tiếp tục thắt chặt các biện pháp mới nhằm kiểm soát biên giới. Giữa những hỗn loạn khu vực, bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức - trở thành nhân vật trung tâm mang lại hy vọng giải quyết các thách thức của châu Âu. Nhưng những người coi dân nhập cư là “chiến binh jihad” tương lai vẫn có thể khiến bà Merkel bị thương tổn. Trật tự “G-zero” có thể khiến các nước châu Âu chỉ đạt được “mẫu số chung nhỏ nhất” trong năm 2016.
Khi sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu ngày càng lớn, một số nước châu Âu bắt đầu chuẩn bị hướng đi riêng trong thế giới “G-zero”. Chính vì thế, cựu Ngoại trưởng Anh William Hague nhận định :” Quan hệ đi xuống giữa Mỹ và Châu Âu có thể gây phiền phức nhưng không phải là một tai hoạ đối với nước Anh”.
Trung Quốc: Phát triển nhưng không dẫn dắt
Tin tốt lành cho an ninh quốc tế là khu vực Đông Á có thể tiếp tục bình lặng trong năm 2016. Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ phải quan tâm tới các kế hoạch cải tổ kinh tế trong nước quan trọng và nhiều khả năng không muốn xảy ra các cuộc xung đột làm ảnh hưởng tới kinh tế. So với châu Âu và Trung Đông, Đông Á sẽ yên ổn hơn, trừ phi CHDCND Triều Tiên có động thái bất ngờ.
Trung Quốc sẽ tìm cách thức mới để thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực. Bắc Kinh có thể sử dụng hơn 3.000 tỷ USD trong quỹ dự trữ hối đoái của mình để “bơm” cho các tổ chức kinh tế có khả năng thay thế các tổ chức do Mỹ dẫn dắt như Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Trung Quốc sẽ trở thành “bên cho vay” mới của chính phủ các nước đang phát triển không muốn đáp ứng các điều kiện cho vay của Mỹ. Trước lợi ích kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ như Anh và Đức sẽ tiếp tục đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc và kéo dài cuộc chiến xung quanh việc liệu rằng các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu được quyết định bởi Bắc Kinh hay Washington.
Tuy nhiên, Trung Quốc không hứng thú để trở thành “lãnh đạo” trong một thế giới “G-zero”. Trung Quốc sẽ không dẫn dắt cuộc chiến chống ISIS cũng như giúp tái thiết Syria. Trung Quốc sẽ không giúp xoa dịu căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Trung Quốc có một chiến lược đối ngoại toàn cầu thực sự song chiến lược này chỉ nhằm giải quyết các vấn đề của nước này chứ không phải của thế giới.
Tất nhiên, thế giới năm 2016 vẫn đón đợi nhiều điều tốt lành. Ấn Độ và Mexico, hai thị trường đang nổi quan trọng nhất của thế giới, tiếp tục phát triển nhờ những cải tổ lâu dài. Một nhóm lãnh đạo với tiếng nói mạnh mẽ ở Đông Á sẽ giữ các đối thủ chính trị trong vòng kiểm soát. Sửa chữa chính sách ở Brazil và Argentina bắt đầu gặt hái thành quả. Các nước ở châu Phi và Trung Á sẽ được lợi nhờ cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản tại khu vực.
Nhưng những tin tốt lành trên không giúp giải quyết tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của trật tự “G-zero”. Một cấp độ hợp tác toàn cầu mới dựa vào cân bằng quyền lực chỉ có thể xảy ra trong trường hợp thế giới lâm vào tình huống khẩn cấp như chiến tranh, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh toàn cầu, khủng bố huỷ diệt hoặc thiên tai.