tin kinh te

Gieo quẻ kinh tế thế giới 2016: Đầy khó khăn và thử thách!

(Tin Kinh Te)

Dưới đây là 6 yếu tố chính ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu năm 2016.

Năm 2016 sẽ là một năm đầy thử thách và khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần tăng lên sau một vài năm suy yếu. Theo dự báo mới nhất của IMF, tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,5%, thấp hơn mức trung bình 4,5% của thập kỷ trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, nhưng tỷ lệ đó vẫn khả quan hơn so với mức trung bình trong 5 năm qua.

Nền kinh tế của Mỹ và Anh cũng đang dần khôi phục nhưng vẫn suy yếu hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế. Đối với khu vực châu Âu, chính sách mở rộng được kêu gọi và mong đợi các bước tiếp theo nhằm hỗ trợ tăng trưởng tích cực hơn nữa.

Tình hình kinh tế ở Mỹ và Châu Âu tương đồng nhau khi mà mức đầu tư giảm thấp, khả năng sản xuất suy yếu và các khu vực xuất khẩu chỉ đóng góp một phần nhỏ cho khả năng phục hồi kinh tế.

Cùng với đó là sự tăng trưởng dần chậm lại của nền kinh tế châu Á và tỷ lệ tăng trưởng của thương mại thế giới còn chậm hơn so với tăng trưởng GDP. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu hiện này còn đang bị đe dọa bởi một loạt các yếu tố.

Một: Năm của chủ nghĩa dân túy?

Năm 2016 có thể trở thành một năm được đánh dấu bởi chủ nghĩa dân túy chính trị. Do hoạt động kinh tế yếu kém và tăng trưởng năng suất thấp, tiền lương thực tế và khả năng tiêu thụ có thể vẫn tiếp tục gây thất vọng không hề nhỏ.

Rất khó đảm bảo sẽ có một công việc ổn định bởi sự cạnh tranh toàn cầu cùng với sự phát triển của số hóa và tự động hóa. Cơ hội việc làm bây giờ chỉ bắt đầu bằng hợp đồng ngắn hạn, bán thời gian hoặc lao động tự do mà không có phúc lợi xã hội đầy đủ và sự đảm bảo chắc chắn lâu dài.

 

Bất ổn trong thị trường lao động tăng cao, khả năng đàm phán yếu kém và năng suất làm việc thấp đã thu hẹp giới hạn trong các cuộc đàm phán lương và mức tiền lương thực tế.

Đây là thời gian mà các nền kinh tế cần chính phủ đẩy mạnh việc thực hiện sâu rộng cải cách cơ cấu mà không phải là việc đề ra các biện pháp “ăn xổi” và đơn giản hóa cải cách. Để khôi phục lòng tin chính trị, chính phủ cần tăng lương thực tế, tạo nhiều việc làm và đưa ra nhiều phúc lợi tốt hơn nữa.

Điều này chỉ có thể xảy ra nếu tăng trưởng được phục hồi bởi cải cách triệt để nhằm tăng tính linh hoạt của thị trường lao động và cải thiện môi trường kinh doanh.

Hai: An ninh thế giới và cuộc khủng hoảng người tị nạn

Nước Mỹ bầu cử tổng thống mới là một sự kiện chính trị lớn trong năm 2016. Từ quan điểm toàn cầu, vấn đề quan trọng là liệu Tổng thống tiếp theo có thể khôi phục nước Mỹ thành một lực lượng ổn định toàn cầu sau sự thờ ơ rõ ràng của chính quyền Tổng thống Obama hay không.

Bên cạnh đó, châu Âu cần phải đẩy mạnh khả năng của mình để đối phó với các vấn đề an ninh đang nổi lên gần đây. Sự kiện bi thảm ở Paris đã tạo động lực cho liên minh Mỹ, Pháp, Anh, và một nhân tố bất ngờ khác là Nga cùng nhau đẩy lùi tham vọng thiết lập đế chế Caliphate của Daesh.

Điều cần thiết hiện nay đối với Mỹ và châu Âu là phải sẵn sàng trong tư thế chủ động đối chiến với thành phần khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông, Bắc Phi và Afghanistan trong trung hạn cũng như trong dài hạn. Loại bỏ khu vực rộng lớn và các khu vực dưới sự kiểm soát của Daesh, Boko Haram, Al-Shabaab hoặc Taliban là giải pháp đảm bảo an ninh toàn cầu.

Các cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu sẽ tiếp tục là vấn đề cần quan tâm trong năm 2016. Liên Hợp Quốc ước tính hơn một triệu người đã “tràn vào” vào châu Âu với mục đích tị nạn trong năm 2015.

 

Ở cấp độ toàn cầu, Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã tuyên bố rằng số lượng người tị nạn lên đến gần 60 triệu trong năm 2015, tăng khoảng 40% kể từ năm 2014. Đức, Thụy Điển, Hungary, Áo và Italia là các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất ở châu Âu bởi vấn đề tị nạn.

Số người tị nạn đến Châu Âu có nhiều khả năng sẽ thấp hơn vào năm 2016, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn cho cả hai năm 2016 và 2017.

Hậu quả kinh tế ngắn hạn của các dòng di cư cao sẽ khiến mức tăng trưởng GDP cao hơn một chút ở Đức và Thụy Điển do sự gia tăng tạm thời trong chi phí công.

Trong ngắn hạn, nhiệm vụ hợp nhất một số lượng lớn người nhập cư và người dân trong nước sẽ là một thách thức lớn. Tại Thụy Điển, kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy rằng người dân từ Syria hòa nhập khá tốt vào thị trường lao động.

Tuy nhiên, để có thể hợp nhất một số lượng lớn những người đến từ một nước kém phát triển hơn nhiều sẽ rất phức tạp (GDP bình quân đầu người ở Syria là 5000 USD trước khi có các cuộc xung đột, ước tính chỉ khoảng hơn 10% so với mức bình quân ở Thụy Điển và Đức).

Để tăng cường hội nhập, các nước cần tăng cường tính linh hoạt của thị trường lao động, thúc đẩy chi tiêu vào giáo dục và các biện pháp thị trường lao động đang hoạt động, đồng thời sắp xếp các dịch vụ phúc lợi khác, tuy nhiên ở Đức và Thụy Điển điều này có thể sẽ rất khó khăn.

Sắp tới có nhiều khả năng tỉ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn một chút trong năm 2017 và năm 2018, điều này sẽ làm giảm phần nào áp lực tiền lương cho doanh nghiệp và áp lực lạm phát.

Thứ ba: Trưng cầu dân ý về Brexit

Trong thập niên sắp tới, một yếu tố quan trọng hình thành tương lai chính trị của châu Âu sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh muốn thoát li khỏi khối EU (Brexit). Tuy nhiên những cuộc trưng cầu dân ý lại luôn luôn đi kèm với sự không chắc chắn, nhất là khi sự kiện bất ngờ có thể đẩy kết quả theo hướng không như mong đợi.

Dự đoán tốt nhất hiện nay là Vương quốc Anh vẫn còn trong Liên minh châu Âu vì những hậu quả kinh tế và chính trị sẽ có sức công phá rất lớn nếu Anh kiên quyết theo chủ nghĩa biệt lập.

 

Sự cân bằng chính trị ở châu Âu là ý tưởng về một châu Âu mở cửa cho thương mại tự do và thị trường năng động. Tuy nhiên, Châu Âu và Vương quốc Anh sẽ không thể chiếm được ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Đối với Anh, hậu quả kinh tế lâu dài có thể sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc. Nếu không tham gia vào Liên minh châu Âu, vai trò của London - trung tâm tài chính của châu Âu sớm hay muộn sẽ bị đặt dấu hỏi.

Những người theo chủ nghĩa dân túy đang tạo ra ấn tượng rằng Anh sẽ không bị tổn hại gì nếu thoát khỏi khối EU, nhưng đó thật sự là một ảo tưởng nguy hiểm. Lịch sử cho thấy rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Đan Mạch năm 1992 đã tạo ra một làn sóng khủng hoảng tài chính và những tác động của Brexit được dự đoán có thể “khủng khiếp” hơn thời kỳ đó rất nhiều.

Bốn: Vai trò của nước Nga

Một yếu tố chính trị góp phần ổn định tài chính toàn cầu là nước Nga. Vào cuối năm 2015, Tổng thống Putin đã nhanh chóng thay đổi vị trí của Nga từ “người ngoài cuộc” thành người xây dựng lực lượng đối phó với Daesh ở Syria và Iraq.

Việc chuyển đổi này tuy rằng mong manh nhưng vì Putin không có cách nào nhượng bộ được nữa khi các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Cho đến nay, sự can thiệp của Nga dường như đã hỗ trợ rất nhiều cho Tổng thống Al-Assad, khiến thiệt hại thực tế mà Daesh được giảm nhẹ.

 

Trong những năm tới việc đầu tư ở Nga được xem là khá nguy hiểm. Sự phục hồi vững chắc ở Nga sẽ chỉ đến khi các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn bị thuyết phục rằng, sự đảo ngược chính sách trong nền chính trị của Nga cuối năm 2015 sẽ hướng tới một nước Nga hợp tác mở cửa và sẵn sàng cải cách cơ cấu kinh tế.

Từ nay cho đến lúc đó hầu hết các nhà đầu tư sẽ ngủ đông và hy vọng ngày tan giá lạnh tại vùng lãnh nguyên của Nga.

Năm: Tăng trưởng chậm, thị trường biến động

Tăng trưởng toàn cầu vẫn suy yếu trong năm tới, thêm nữa chúng ta cũng có thể thấy tình trạng hỗn loạn đáng kể trong thị trường tài chính. Sự phục hồi của nước Mỹ, tình trạng kinh tế suy yếu ở châu Âu cũng như tốc độ tăng trưởng suy giảm ở Trung Quốc đang tạo ra những bất ổn cho thị trường tài chính.

Chính sách tiền tệ bất thường trong vài năm qua đã bơm tiền ngắn hạn vào hệ thống tài chính toàn cầu. Kết hợp với tính thanh khoản thấp trên thị trường (do các cơ cấu quản lý mới được định hình lại trong ngành ngân hàng) đã đặt chuông cảnh báo về sự bất ổn.

Các yếu tố quan trọng quyết định mức độ biến động là tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và cải cách ở Trung Quốc. Nếu lạm phát gia tăng ở Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang được xem như là người thúc đẩy tình trạng này thì tỉ lệ lãi suất sẽ tăng cao hơn đồng thời sẽ củng cố giá của đồng đô la trên thị trường giao dịch thế giới.

Dự đoán tốt nhất bây giờ là lạm phát sẽ “dịu” đi. Ngoài ra, sự chuyển đổi công nghệ hiện nay đang dần tạo ra tiềm năng phát triển về khả năng sản xuất , giữ cho áp lực chi phí được kiểm soát.

 

Trong năm 2016, kỹ thuật số có thể trở thành chủ đề thống trị với những tiềm năng hết sức rõ ràng. Nhiều công ty mới thành lập đã tạo lợi nhuận “ấn tượng” trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa tạo ra được các tác động kinh tế vĩ mô đáng kể do tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức độ thấp.

Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước đang phục hồi vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trái ngược hẳn với các nền kinh tế phát triển khác, ví dụ như thị trường lao động ở Mỹ, Anh, Đức và các nước Bắc Âu đều có xu hướng tăng.

Sáu: Cải cách của Trung Quốc

Nếu kỳ vọng lạm phát ở Mỹ là một yếu tố quan trọng hình thành năm tài chính 2016, thì cải cách ở Trung Quốc lại được đánh giá trên một quy mô khác.

Nếu Trung Quốc có thể dần dần chuyển đổi từ nền kinh tế đầu tư sang nền kinh tế tiêu thụ thì tương lai sẽ mở ra con đường hướng tới tăng trưởng bền vững hơn và đem lại sự lạc quan trong lĩnh vực kinh doanh của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần, nhất là tại cuộc họp cuối cùng tại Davos và tại hội nghị thành phố Đại Liên, tuyên bố tham vọng của mình là sẽ thúc đẩy cải cách để mở rộng nền kinh tế và tiếp tục việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hoạt động.

 

Rủi ro của cuộc cải cách này phụ thuộc vào khả năng đối phó với sự chống đối từ các nhóm mang lại lợi ích đặc biệt, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và các khối bảo thủ khác. Đối với nền kinh tế toàn cầu, đây là chìa khóa để theo dõi bất kỳ dấu hiệu tăng tốc cải cách cũng như sự phản kháng về việc thay đổi đang được đẩy lùi.

Một điều quan trọng khác cần nhấn mạnh là tầm quan trọng của Trung Quốc đối với thị trường các nước mới nổi. Tăng trưởng ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi đã và đang được hỗ trợ từ nhu cầu ngày càng tăng đối với quặng sắt, đồng và dầu từ Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc đối phó với các thách thức trong nước, điều này sẽ góp phần làm “sống lại” sự lạc quan tại các thị trường mới nổi.

Theo dự báo của IMF cho năm 2016, sẽ có hơn 3,4 tỷ người sống ở những nước có GDP tăng trưởng nhanh vượt mức 6%. Tỷ lệ tăng trưởng 6% có nghĩa là nền kinh tế sẽ tăng gấp ba trong hai thập kỷ tới.

Cho dù năm 2016 có mang lại sự hồi sinh cho thị trường mới nổi hay không, hay là một năm thất vọng với nhiều câu hỏi mở đi chăng nữa thì việc gia tăng áp lực thị trường vẫn được xem như là đối số trong việc cải cách có đem lại kết quả tốt hơn hay không.

Năm 2016 có thể sẽ là một năm khó khăn cho nhiều nước trên thế giới. Tuy tăng trưởng toàn cầu đang dần tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ và các nước tiên tiến khác, nhưng bên cạnh đó chủ nghĩa dân túy, rủi ro chính trị và sự bất ổn của thị trường có nhiều khả năng mang lại nguy cơ tiềm ẩn cho sự lạc quan về tương lai.

* Từ điển Cambridge định nghĩa Chủ nghĩa dân túy là "những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường".

 


Theo Anders Borg
Trí Thức Trẻ/ CafeBiz

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Nhà phong thủy dự đoán về thế giới năm 2016

Kịch bản nào cho giá dầu năm 2016?

Mới cập nhật

Đầu tư an toàn và hiệu quả từ sản phẩm Lộc Vàng của TIKLUY

Cách chọn định dạng CV phù hợp với nhu cầu của bạn

Cách viết thư xin việc ấn tượng cho người chưa có kinh nghiệm

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ