Việc Bộ Công thương ký quyết định chính thức sử dụng biện pháp tự vệ lên sản phẩm tôn mạ màu được cho là một phần ghép rất quan trọng, là lá chắn cho ngành thép nội địa trước tình trạng dư cung, phá giá ồ ạt ở thị trường thép thế giới.
Cần 14.500 tỷ VND 'đánh thức' mỏ sắt 35 tỷ USD
- Cập nhật : 06/05/2017
Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh).
Đây hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được định giá khoảng 35 tỷ USD, nhưng vẫn "ngủ say" nhiều năm nay.
Cần 14.517 tỷ để đánh thức
Theo văn bản, TIC là chủ đầu tư dự án có quy mô lên tới 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 6.777 tỷ, giai đoạn 2 là 7.739 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng lên tới 4.821 ha.
Theo thiết kế, giai đoạn 1 của dự án sẽ có công suất 5 triệu tấn/ha, giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm. Thời gian xây dựng là 9 năm, tuổi thọ mỏ là 52 năm. Địa điểm xây dựng nằm tại 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc.
TIC cho biết, mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1954, ước tính có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn quặng sắt với hàm lượng trung bình là 58% Fe.
"Từ năm 2009 - 2015 TIC đã thuê các tổ chức tư vấn khảo sát, chuẩn hoá địa chất, caster với nhiều công trình nghiên cứu phục vụ việc khai thác tại mỏ sắt. Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, công ty đã báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương và tỉnh Hà Tĩnh xin ý kiến về việc tái khởi động dự án”, văn bản nêu.
TIC hiện đã cơ cấu lại số cổ đông, từ 9 giảm xuống chỉ còn 5. Tuy nhiên, chỉ có hai công ty tiếp tục góp vốn là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và công ty Thăng Long. Các cổ đông như Mitraco, VnSteel, Bitexco không thực hiện nghĩa vụ góp vốn, tổng là 214 tỷ đồng. Do đó, TKV đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 59,5%, Thăng Long nắm 13,45% vốn điều lệ TIC.
Tổng số vốn góp lũy kế tính đến 6/3/2017 đạt 1.809 tỷ, thiếu 224 tỷ đồng so với mức đề ra là 2.033 tỷ đồng - đáp ứng 30% vốn đối ứng giai đoạn 1 dự án theo yêu cầu. TKV đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo việc góp vốn vào TIC để tái khởi động dự án song Bộ Công Thương vẫn chưa có chỉ đạo lại.
Về công nghệ, TIC khẳng định dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là dự án khai thác mỏ lộ thiên thông thường, với công nghệ áp dụng phổ biến trên thế giới cũng như các mỏ của TKV đang thực hiện. Về công nghệ khai thác, tuyển quặng, phòng chống sạt lở bờ mỏ, bãi thải, thoát nước mỏ, vận tải đã được thẩm định bởi Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam, hội đồng thẩm định do Bộ Công Thương chủ trì và tư vấn nước ngoài thẩm định độc lập.
Ai sẽ tiêu thụ quặng sắt có lượng kẽm cao của Thạch Khê?
Báo cáo nhấn mạnh, mỏ Thạch Khê nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Hà Tĩnh, nên giai đoạn đầu quặng sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đi tiêu thụ. Sau khi xây cảng, quặng sắt sẽ được tiêu thụ thông qua cảng biển và một phần bằng đường bộ.
“Theo tài liệu địa chất quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng sắt cao, trung bình 59,19%, hàm lượng kẽm cao 0,071% khó khăn cho công nghệ luyện kim truyền thống trước đây nhưng gần đây công nghệ lò cao đã phát triển, một số lò cao trên thế giới đã sử dụng 100% quặng sắt có hàm lượng kẽm lên tới 0,38%. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong nước ký hợp đồng nguyên tắc với TIC để tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê như Hoà Phát, Thái Hưng với nhu cầu khoảng 5,7 triệu tấn/năm, đủ khả năng tiêu thụ giai đoạn 1”, văn bản nêu.
Đến giai đoạn 2 tức sau năm 2020, khi các dự án thép tại Dung Quất công suất 4 triệu tấn/năm, Dự án thép Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm đi vào sản xuất… có thể sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê thì công suất 10 triệu tấn/năm sẽ tiêu thụ hết trong nội địa, chưa tính đến Liên hợp thép ở Hà Tĩnh do TIC đầu tư.
Theo dự thảo quy hoạch ngành thép đến 2025, sản lượng phôi thép lên mức 27 triệu tấn. Đặc biệt, công ty thép Hoà Phát đã có công văn gửi Phó thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương về đề nghị xin dừng xuất khẩu quặng để tạo điều kiện cho mỏ sắt Thạch Khê được nhanh chóng triển khai và đưa vào khai thác, có thêm nguyên liệu cho các doanh nghiệp lò cao trong nước. Hoà Phát cũng cho biết sẵn sàng đặt hàng Thạch Khê 3 triệu tấn/năm.
Chủ đầu tư dự án khẳng định, quặng sắt Thạch Khê khai thác chỉ đủ để cung cấp một phần nhu cầu quặng sắt cho các nhà máy luyện kim trong nước.
Đem về trăm ngàn tỷ cho nhà nước
Về hiệu quả dự án, chủ đầu tư khẳng định mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn, hàm lượng sắt cao, hệ số bóc thấp sẽ làm giảm giá thành sản xuất. Do đó, thời gian hoàn vốn dự án khoảng 9,5 năm.
Đối với nhà nước, TIC khẳng định dự án sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước theo Quy hoạch ngành đã được Chính phủ phê duyệt, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài, góp phần phát triển ngành thép Việt, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao, tăng GDP đất nước.
"Dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn cho nhà nước, theo tính toán hàng năm nộp ngân sách dự án là 1.200 tỷ đồng trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 là 2.400 tỷ đồng. Tổng thu từ các khoản phí trên của dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều khoản thuế khác”, văn bản nêu.
Đặc biệt, dự án còn góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ thương mại tại Hà Tĩnh, dịch phụ phụ trợ với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Lợi ích của dự án với nhân dân đó là tăng việc làm, thu nhập cho khu dân cư ở xung quanh dự án thông qua các dịch vụ phụ trợ, thương mại. Nhân dân khu vực này cũng được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình an sinh xã hội mà TIC hỗ trợ ban đầu lên tới 247,5 tỷ đồng. Dự án giải quyết cho 3.490 lao động trực tiếp.
Đối với các nhà đầu tư là đem lại hiệu quả kinh tế. Theo tính toán, lợi nhuận của dự án đem lại cho nhà đầu tư là 66.391 tỷ đồng, sau thuế đạt 53.024 tỷ đồng.
Theo Bạch Dương - Vneconomy.vn