Mỗi năm, Việt Nam tiêu tốn hàng chục tỉ USD cho việc nhập khẩu phụ kiện phục vụ các ngành công nghiệp. Đây hiện đang trở thành một gánh nặng lớn cho nền kinh tế.
DN Canada tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam
- Cập nhật : 25/08/2015
(Dau tu)
Doanh nghiệp (DN) Canada muốn tìm cơ hội hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ phát sáng bằng năng lượng mặt trời, giáo dục và đào tạo nghề, sản phẩm và dịch vụ y tế, nhập khẩu thực phẩm, tư vấn dự án phát triển xanh tại Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada và Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã phối hợp với Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) và Hội đồng Kinh doanh Đông Nam Á - Canada (SEACBC) tổ chức Diễn đàn Hợp tác doanh nhân Việt Nam - Canada tại TP.HCM. Chương trình nhằm kết nối, xúc tiến thương mại cho 10 DN SEACBC và các thành viên HUBA, VPBA.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Carmelita, Chủ tịch SEACBC cho hay, đoàn DN Canada đến Việt Nam lần này chủ yếu tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Các lĩnh vực mà DN Canada quan tâm gồm công nghệ phát sáng bằng năng lượng Mặt trời, giáo dục và đào tạo nghề, sản phẩm và dịch vụ y tế, thực phẩm, tư vấn các dự án phát triển xanh.
Theo bà Carmelita, đây là lần thứ hai SEACBC tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư vào Việt Nam sau chuyến khảo sát thị trường Việt Nam năm 2013. Theo đó, mục đích của chuyến đi năm nay là để các DN Canada thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với đoàn DN Canada, bà Carmelita cũng đang đảm nhận nghĩa vụ thương thảo với một số trường kỹ thuật và dạy nghề Việt Nam để xúc tiến hợp tác đào tạo công nhân đạt tiêu chuẩn Canada, phục vụ cho việc xuất khẩu lao động sang Canada.
Một số thành viên của đoàn DN Canada như Công ty Tan Grace Decoration Construction quan tâm đến việc cổ phần hóa của các công ty Việt Nam; Công ty USANA hoạt động trong lĩnh vực y tế, thực phẩm chức năng đang tìm kiếm địa điểm để lập văn phòng đại diện tại TP.HCM; hay Công ty Asian Solar Lighting muốn hợp tác với TP.HCM hoặc với các tỉnh có nhu cầu đầu tư về chiếu sáng bằng năng lượng Mặt trời để triển khai đầu tư.
Theo bà Lã Thị Lan, Trưởng Đại diện Văn phòng miền Nam VPBA, việc gặp gỡ các DN Canada là cơ hội tốt cho các DN Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu hiệp định này được ký kết sớm sẽ là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm các nguồn hàng hóa có thế mạnh, các DN Canada cũng rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam để khai thác thị trường tại chỗ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada luôn tăng trưởng từ năm 2010 đến nay.
Cụ thể, năm 2010 đạt 797 triệu USD, năm 2011 đạt 969 triệu USD, năm 2012 đạt 1,16 tỷ USD, năm 2013 đạt 1,54 tỷ USD, năm 2014 đạt 2,08 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất hàng hóa sang thị trường này trị giá 1,19 tỷ USD với các mặt hàng có kim ngạch cao là thủy sản, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Dự kiến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada sẽ tăng khoảng 40% so với 2014, đạt mức 2,88 tỷ USD.
Trong thương mại song phương, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada với xu thế kim ngạch năm sau cao hơn năm trước.
Với sự tăng trưởng này, ông Trần Quang Dũng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver (Canada) dự kiến, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam - Canada sẽ đứng đầu các nước khu vực Đông Nam Á.
Còn theo ông Marcel R.Laneville, Tùy viên thương mại, đại diện Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM, ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ..., Việt Nam đang là ưu tiên trong kế hoạch phát triển thị trường toàn cầu của Canada.
"Trong chiến lược hỗ trợ các DN nhỏ và vừa của Canada, Chính phủ Canada sẵn sàng hỗ trợ khoảng 1.500 DN nhập khẩu đang có ý định đẩy mạnh hợp tác với các DN Việt Nam để đưa hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn tại thị trường Canada", ông Marcel R.Laneville cho biết.
Hiện tại, thông tin nghiên cứu thị trường từ những DN Việt Nam cho thấy, so với thị trường Mỹ, Canada chưa được các DN Việt Nam chú trọng bằng.
Nguyên nhân do việc tiếp cận các kênh phân phối lớn ở thị trường Canada vẫn còn là rào cản đối với DN Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam muốn có mặt tại thị trường Canada đều phải qua công ty trung gian của nước thứ ba.
Ngoài ra, hệ thống luật thương mại của Canada tương đối phức tạp. Hàng nhập khẩu vào Canada phải chịu sự điều tiết của luật liên bang và luật nội bang. Các luật này nhiều khi không thống nhất. Trong khi đó, sự am hiểu về luật của các DN Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Tính bảo hộ cho các ngành sản xuất tại Canada rất mạnh, hàng hóa nhập khẩu phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ, nên đã có một số mặt hàng Việt Nam bị liệt vào danh sách hạn chế nhập khẩu.
Từ tháng 6/2015, Canada áp dụng các quy định quản lý an toàn thực phẩm theo hướng siết chặt việc kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm, nông sản nhập vào Canada, cho thấy khó khăn ở thị trường Canada là luôn tồn tại.
Song với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa mỗi năm trị giá khoảng gần 500 tỷ USD thì Canada vẫn được xem là thị trường tiềm năng của các DN Việt Nam.