(Cong nghiep Viet Nam)
Vừa qua, tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) (Cộng hòa Áo), Việt Nam và IAEA đã tổ chức cuộc họp về Kế hoạch tích hợp phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (IWP). Mục đích của cuộc họp là đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch IWP năm 2014, thống nhất kế hoạch 2015, đồng thời xây dựng kế hoạch IWP giai đoạn 2016 – 2020 phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng ĐHN ở Việt Nam đang tiến triển tốt
Tại cuộc họp, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - đã khái quát hiện trạng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam và nội dung chủ yếu của Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã báo cáo tóm tắt tình hình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Từ năm 2009 đến nay, IAEA đã cử 3 đoàn công tác về đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (INIR) đến làm việc với các bộ, ngành và địa phương liên quan của Việt Nam. Theo kết luận của IAEA, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân và cần triển khai nhiều hoạt động để đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn 2. Đoàn công tác INIR của IAEA năm 2012 cũng đã chỉ ra 7 lĩnh vực trọng tâm trong phát triển cơ sở hạ tầng đối với Việt Nam gồm: hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường khung pháp quy, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống quản lý, bảo đảm vốn và tài chính, xây dựng chiến lược quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ, xây dựng kế ứng phó sự cố hạt nhân và bức xạ quốc gia.
Theo hướng dẫn của IAEA, một quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân toàn diện, bao gồm các hoạt động triển khai tất cả các công việc cần thiết để bảo đảm sự thành công của dự án điện hạt nhân đầu tiên như: địa điểm nhà máy, khuôn khổ pháp lý, bảo đảm an toàn và anh ninh, phát triển nguồn nhân lực, quản lý dự án, bảo đảm ngân sách và tài chính, lưới điện, sự tham gia của công nghiệp phụ trợ, thông tin tuyên truyền…
Để tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, Việt Nam và IAEA đã xây dựng Kế hoạch IWP vào tháng 2/2011 tại Viên, Cộng hòa Áo. Đến nay, kế hoạch này đã và đang được thực hiện thông qua 9 dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA với tổng kinh phí khoảng gần 2,5 triệu Euro. Trong thời gian qua, IAEA cũng đã cử khoảng 80 đoàn chuyên gia đến hỗ trợ Việt Nam, hơn 80 lượt cán bộ Việt Nam đã được cử đi khảo sát tham quan kỹ thuật, gần 20 cán bộ đi thực tập ngắn hạn. Theo đánh giá của IAEA, Kế hoạch IWP đã có vai trò đáng kể trong việc tăng cường sự phối hợp giữa Việt Nam và IAEA cũng như nâng cao hiệu quả hỗ trợ của IAEA cho Việt Nam về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Được biết, Kế hoạch IWP giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 10 nội dung ưu tiên như phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý và pháp quy, thông tin tuyên truyền, tài chính dự án, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, ứng phó sự cố, hoàn thiện hệ thống quản lý... được thực hiện thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật của IAEA trong giai đoạn 2016-2020, các hoạt động hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam về điện hạt nhân và được tích hợp với các hoạt động triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong kế hoạch tổng thể. Góp phần quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch tổng thể, đáp ứng các khuyến cáo của IAEA, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo Báo Công thương