tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành da giày cần hướng tới thị trường nội địa để tự cứu lấy mình

  • Cập nhật : 11/10/2015

(Bo nganh)

Trước áp lực cạnh tranh, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp ngành da giày cần hướng tới thị trường nội địa nhiều hơn. Đặc biệt, mẫu mã phải phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

 

Theo Bộ Công Thương, sản lượng giày dép da tháng 9 năm 2015 ước đạt 29,1 triệu đôi, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tháng 9 ước đạt 850 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng năm 2015, sản lượng giày dép da ước đạt 241,9 triệu đôi, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương cho hay, giống như ngành dệt may, diễn biến phức tạp của việc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ trước mắt chưa tác động gì nhiều đến doanh nghiệp da giày. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn khi xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như nhiều thị trường truyền thống khác của Việt Nam.

Mặt khác, đồng nhân dân tệ giảm giá giúp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày tiếp cận với nguồn nguyên liệu rẻ hơn, tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Bên cạnh chú trọng xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp ngành da giày cũng cần hướng tới thị trường nội địa nhiều hơn. Đặc biệt, mẫu mã phải phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp da giày cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm thị trường trong nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho hay, khi Việt Nam mở cửa thị trường, các thương vụ cần rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại để đề ra giải pháp, nghiên cứu tác động và khả năng cạnh tranh của hàng hóa ở Việt Nam

"Nhiều nước cũng có xu hướng điều chỉnh tỷ giá để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, không loại trừ có cả Việt Nam. Sau khi ngân hàng nhà nước điều chỉnh tỷ giá đã có những tác động tích cực, quan trọng nhất là nhằm mục tiêu khai thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu,", ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, cần đổi mới công tác thị trường và Xúc tiến thương mại, tuyên truyền phổ biến các FTA, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp C/O qua mạng. Hiệp hội ngành hàng cần động viên các doanh nghiệp tham gia vì hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít đi xi cấp C/O qua mạng.

Về cải cách thủ tục hành chính, theo ông Chinh, Bộ đã có ý kiến để các đơn vị xem xét duyệt cấp thủ tục hành chính qua mạng, nếu được chấp thuận của các đơn vị thì chỉ cần mang lên Cục Xuất nhập khẩu và sẽ ký ngay nhằm giảm thời gian và chi phí đi lại.

Về tự chứng nhận xuất xứ, Bộ Công Thương đã giao cho các doanh nghiệp có uy tín tự đứng ra chứng nhận xuất xứ của mình.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục