Các nhà sản xuất hàng may mặc ở Việt Nam đang gấp rút tìm những nhà cung cấp vật liệu và vải sợi, trong bối cảnh các xưởng dệt trong nước chỉ sản xuất được có 1/5 nhu cầu của Việt Nam.
Điện hạt nhân, hàng không thu hút nhà đầu tư Nga
- Cập nhật : 28/09/2015
(Tin kinh te)
Nhiều tập đoàn lớn của Nga như Rosatom, Rosneft, Rostec, Kamaz… nhận định sự hợp tác Nga - Việt trong tương lai sẽ mạnh mẽ hơn nhiều
Tại hội nghị về hợp tác thương mại và đầu tư Nga - Việt tổ chức ở Hà Nội ngày 23-9, Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Maxim Golikov cho biết trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế đầy tiềm năng giữa Nga và Việt Nam,hợp tác quốc phòng hiện đang phát triển rất tốt và hy vọng trong tương lai sẽ phát triển mạnh hơn nữa.
Xuất khẩu sang Nga sẽ tăng mạnh
Ông Maxim Golikov cho biết năm 2014, Việt Nam đứng thứ ba trong số cácđối tác thương mại của Nga ở ASEAN, chiếm 17,5% tổng kim ngạch thương mại và dẫn đầu trong số các nước ASEAN về xuất khẩu vào Nga, chiếm 26% tổng nhập khẩu từ ASEAN. Nhập khẩu của Nga từ Việt Nam chủ yếu là máy móc và thiết bị (47%), hàng dệt may, giày dép (25%), lương thực thực phẩm và nông sản nguyên liệu (17%).
Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giới thiệu khu quy hoạch Nhà máy Điện hạt nhân 1 tại tỉnh Ninh Thuận, hợp tác giữa Tập đoàn Rosatom của Nga và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Thanh Nhân
Trong nửa đầu năm nay, thặng dư thương mại của Việt Nam với Nga đã vượt quá 120 triệu USD. “Tháng 5-2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã được ký kết. Thuế của 90% mặt hàng về mức 0% hoặc giảm đáng kể. Mức thuế nhập khẩu trung bình vào Liên minh kinh tế Á - Âu dành cho hàng hóa từ Việt Nam sẽ giảm từ 10% xuống còn 2,5% đến năm 2025. Hiệp định sẽ cho phép khắc phục các rào cản kỹ thuật trong thương mại và khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hàng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Nga sẽ tăng trưởng mạnh” - ông Golikov dự đoán.
Mặt khác, hiện Việt Nam đang đầu tư vào các dự án dầu khí ở Nga, dự kiến sẽ có những khoản đầu tư mới vào ngành công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Nga đứng thứ 3 trong số nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 20 dự án, tổng mức đầu tư là 2,5 tỉ USD.
Không dừng lại ở lĩnh vực dầu khí
Ngược lại, Nga hiện đang tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam. Vốn đầu tư tập trung trong 107 dự án với trị giá gần 2 tỉ USD bởi các DN lớn như Power Machines, Rosatom, Rosneft, Gazprom, Zarubezhneft… Ngoài những lĩnh vực hợp tác truyền thống như dầu khí, Việt Nam và Nga đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, công nghiệp ô tô, hàng không, cung cấp máy móc, thiết bị…
Quyền Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) Dương Hoàng Minh cho biết bình quân một dự án của Nga tại Việt Nam có vốn đăng ký 18,5 triệu USD, cao hơn mức trung bình của một dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay là 14,1 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng.
Đại diện Tập đoàn Rosatom tại Việt Nam, ông Andrey Stankevich, cho biết tập đoàn đang thực hiện 2 dự án lớn là Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận và Trung tâm Khoa học - Công nghệ hạt nhân mới. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, tổng giá trị đầu tư khoảng 10 tỉ USD được xây dựng theo công nghệ của Nga, với phương thức “chìa khóa trao tay” và có nguồn tín dụng ưu đãi từ Chính phủ Nga. Còn Trung tâm Khoa học - Công nghệ hạt nhân mới, chủ đầu tư là Vinatom, có tổng giá trị đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Maxim Golikov cho rằng Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn nữa bởi DN Nga còn gặp nhiều khó khăn ở Việt Nam, trong đó có tình trạng quan liêu, thủ tục giấy tờ rườm rà, rất khó để tìm hiểu cặn kẽ về những quy định luật pháp Việt Nam.
Giúp Việt Nam hiện đại hóa quân sự
Theo ông Sergey Verba, Trưởng Đại diện của Tập đoàn Rostec tại Việt Nam, thời gian qua, Rostec đã cung cấp rất nhiều thiết bị cho Việt Nam, cả về dân sự lẫn quân sự, trong đó có các thiết bị cho máy bay quân sự và máy bay dân sự.
Các DN của Tập đoàn Rostec sản xuất tất cả các loại máy bay trực thăng của Nga, thiết bị y tế và thuốc, thiết bị quang học, hàng không, động cơ, rất nhiều chủng loại vũ khí và thiết bị quân sự… Rostec tham gia sáng lập nhiều DN liên doanh Việt - Nga như: Visorutex, Helitechco, Vmik. Trong đó, Helitechco được thành lập giữa Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty CP Trực thăng Nga, chuyên đại tu các máy bay trực thăng nhãn hiệu “Mi”. Hiện lãnh đạo Helitechco đang cùng với Tập đoàn Rostec nghiên cứu nâng quy mô xí nghiệp lên thành Trung tâm Sửa chữa cấp khu vực ở Đông Nam Á để có thể đại tu các máy bay trực thăng dòng “Mi”, sửa chữa các máy bay trực thăng dòng Mi-17B-5 và Mi-171 cùng các máy bay trực thăng quân sự.